Lượng sinh viên tốt nghiệp đại học lớn khiến thị trường việc làm tại xứ tỷ dân thêm cạnh tranh, theo SCMP.
Tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), nhiều người có bằng thạc sĩ hiện làm công việc chế biến thuốc lá trong nhà máy.
Mới đây, nhà sản xuất thuốc lá China Tobacco Henan Industrial Co. trở thành tâm điểm tranh cãi vì trình độ học vấn ấn tượng của đội ngũ công nhân dây chuyền sản xuất, South China Morning Post đưa tin.
Gần một phần ba trong số 135 công nhân có bằng thạc sĩ. Số còn lại đều là sinh viên từ các trường đại học thứ hạng cao của Trung Quốc, theo danh sách được công bố vào tháng 4 trên trang web của Cục Quản lý Độc quyền Thuốc lá Nhà nước.
Vài tháng trước, một trường tiểu học tư thục được chú ý khi có đội ngũ giáo viên tốt nghiệp thạc sĩ từ các học viện hàng đầu trong và ngoài Trung Quốc như Đại học Columbia, Đại học Thanh Hoa và Đại học Bắc Kinh.
Bằng cấp tại Trung Quốc mất giá trị khi có quá nhiều sinh viên ra trường. Ảnh: SCMP. |
Bão hòa cử nhân
Thị trường việc làm ngày càng cạnh tranh khi số người có bằng đại học tại xứ tỷ dân tăng qua từng năm.
Theo Bộ Giáo dục Trung Quốc, có 9,09 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học và tham gia thị trường việc làm vào mùa hè này, tăng gần 1 triệu người so với năm 2020.
Cùng năm đó, hơn 54% dân số Trung Quốc trong độ tuổi 18-22 vào đại học. Năm 2002, tỷ lệ này chỉ là 15%, theo dữ liệu chính thức.
“Chúng ta đã bước vào kỷ nguyên bão hòa giáo dục đại học. Hơn nửa số thanh niên mà bạn gặp trên phố có bằng cử nhân”, Jennifer Feng, trưởng phòng nhân sự của công ty tuyển dụng 51job, cho biết.
Kết quả là, giá trị của tấm bằng đại học bị suy giảm. “Bằng cử nhân trở thành chỉ tiêu tối thiểu khi đi tìm việc”, cô nói.
“Nhiều công ty chia sẻ với tôi rằng ban đầu họ muốn tuyển sinh viên đại học, nhưng nhiều người mới ra trường đã nộp đơn”, Feng cho hay.
Nhiều sinh viên ra trường không tìm được việc làm mong muốn. Ảnh: Shutterstock. |
Liu Haotian, tốt nghiệp cử nhân tại Đại học Tài chính Thượng Hải năm 2019, thừa nhận rằng anh đã phải hạ kỳ vọng sau một năm tìm việc không thành công.
“Ban đầu, tôi nhắm đến các tổ chức tài chính, nhưng dần nhận ra mình không đủ sức cạnh tranh. Các đối thủ đều tốt nghiệp đại học nổi tiếng hoặc có trình độ học vấn cao hơn”, anh nói.
Bằng cấp không tạo sự khác biệt
Đầu năm nay, Liu được nhận làm chuyên viên bất động sản tại Lianjia, công ty hàng đầu về lĩnh vực này tại Trung Quốc.
“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ làm công việc bán và cho thuê nhà”, anh nói.
Liu nhận việc vì mức lương tương đối tốt – 8.000 nhân dân tệ (1.238 USD) cộng với hoa hồng mỗi tháng.
Anh không phải là sinh viên tốt nghiệp đại học duy nhất gia nhập ngành công nghiệp bất động sản trong những năm gần đây. Đây là ngành có tiêu chí tuyển dụng thấp, lại mang tiếng xấu về thông tin giả mạo và khoản thu mập mờ.
Hơn 60% nhân viên kinh doanh bất động sản ở Bắc Kinh và Thượng Hải có bằng cử nhân, theo báo cáo của Viện nghiên cứu Beike trực thuộc công ty Lianjia.
Những kiến thức ở đại học có thể không có ích cho công việc sau này. Ảnh: Reuters. |
Xiong Bingqi, Giám đốc Viện Nghiên cứu Giáo dục Thế kỷ 21, cho biết số lượng sinh viên tốt nghiệp lớn không phải là vấn đề. Ngành dịch vụ, vốn thu hút nhiều sinh viên mới tốt nghiệp, hiện không tạo đủ việc làm dù chiếm 54% GDP Trung Quốc.
“Nếu những cử nhân có thể đem lại giá trị mới cho công việc mà trước đây được thực hiện bởi người học hết cấp 3, tài năng của họ sẽ không bị lãng phí. Từ đó, họ tạo ra nhiều việc làm phù hợp cho sinh viên tốt nghiệp trong tương lai”, ông nhận định.
Nhưng Liu, nhân viên kinh doanh bất động sản, không cảm thấy bằng cấp sẽ tạo ra sự khác biệt với công việc.
“Tôi nghĩ người mới tốt nghiệp trung học cũng có thể làm việc này tốt như cử nhân. Điều quan trọng là con người bạn chứ không phải bằng cấp”, anh cho biết.
Khi được hỏi có thể áp dụng những kiến thức nào ở đại học cho công việc, Liu cười và nói: “Chẳng có gì cả”.
Nguồn: News.zing.vn