Thăm Bạch Dinh, nhớ trận địa pháo cổ

0
140

Từ thành phố mang tên Bác, chúng tôi vượt 100 cây số về hướng đông, mất 1 tiếng rưỡi, theo con lộ cao tốc láng nhựa phẳng lỳ thì đến thành phố Vũng Tàu. Chúng tôi quyết định điểm đến đầu tiên là Bạch Dinh nổi tiếng, trên đường Trần Phú.

Khẩu thần công có từ thời nhà Nguyễn

 

Đường lên Bạch Dinh có 2 lối: Một đường lát đá chống trơn uốn lượn chạy dưới cây giá tỵ, dành cho ô tô lên tới tiền sảnh. Chúng tôi chọn con đường đi bộ, leo qua 146 bậc tam cấp, mát, thơ mộng, kín đáo nằm giữa hai hàng sứ cao niên. Bạch Dinh nằm ở phía nam núi Lớn, có hướng nhìn ra Bãi Trước, sơn màu trắng bên ngoài nên được gọi là Bạch Dinh. Tiếng Pháp là Vila Blanche. Nhưng Bạch Dinh còn có một tên nữa gắn liền với một câu chuyện lịch sử. Đây là nơi thực dân Pháp bắt nhà vua yêu nước Thành Thái (Bửu Lân,  1889 – 1954) giam lỏng suốt hơn 10 năm trời, từ năm 1906 đến 1917, trước khi đầy biệt xứ, cùng với người con trai là nhà vua Duy Tân tại đảo Resunion. Do đó người dân địa phương quen gọi là dinh Ông Tượng để bày tỏ lòng kính trọng nhớ về ông vua yêu nước.

Bạch Dinh được xây dựng theo kiến trúc châu Âu, họa tiết Hy Lạp tinh tế. Đề án do đích thân Toàn quyền Đông Dương Paul Doumer phê chuẩn, chính ông ta đặt theo tên cô con gái là Blanche Richel Doumer, để tặng cho người vợ của mình. Phải mất 4 năm (1898- 1902), Bạch Dinh mới hoàn thành. 

Bạch Dinh tọa lạc trên một khuôn viên rộng 6ha, gồm một khối nhà 3 tầng cao 19m, dài 28m, rộng 15m, mái lợp ngói đỏ tươi. Nhìn từ ngoài vào ta thấy phía dưới là mảng viền trang trí tinh tế, mỹ thuật. Sứ men màu là nguyên liệu chính tạo hình ảnh. Đôi chim công màu xanh ngọc, điểm xuyết những chấm bạc lấp lánh đang xòe cánh múa làm cho ngôi nhà mang dáng dấp thanh thoát. Những gương mặt phụ nữ châu Âu xinh đẹp như các nữ thần trong thần thoại Hy Lạp. Đôi cá chép uốn lượn như muốn hóa rồng. Hoa cúc, hoa hướng dương viền từng mảng quanh ngôi nhà lấp lánh dưới ánh ban mai, vàng rực rỡ trong nắng làm nền cho màu trắng Bạch Dinh thêm lộng lẫy. Nội thất trang trí tỷ mỷ, kỹ lưỡng. Tầng hầm dùng cho việc nấu nướng. Tầng trệt được dùng làm phòng khánh tiết bày nhiều hiện vật cổ như song bình bách điểu chầu phụng. Bộ tràng kỷ Hoàng gia ghi niên đại Khải Định năm 1921. Cặp ngà voi châu Phi dài 170cm. Bộ tam đa ngũ thái Phúc- Lộc- Thọ. Bao quanh 3 mặt chính tòa nhà là 8 bức tượng bán thân mang phong cách Hy Lạp cổ, gắn trên một đường thẳng tạo nên vẻ sang trọng, tráng lệ của tòa nhà. Tầng 3 của Bạch Dinh là nơi trưng bày nhiều hiện vật giá trị như đồ gốm thời Khang Hy vớt được từ xác tàu cổ đắm tại vùng Hòn Cau – Côn Đảo. Súng thần công, cùng hiện vật giá trị khác được tìm thấy qua những đợt khai quật khảo cổ ở Bà Rịa – Vũng Tàu.


Vùng bờ biển Vũng Tàu có 5 ngọn núi: núi Lớn, núi Long Sơn, núi Nhỏ, núi Long Hải, núi Dinh tạo thành một vòng cung ôm ấp trời xanh, biển biếc. Các nhà Hàng hải Bồ Đào Nha, trên đường đi tìm đất mới giao thương buôn bán từ thế kỷ thứ XVI, đã nhận ra đây là vùng đất thuận tiện giao thương buôn bán, giàu tài nguyên và có vị trí quan trọng về quân sự. Tại vị trí đất nhô ra biển thuộc địa phận núi Lớn, năm 1788, Hoàng đế Minh Mạng đã cho xây dựng kiên cố cụm pháo đài Phước Thắng để kiểm soát cửa biển Cần Giờ. Ba khẩu súng thần công trong ngày lịch sử 10-2-1859 đã lập chiến công hiển hách, bắn chìm nhiều tàu chiến của giặc Pháp. Sau khi chiếm được quyền cai trị Đông Dương, chính quyền thực dân Pháp đã san bằng pháo đài, huy động 800 tù khổ sai, ép buộc họ khai phá, kiến tạo nên Bạch Dinh làm nơi ăn chơi, nghỉ mát cho Toàn quyền Đông Dương.

Trước sân Bạch Dinh vẫn còn nguyên đó 2 khẩu đại bác và 10 khẩu thần công có xuất xứ từ Pháp và Italia thế kỷ thứ X, hiên ngang chĩa nòng ra biển như một thông điệp không lời tới du khách, nơi đây từng là trận địa pháo, cha ông ta đã chiến thắng thực dân xâm lược.

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn