Trên cơ sở xác định tiềm năng về các loại hình du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, về nguồn và trải nghiệm, những năm gần đây tỉnh Thái Nguyên huy động nhiều nguồn lực để đầu tư hạ tầng, tạo ra nhiều sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách và đã đạt được hiệu quả bước đầu. Song, để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng mà tỉnh đã xác định, còn nhiều việc phải làm.
Hạ tầng khu du lịch suối Mỏ Gà được đầu tư hoàn thiện, đón khách từ mùa hè năm nay.
Tạo các sản phẩm du lịch
Giáp Thủ đô Hà Nội, là An toàn khu (ATK) trong kháng chiến chống thực dân Pháp, có nhiều danh lam thắng cảnh, vùng chè nổi tiếng, nhiều dân tộc sinh sống với nét văn hóa đặc sắc, những năm gần đây, tỉnh Thái Nguyên huy động nhiều nguồn lực để xây dựng hạ tầng, đồng thời tạo điều kiện thuận lợi, khuyến khích doanh nghiệp cùng đầu tư, tạo sản phẩm du lịch nhằm thu hút du khách.
Diện tích khoảng 25 km2 mặt nước với hàng trăm đảo, chỉ cách TP Thái Nguyên gần 20 km, với rừng phòng hộ bao bọc, không khí trong lành, mát mẻ và hệ sinh thái hồ, đảo, hồ Núi Cốc có tiềm năng lớn về du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng để trở thành khu du lịch trọng điểm của tỉnh. Đến nay, khu du lịch hồ Núi Cốc được đầu tư nhiều khách sạn, nhà nghỉ, trong đó có khách sạn ba sao, một số dịch vụ vui chơi, giải trí, đưa đón khách tham quan nên thu hút ngày càng nhiều khách du lịch. Chỉ tính riêng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương và kỳ nghỉ 30- 4, 1-5 vừa qua, khu du lịch hồ Núi Cốc đón gần 100 nghìn khách du lịch. Để tạo điều kiện thuận lợi về giao thông cho du khách, hiện nay đường Bắc Sơn kéo dài kết nối với cao tốc Hà Nội – Thái Nguyên đang được đầu tư, khi hoàn thành, du khách chỉ mất mười phút từ TP Thái Nguyên đi đến hồ Núi Cốc. Triển khai nhiệm vụ quy hoạch chung xây dựng khu du lịch hồ Núi Cốc trở thành khu du lịch quốc gia mà Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt, tỉnh đã lập dự án xây dựng khu tâm linh và du lịch nghỉ dưỡng hồ Núi Cốc kết nối với di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa, nhằm tạo ra sản phẩm du lịch mới và nâng cấp du lịch địa phương xứng tầm với tiềm năng, lợi thế của tỉnh.
Một khu du lịch sinh thái khác là suối Mỏ Gà – hang Phượng Hoàng, di tích lịch sử, danh lam thắng cảnh nổi tiếng ở tỉnh Thái Nguyên, được xếp hạng cấp quốc gia, với nguồn nước trong xanh, khí hậu mát lành. Những ngày nắng nóng gay gắt, ngoài trời lên đến hơn 40 độ C, nhưng khu vực suối Mỏ Gà chỉ chừng 21 đến 22 độ C, trong động Mỏ Gà chỉ khoảng 16 đến 17 độ C. Cách suối Mỏ Gà chừng gần 1 km, bước lên gần 2.000 bậc dưới tán rừng, hang Phượng Hoàng – hang động kỳ vĩ trong lòng núi đá, là nơi tham quan, tránh nắng thú vị của du khách. Bước vào cửa hang Phượng Hoàng, sự mệt mỏi sau khoảng thời gian “thượng sơn” như tan biến bởi không khí mát mẻ, vẻ đẹp lộng lẫy hiện ra trước mắt với hệ thống nhũ đá đẹp mắt. Lãnh đạo địa phương khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư hạ tầng du lịch như cầu qua suối, đường đi, tôn tạo cảnh quan, xây dựng nhà hàng, khách sạn, bể bơi, các gian hàng bán đồ lưu niệm và sản vật của đồng bào bản địa để phục vụ du khách từ mùa hè năm nay.
Quần thể 30 ngôi nhà sàn xuyên toang truyền thống của dân tộc Tày vùng ATK Định Hóa hàng trăm năm tuổi đã được phục dựng nguyên bản trong không gian quy hoạch hơn 70 ha, Khu bảo tồn làng nhà sàn du lịch sinh thái Thái Hải ở TP Thái Nguyên hấp dẫn du khách bởi không gian đậm bản sắc văn hóa dân tộc. Mỗi dịp cuối tuần, kỳ nghỉ dài ngày hay vào dịp Tết, du khách trong nước và quốc tế đến nơi đây không chỉ được thưởng thức ẩm thực đặc trưng, dân dã, độc đáo mà còn đắm mình trong tiếng sli, lượn, hát then, đàn tính; trải nghiệm cuộc sống, sản xuất của “dân bản”; nghỉ ngơi thư thái trong những ngôi nhà sàn giữa không gian thiên nhiên tươi xanh, rộng lớn và bình yên. Trung tâm Thương mại và Du lịch Dũng Tân ở TP Sông Công được đầu tư bài bản, tạo ra sản phẩm du lịch độc đáo. Du khách đến đây đều đánh giá cao quần thể đồi núi, hồ nước nhân tạo với cá kôi và chim thú, những bộ sưu tập cây cảnh lâu năm được tạo thế kỳ công, những bộ tranh đá quý phong phú về kích cỡ, đa dạng về hình thức thể hiện; ẩm thực độc đáo, trò chơi phù hợp nhiều lứa tuổi… Thời gian gần đây, vùng chè đặc sản và Không gian văn hóa trà Tân Cương, Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam, Di tích lịch sử Thanh niên xung phong 915… ngày càng thu hút nhiều du khách.
Giám đốc Trung tâm Thông tin xúc tiến du lịch tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thành Luân cho biết: Với việc tạo ra các sản phẩm du lịch và tăng cường tuyên truyền, quảng bá, những năm gần đây khách du lịch đến với Thái Nguyên tăng nhanh: Năm 2016 đón gần hai triệu khách, doanh thu khoảng 200 tỷ đồng, đến năm 2018 thu hút hơn 2,5 triệu khách du lịch, doanh thu đạt hơn 400 tỷ đồng, tăng 30% so với năm 2017 giải quyết việc làm cho khoảng 3.500 lao động trực tiếp.
Đẩy mạnh thu hút đầu tư
Mặc dù đạt được sự tăng trưởng khá ấn tượng, nhưng lượng khách đến với Thái Nguyên chưa tương xứng tiềm năng, doanh thu từ du lịch còn thấp, chiếm tỷ trọng nhỏ trong cơ cấu kinh tế của tỉnh. Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Nguyên Phạm Thái Hanh nhìn nhận: “Nguyên nhân chủ yếu là do tỉnh chưa có những sản phẩm du lịch đặc thù, hấp dẫn; nguồn nhân lực làm du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu cơ sở lưu trú chất lượng cao; chưa hình thành tua, tuyến, chưa liên kết được các sản phẩm du lịch nên chưa thu hút được nhiều du khách và du khách chưa lưu trú dài ngày”. Dù có tiềm năng, nhưng du lịch Thái Nguyên có những điểm không thuận lợi, đó là các điểm du lịch đều ở xa các tuyến đường huyết mạch giao thông, đường đến còn khó khăn; thời tiết khắc nghiệt, mùa hè nóng ẩm, mùa đông rét kéo dài khiến cho du lịch ngoài trời không thuận lợi.
Trên cơ sở xác định tiềm năng, tỉnh Thái Nguyên đề ra mục tiêu đến năm 2020 đón khoảng 3,6 triệu khách du lịch; giai đoạn 2021- 2030 tốc độ tăng trưởng du lịch bình quân đạt 10%/ năm, đóng góp 6% GRDP, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng, vì tỉnh xác định mũi nhọn phát triển kinh tế là công nghiệp, đô thị và dịch vụ. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trịnh Việt Hùng cho biết: “Để đạt mục tiêu đó, thời gian vừa qua tỉnh đã tổ chức hội thảo cấp quốc gia, lắng nghe ý kiến chuyên gia, quán triệt việc thực hiện Nghị quyết 08 – NQ/TW, ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chúng tôi xác định đẩy mạnh thu hút đầu tư phát triển ba loại hình du lịch, gồm: Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng, về nguồn và du lịch trải nghiệm vùng chè – văn hóa trà Tân Cương”.
Du lịch sinh thái – nghỉ dưỡng với trọng tâm là khu du lịch hồ Núi Cốc; du lịch về nguồn với trọng tâm là ATK Định Hóa và du lịch trải nghiệm vùng chè – văn hóa trà với trọng tâm là vùng đặc sản chè Tân Cương, TP Thái Nguyên, đồng thời gắn kết ba loại hình du lịch này để hỗ trợ, bổ sung cho nhau, tạo sự hấp dẫn cho khách du lịch. Để tạo sản phẩm du lịch có chất lượng, những năm gần đây, nhất là từ năm 2018 đến nay, tỉnh chú trọng thu hút những nhà đầu tư lớn, với khoảng 20 nghìn tỷ đồng đầu tư vào lĩnh vực du lịch. Doanh nghiệp Xây dựng Xuân Trường đang đầu tư vào khu du lịch hồ Núi Cốc với mục tiêu xây dựng khu du lịch này gắn với bảo tồn, tôn tạo, phát huy các giá trị cảnh quan thiên nhiên, môi trường, điều kiện tự nhiên, văn hóa và khu vực trồng chè đặc sản có quy mô lớn; xây dựng các sản phẩm du lịch xứng tầm là khu du lịch quốc gia, trung tâm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, tâm linh, thể thao và vui chơi giải trí cao cấp của tỉnh và khu vực phía Bắc. Hiện nay, đường Bắc Sơn kéo dài với vốn đầu tư hơn hai nghìn tỷ đồng để rút ngắn thời gian, khoảng cách từ Hà Nội, TP Thái Nguyên vào khu du lịch này đang được khẩn trương xây dựng. Một số tập đoàn lớn dự định đầu tư những dự án lớn về du lịch sinh thái, xây dựng khách sạn năm sao, các khu nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, cáp treo từ tây sang đông Tam Đảo để kết nối khu du lịch Tam Đảo với hồ Núi Cốc. Một số dự án phát triển du lịch khác đang được nhà đầu tư nghiên cứu. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang triển khai Đề án Du lịch thông minh tỉnh Thái Nguyên nhằm kết nối thông tin, dữ liệu, tạo điều kiện cho doanh nghiệp, lấy người dân, du khách làm trọng tâm.
Cùng với nguồn vốn đầu tư của các doanh nghiệp nhằm tạo ra sản phẩm du lịch có chất lượng, tỉnh quy hoạch ba sân gôn, nghiên cứu xây dựng đường du lịch ven hồ Núi Cốc; đường từ km 31 trên quốc lộ 3 vào Khu di tích quốc gia đặc biệt ATK Định Hóa nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho du khách. Tuy nhiên, vốn đầu tư cho các tuyến đường này là rất lớn, trong khi ngân sách không thể đáp ứng. Một số doanh nghiệp đang rất quan tâm đầu tư hạ tầng du lịch trên địa bàn tỉnh với hình thức đối tác công tư (PPP), hợp đồng BT, nhưng vướng mắc lớn nhất hiện nay là hành lang pháp lý chưa rõ ràng. Khi vấn đề này được tháo gỡ, các tập đoàn lớn đẩy nhanh tiến độ dự án, tạo ra các sản phẩm du lịch chất lượng cao, Thái Nguyên sẽ chuyển mình mạnh mẽ trong những năm tới.
Bài và ảnh: Thế Bình
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn