Antonio Haas lôi ra một chiếc hòm gỗ từ căn buồng nhỏ xây bằng xi măng, quét sạch lớp bụi cả năm bám đầy trên nắp hòm và bật nắp ra, để lộ một đống xương đã ngả màu cà phê và một cái hộp sọ nhỏ còn dính lại vài mảng tóc.
Người Mexico coi lau xương là một tập tục đẹp. |
Đó là di hài của cha ông, chết cách đây 5 năm và bây giờ đến lúc lau xương cho người thân đã khuất như hằng năm họ vẫn làm, khi “Ngày hội người chết” đang đến gần.
Đối với người ngoài thì việc này thật là rùng rợn, nhưng Haas lại cho rằng “đây là một việc bình thường nhất trên đời”. “Chẳng có gì phải sợ người chết cả. Người sống mới là đáng sợ”, ông vừa nói vừa lau chùi cái sọ một cách âu yếm. Không hề chớp mắt lấy một lần, ông Haas lôi hết cái xương này đến cái xương kia ra khỏi hòm, lau sạch bụi mạt màu đen bằng một chiếc khăn thêu. Trong năm qua, chiếc khăn này được dùng làm chỗ nằm cho di hài của bố ông.
Đối với ông nông dân 58 tuổi này và hàng tá những hậu duệ khác của người da đỏ Maya tại ngôi làng nhỏ trên bán đảo Yucatan, những ngày cuối tháng 10 được dành ra để lau xương người chết: phủi bụi, đánh bóng, cọ rửa và sắp xếp lại bộ xương của những thành viên đã khuất trong gia đình để kịp đón “Ngày hội người chết”, ngày người dân Mexico chào đón linh hồn những người thân yêu trở về.
Người Mexico tôn vinh người chết vào ngày 1/11, ngày mà mọi người tin rằng linh hồn trẻ em đã chết sẽ trở về và ngày 2/11, ngày linh hồn người lớn quay về.
Người dân Mexico ăn mừng “Ngày hội người chết” bằng cách tổ chức nấu nướng, ca hát và cầu nguyện, cả ở nhà lẫn ở nghĩa trang. Người ta thắp sáng bia mộ bằng nến, trang trí bằng cúc vạn thọ màu da cam và chất đầy trên đó những thức ăn mà người chết lúc còn sống rất ưa thích, gồm thịt lăn bột Mexico, những chiếc kẹo nhỏ hình đầu lâu và “bánh mì cho người chết” – ổ bánh mì rắc đường bên trên có dải vỏ bánh tượng trưng cho các chiếc xương, phía trên có một viên tròn làm cái đầu lâu.
Người ta tin rằng tập tục lau xương có từ thời các nền văn hoá Maya, trước khi người Tây Ban Nha xâm nhập và được duy trì mãi cho đến ngày nay. Theo lời Venancio Tus Chi, 42 tuổi, nhân viên nghĩa trang nhận lau xương với giá 25 pêsô (2 USD) cho những gia đình không có thời gian làm việc đó, thì tập tục này được duy trì “để khi các linh hồn quay trở về, họ sẽ thấy rằng họ không bị bỏ quên”.
Người Maya thời hiện đại cư trú tại Camino Real Alto thường chôn người chết trong những chiếc áo quan, sau ba bốn năm họ khai quật xác chết, phơi nắng xương cho khô và cọ rửa xương bằng vải mềm hoặc chổi quét sơn nhỏ. Bộ xương sau đó được đặt trong hòm gỗ nhỏ và để trong buồng xây bằng xi măng, bên ngoài nhìn vào có thể trông thấy qua các cửa bằng sắt rèn.
Một số buồng để xương được xây thành nhiều tầng. Căn buồng trên cùng của ngôi mộ gia đình Haas được dành cho người cha, căn giữa cho người mẹ và căn dưới cùng dành cho một người con trai và bà nội.
Trước và sau lễ tưởng niệm “Ngày hội người chết”, các hòm xương được trang hoàng đầy hoa và nến cúng, sau đó mở tung ra để người nhà có cơ hội nhớ lại người thân của họ. Các hốc mắt trống rỗng đang ngó ra từ những hộp sọ đặt trên những đống xương được sắp xếp cẩn thận.
Những chiếc xương sau khi lau xong được đặt phía trên hoặc gói trong chiếc khăn mùi xoa mới thêu hình hoa lá sặc sỡ, có chữ viết và biểu tượng phản ánh nhân cách cùng những đồ vật ưa thích của người đã khuất. Điều này giống như “thay đổi quần áo để họ được an nghỉ tốt hơn”, Valdemar Euan, 24 tuổi, giải thích khi đang lau xương cho bà nội của anh.
Hầu hết người dân Mexico quả quyết rằng, tổ tiên họ là người da đỏ và người Tây Ban Nha. Ngoài ra, mọi người đều theo đạo Thiên Chúa, chí ít là trên danh nghĩa, và tín ngưỡng Cơ Đốc giáo thể hiện rõ nét qua truyền thống lau xương.
“Có người sợ đụng vào xương người chết. Thực ra khi lau xương cho mẹ, tôi có cảm giác như đang viếng thăm mẹ của mình vậy. Tôi giúp tắm rửa cho bà, mặc quần áo cho bà, chải tóc cho bà. Làm công việc đó, cũng chẳng khác nào tôi được gặp lại mẹ mình vậy”, bà Maria de la Luz Canun, 55 tuổi, nói.
(Theo Kiến Thức Ngày Nay)
Nguồn: Vnexpress.net