Thác Pạc Sủi ở xã Yên Than là một trong những điểm nhấn về du lịch của huyện Tiên Yên. Đến thác Pạc Sủi cho người ta cảm nhận riêng về vẻ đẹp hùng vĩ của đá và nước. Khách đến với thác Pạc Sủi có đến hơn 90% là giới trẻ, không chỉ ở huyện Tiên Yên mà còn đến từ Cẩm Phả, Bình Liêu, Hải Hà, Móng Cái…, thậm chí từ Hà Nội. Du khách đến Pạc Sủi hầu hết các tháng trong năm, nhưng đông nhất vẫn là vào mùa hè.
Dòng nước ào ạt trút xuống từ những bậc đá lớn tựa như những mái tóc của nàng tiên nữ
Nguyễn Ánh Dương, một dân “phượt” ở TP Cẩm Phả, đến thác Pạc Sủi 2 lần chia sẻ: “Giới trẻ chúng tôi thích tìm hiểu, khám phá, thích những cái mới lạ. Đến thác Pạc Sủi chúng tôi được thoả mãn lòng hiếu kỳ. Bởi thác có 12 tầng, mỗi tầng có vẻ đẹp khác nhau, quanh co uốn lượn; các phiến đá tạo ra nhiều hình thù, màu sắc thoả nguyện trí tưởng tượng…”.
Mỗi mùa, thác Pạc Sủi có vẻ đẹp riêng, mùa mưa nước chảy ầm ầm; mùa khô dòng nước hiền hoà hơn, hơi nước bay lên êm đềm dịu dàng, khiến cho ta thấy được vẻ khoan khoái trong khí hậu khô hanh. Trên những ngọn cây lớn trên đỉnh đồi là những cánh chim bay lượn; trong những bụi cây là những chú chim nhỏ hót líu lo, khiến ta thấy thiên nhiên thêm gần gũi. Mặt khác, khi đến thác Pạc Sủi cũng gợi cho lớp trẻ cảm giác thích vận động, leo trèo hoặc đằm mình trong làn nước trong xanh mát lạnh…
Các tầng thác có độ dốc cao, khó đi song lại là điểm đến hấp dẫn cho những ai thích khám phá thiên nhiên
Để giúp cho giới trẻ có những hoạt động phù hợp, không ảnh hưởng đến cảnh quan khi đây là một trong những điểm nằm trong quy hoạch phát triển du lịch của huyện, xã Yên Than đã vào cuộc tích cực. Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Cao Khải, Bí thư Đảng uỷ, Chủ tịch UBND xã cho hay: “Chúng tôi đã cho cắm toàn bộ biển báo khu vực nguy hiểm, đường đi, hướng dẫn về vệ sinh môi trường ở phía trong khu vực thác; các biển khuyến cáo người đến thác Pạc Sủi để tham quan hay làm các công việc khác không đốt lửa trại, hay các hoạt động nấu nướng khác gây hoả hoạn, nguy hiểm vì xung quanh là rừng. UBND xã tổ chức cho các hộ dân có rừng xung quanh thác ký cam kết không phá rừng, khi khai thác không gây nguy hại cho rừng… Trước đó, từ phong trào xây dựng nông thôn mới, con đường liên thôn từ quốc lộ 18A vào Pạc Sủi dài hơn 3km, nhân dân cùng vào cuộc đóng góp sức người, sức của để hoàn thành và việc cắm biển giao thông, biển chỉ dẫn trên tuyến đường này cũng đã được xã hội hoá”.
Từ lối rẽ vào thác Pạc Sủi, xã đã cho sửa sang, tạo bậc, giúp cho khách vào được dễ dàng hơn; giao cho các thôn quy hoạch điểm dừng chân cho du khách, điểm trông giữ xe. Hiện đã có doanh nghiệp đặt vấn đề với xã về việc đầu tư du lịch ở Pạc Sủi. Trong tương lai gần, Pạc Sủi hứa hẹn là được đầu tư phát triển là điểm du lịch có quy mô và tính chuyên nghiệp hơn.
Công Thành
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn