Tết Songan ở Thái Lan

0
165

Trong ngày tết, mọi người phải cầm chiếc bát bằng bạc đi từ nhà đến bên sông lấy cát đem đến tu viện. Sau đó dồn góp chúng lại thành một tháp cát, trên đỉnh tháp có cắm vô số các loại hoa màu sắc rực rỡ để kính dâng lên phật.

Đó là tết năm mới theo phật lịch, hằng năm, người ta tổ chức ăn tết một cách rầm rộ, ngay cả những đại sứ thường trú ở nước ngoài cũng về ăn tết. Để giữ gìn phong tục truyền thống, hằng năm, dịp tết này chính phủ Thái Lan cho nghỉ 2 ngày.

Tết Songan vốn là một nghi thức tôn giáo của Đạo Bà La Môn Ấn Độ. Giáo phái này đã quy định ra một ngày trong năm, các tín đồ phải đến một con sông tắm gội gột bỏ những điều ác. Đối với người già không đến sông tắm gội được thì người nhà mang nước về dội lên người của họ và xem như tắm rửa tội vậy. Truyền thuyết còn cho rằng, trước ngày tết Songan vài ngày, đại thiên thần Đế Thích sẽ giáng trần báo mộng. Nếu thấy ngài mang vũ khí thì năm đó ắt có chiến tranh, mang đuốc thì sẽ xảy ra hạn hán, còn mang theo bình nước thì năm đó sẽ mưa thuận gió hoà. Sau khi các tín đồ truyền nhau mộng báo, họ bắt đầu té nước, và chính vì vậy, tết Songan còn được gọi là tết mưa hoặc tết té nước.

Hoạt động chúc mừng ngày tết Songan rất phong phú và đa dạng. Ngoài các hoạt động biểu diễn ca múa, múa khỉ, múa hình nộm rất náo nhiệt trên quảng trường hoàng gia và công viên ở thủ đô Bangkok còn có hoạt động và nghi thức chúc mừng mang bản sắc riêng của từng dân tộc, từng khu vực khác nhau trên khắp nước. Ngày vui cao điểm thường là từ 13 đến 16/4. Các hoạt động chủ yếu của tết bao gồm:

Gội rửa phật: Các thiện nam tín nữ đã tắm gội sạch sẽ thành kính cầm hương hoa và lễ vật, họ kết thành từng đoàn kéo nhau đến các đền miếu để nghe tụng kinh và cầu phúc, tăng lữ dùng cành đào vẩy nước có ngâm các cánh hoa và nước hoa lên đầu mọi người. Sau đó, người ta mang tượng phật từ trên đài sen xuống, dùng nước hoà bột nghệ và nước hoa vẩy cho ướt để làm lễ gột rửa và kỷ niệm bậc tiền nhân đã khuất.

Góp cát: Mọi người phải cầm chiếc bát bằng bạc đi từ nhà đến bên sông lấy cát đem đến tu viện. Sau đó dồn góp chúng lại thành một tháp cát, trên đỉnh tháp có cắm vô số các loại hoa màu sắc rực rỡ để kính dâng lên phật. Cuối cùng cát đó lại được mang ra rải khắp tu viện.

Bố thí, phóng sinh: Mọi người sẽ mang những con vật thường nuôi làm cảnh trong nhà như chim, cá… đến tu viện lớn để bố thí hoặc tự mình mang thả chúng đi.

Diễu hành chúc tụng: Vì đây là hoạt động tưng bừng nhất nên chỗ nào cũng có. Đoàn diễu hành thường do một nhóm nhạc công mặc áo vải thô màu xanh mang đặc điểm riêng của người miền Bắc dẫn đầu, vừa đi vừa diễn tấu các nhạc khúc nghe hết sức rung động. Nhưng cái để mọi người chú ý nhất trong đoàn diễu hành là “hoàng hậu tết cầu mưa”. Bà ta bị vây chặt trên chiếc xe hoa có vẽ mây màu và nhiều loại chim thú kỳ lạ. Theo sau là một chiến xa chở một pho tượng Phật lớn và một đội võ sư biểu diễn võ. Khán giả hai bên đường đã chuẩn bị sẵn từng muôi nước thi nhau vẩy. Theo phong tục truyền thống, ai được vẩy nhiều nước nhất, người đó được nhiều phúc nhất.

(Theo Phong tục tập quán các nước)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn