Thách thức nào TP.HCM cần vượt qua trong 10 năm tới?

0
Thách thức nào TP.HCM cần vượt qua trong 10 năm tới?

Chỉ ra sự sụt giảm trong tốc độ tăng GDP bình quân hàng năm, TS Trần Du Lịch cho rằng TP.HCM đang “đuối tầm”. Ông chỉ ra những giải pháp để vượt qua thách thức trong 10 năm tới.

Làm sao để TP.HCM vượt qua thách thức dịch bệnh, phát triển vươn tầm khu vực và định hình thế nào để quy hoạch trở thành công cụ quản lý của thành phố là hai câu hỏi được Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong đặt ra tại Hội thảo khoa học định hướng phát triển TP.HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2045 diễn ra sáng 5/5.

Năm 2045, TP.HCM sẽ là trung tâm tài chính châu Á

Phát triển khai mạc hội nghị, Chủ tịch Nguyễn Thành Phong cho biết hơn 45 năm qua, TP.HCM là đô thị lớn nhất cả nước về dân số và quy mô kinh tế. Chất lượng tăng trưởng kinh tế dần nâng lên từng bước.

Giai đoạn 2016 – 2019, GRDP của TP tăng bình quân 7,72%, duy trì vai trò đầu tàu kinh tế của đất nước, đóng góp hơn 22% GDP và hơn 26% thu ngân sách cả nước.

Riêng năm 2020, tăng trưởng kinh tế giảm còn 1,39% do tác động của dịch Covid-19, thu ngân sách đạt hơn 371.000 tỷ đồng, đóng góp hơn 25% thu ngân sách quốc gia.

Đặc biệt, tỷ trọng thu nội địa trong tổng thu ngân sách của thành phố đã tăng từ mức 61,1% năm 2016 lên 71,4% năm 2020.

“Điều này cho thấy hoạt động sản xuất, kinh doanh vẫn có hiệu quả và khẳng định một lần nữa sức mạnh nội tại của nền kinh tế thành phố”, Chủ tịch TP.HCM nhận định.

phat trien TP.HCM den nam 2045 anh 1

Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong chỉ đạo tại hội nghị. Ảnh: HMC.

Theo ông Phong, TP.HCM đặt mục tiêu đến năm 2025 là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình. GRDP bình quân đầu người đạt 8.500 USD.

Đến 2030, GRDP bình quân đầu người TP sẽ đạt khoảng 13.000 USD, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á.

Năm 2045, TP.HCM sẽ trở thành trung tâm về kinh tế, tài chính của châu Á, GRDP bình quân đầu người khoảng 37.000 USD, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Làm sao để TP.HCM thu hút nhà đầu tư thế giới?

Phát biểu tại hội nghị, TS Trần Du Lịch chỉ ra rằng TP.HCM đang ngày càng “đuối tầm” trong vai trò là đầu tàu tăng trưởng kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước.

Ông phân tích từ 1991 đến 2010, tốc độ tăng GDP bình quân của thành phố là 10,5%/năm, gấp 1,5 lần GDP cả nước. Từ 2011 đến 2020, tốc độ tăng GDP giảm còn 7,2%/năm, gấp 1,2 lần cả nước. Đến năm 2020, lần đầu tiên, tốc độ tăng trưởng kinh tế của TP.HCM chỉ bằng 0,45 lần cả nước.

“Dĩ nhiên nguyên nhân khách quan là đại dịch Covid-19, nhưng qua tình hình này cũng cho thấy khả năng chống chịu trước những biến động bất thường của kinh tế thành phố rất yếu. Qua đó bộc lộ những bất cập và khả năng thích ứng của cơ cấu kinh tế trên địa bàn”, TS Trần Du Lịch nhận định.

Chuyên gia chỉ ra 3 bất cập mà suốt 20 năm, thành phố chưa giải quyết được: Cơ cấu kinh tế không khai thác được thế mạnh địa kinh tế, nguồn nhân lực; đô thị phát triển theo “vết dầu loang”; và sự bất cập trong mô hình quản lý đô thị đặc biệt.

Do đó, thách thức với sự phát triển của thành phố 10 năm tới là vượt qua rào cản để hình thành tư duy đột phá về cơ cấu và thể chế kinh tế. Phải làm sao để TP.HCM trở thành điểm đến thu hút doanh nghiệp toàn cầu, là lựa chọn ưu tiên của các nhà đầu tư trên thế giới.

phat trien TP.HCM den nam 2045 anh 2

TS Trần Du Lịch đề xuất nhiều giải pháp phát triển cho TP.HCM. Ảnh: HMC.

Để đạt được mục tiêu đã đặt ra, TS Trần Du Lịch đề xuất ba nhóm giải pháp.

Đầu tiên là cần sự đột phá về hạ tầng giao thông kết nối vùng. Trong các đường vành đai có ý nghĩa kết nối Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, ít nhất phải khép kín các đường vành đai 2 và 3 trong 5 năm tới.

Thứ hai, TP.HCM cần một mô hình quản lý đô thị phù hợp để phát huy cao nhất thế mạnh về vị trí và vai trò của thành phố. TS Lịch nhận định về quy mô kinh tế, hiện nay, lợi thế cạnh tranh của TP.HCM chỉ mới so sánh với các địa phương trong nước. Trong khi đó, vị trí và vai trò của TP.HCM phải đặt tầm canh tranh với các đô thị lớn trong khu vực.

“Thành phố chưa thu hút được các tập đoàn, các công ty đa quốc gia đặt trụ sở hoạt động quy mô khu vực và châu lục như Singapore, Bangkok, Kuala Lampur… Chưa có những ‘con sếu đầu đàn’ tạo tác động lan tỏa, thu hút doanh nghiệp vừa và nhỏ”, chuyên gia đánh giá.

Có 3 nhân tố chính để nâng cao năng lực cạnh tranh thu hút doanh nghiệp là nâng cao năng lực cạnh tranh về thể chế; chất lượng nguồn nhân lực và cơ sở hạ tầng độ thị. Cả 3 yếu tố này vẫn đang còn là điểm yếu của thành phố, thậm chí có những yếu tố chưa thể vượt trội các địa phương khác trong nước, như chỉ số PCI; chỉ số PAPI…

Cuối cùng, TS Trần Du Lịch cho rằng cần đặt TP Thủ Đức vào đúng vị trí, vai trò động lực phát triển của thành phố trong 10 năm tới.

“Để thực hiện khát vọng phát triển cần đặt TP.HCM và Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam là Vùng kinh tế động lực, nơi gắn kết, tạo ra sự lan tỏa cho Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên. Trong đó, ưu tiên xây dựng và hoạt thiện hệ thống giao thông kết nối vùng”, ông kiến nghị.

Nguồn: News.zing.vn