Sau 4 tháng đóng cửa phòng dịch, phiên chợ đồ cổ đã mở cửa đón khách trở lại. Không gian xưa cũ với tiếng nhạc du dương gợi nhớ ký ức thời thơ ấu của nhiều người.
Sáng 31/10, chợ đồ cổ khai trương lại sau “bình thường mới”. Nằm sâu trong con hẻm trên đường Nơ Trang Long thuộc quận Bình Thạnh (TP.HCM) nên muốn vào chợ, khách tham quan phải gửi xe máy ở ngoài và đi bộ men theo các bảng chỉ dẫn, tầm vài phút là tới.
Chợ chỉ bán ở tầng 1, còn tầng 2 là không gian để khách tới thưởng thức cà phê và nghe nhạc. Khách sẽ trả 40.000 đồng để mua phiếu vào chợ, phiếu này có thể đổi lấy nước hoặc thức ăn tùy ý. Chợ mở cửa từ 7-14h ngày chủ nhật hàng tuần nhưng từ sau 12h lượng khách sẽ vãng và các tiểu thương bắt đầu thu dọn hàng.
Điểm hẹn của người mê hoài niệm
Kiều Khanh (28 tuổi) là một trong những vị khách đầu tiên “mở hàng” khi chợ mở cửa. Cô đọc tin từ mạng xã hội biết chợ buôn bán lại nên rủ bạn thân tới tham quan, sau nhiều lần lỡ hẹn vì dịch bệnh.
“Đến đây lần đầu nên tôi không rõ các gian hàng đã mở cửa hết chưa nhưng mọi thứ đồ xưa cũ đều có ở đây, không thiếu một thứ gì. Chợ lớn hơn tôi tưởng tượng”, Khanh cho biết.
Kiều Khanh tới chợ đồ cổ để tham quan và sưu tập tiền cổ. Ảnh: N.A. |
Cô gái này dự tính mua một chiếc đồng hồ và vài tờ tiền của các nước. Rảo một vòng nhưng chưa lựa được món vừa ý, Khanh tới quầy nước chọn một ly nước ép rồi lên lầu 2 của quán nhìn ngắm không gian toàn cảnh, nghe nhạc du dương.
“Một ngày cuối tuần ý nghĩa với chúng tôi. Nơi đây cho tôi cảm giác xa rời được thành phố xô bồ và quay lại quá khứ nhiều năm trước”, Khanh nói.
Khách tới đây không hẳn ai cũng yêu thích đồ cổ. Có người tới chỉ để nhâm nhi ly cà phê rồi ngắm đồ, như muốn thả mình vào một không gian khác với thành phố hiện đại mà họ đang sống.
Ngọc Anh (26 tuổi) chạy xe từ quận 8 qua chợ đồ cổ từ sớm. Việc đầu tiên cô làm khi tới đây là lên lầu 2 của quán cà phê để “xí phần” một bàn. Ngọc Anh chưa mua món đồ cổ gì sau nhiều lần tham quan vì cho biết mình không phải là dân sưu tầm chuyên nghiệp.
Cô gái trẻ sẽ hạn chế dùng các thiết bị điện tử mà tranh thủ trò chuyện với bạn đi cùng. Hình ảnh chén dĩa, lọ hoa, tranh ảnh, cà mèn, bàn ủi con gà,… bày bán ở đây làm Ngọc Anh nhớ về ngôi nhà cũ của gia đình hơn 20 năm trước, nơi gắn liền với tuổi thơ cô.
Có người tới khu chợ đồ cổ chỉ để nhâm nhi ly cà phê rồi ngắm những kỷ vật cổ xưa. Ảnh: N.A. |
“Tôi thích nhạc Trịnh nên thường ghé quán cà phê nghe nhạc, ngắm đồ cổ. Hôm nay ghé lại quán thì thấy thưa vắng hơn trước rất nhiều, cả số lượng khách và số quầy hàng đang mở cửa”, Ngọc Anh bày tỏ.
Ngoài những người trẻ tới tham quan, tìm hiểu cho biết, chợ cũng là nơi các thương lái mua đi bán lại các kỷ vật hoặc đổi các món đồ lẫn nhau.
Sau 11h trưa, khi lượng khách đã vãng, anh Anh Khoa (41 tuổi, quận 4) mới tới khu chợ đồ cổ để gặp gỡ các tiểu thương. Anh đem tới một vài kỷ vật chiến tranh mà mình sưu tập được để trao đổi.
“Đi vòng vòng để quan sát xem thế nào, thấy ưng ý là mua hoặc trao đổi. Cùng 1 quyển sách, 1 tác giả nhưng năm xuất bản khác nhau sẽ có giá khác nhau”, anh Khoa kể.
Anh Anh Khoa (41 tuổi, quận 4) mới tới khu chợ đồ cổ để gặp gỡ các tiểu thương nơi đây rồi trao đổi các món đồ với nhau. Ảnh: N.A. |
Sau nhiều tháng chỉ ở yên trong nhà, khi được gặp những người cùng chung đam mê để sa đà vào những câu chuyện về cổ vật, anh Khoa thấy phấn chấn hơn hẳn.
Theo anh Khoa, nghề dạy nghề nên người sưu tầm đồ cổ sành sỏi chỉ cần nhìn vật là ước lượng được giá trị của món hàng. Số năm tuổi, độ quý hiếm, sự kiện lịch sử gắn liền với kỷ vật là một trong những tiêu chí quan trọng.
Mỗi tiểu thương là một “từ điển” lịch sử
Ông Jon Allsop (67 tuổi, quốc tịch Anh) đã buôn bán tại chợ đồ cổ được 6 năm, có gian hàng ngay lối ra vào cổng.
Ông Allsop sinh ra ở Anh nhưng sống tại Pháp từ nhỏ. Một lần du lịch sang Việt Nam, ông gặp bà Tâm Linh (58 tuổi) rồi cả hai yêu nhau và kết hôn. Từ đó đến nay, cứ cuối tuần là đôi vợ chồng già lại chạy xe tới chợ đồ cổ buôn bán. Thời gian còn lại, họ bán hàng tại nhà và qua mạng.
Ông Jon Allsop (67 tuổi, quốc tịch Anh) đã buôn bán tại chợ đồ cũ được 6 năm. Ảnh: N.A. |
Những kỷ vật trang trí từ châu Âu như lọ hoa, đèn cổ, chuỗi hạt, hộp trang sức,… được người thân từ Pháp sưu tầm và gửi qua để ông Allsop và vợ giới thiệu đến khách hàng Việt.
“Tiêm đủ vaccine ngừa Covid-19 nên nay vợ chồng tôi ra bán lại. Sáng nay vắng khách, bán không được nhiều nhưng được ra ngoài là vui rồi”, bà Tâm Linh cho hay.
Vì đam mê cổ vật, ông Nguyễn Văn Tùng (45 tuổi) bỏ nghề tài xế, đã 8 năm buôn bán tại chợ đồ cổ. Chợ chỉ họp vào cuối tuần, nên những ngày khác, ông rong ruổi khắp thành phố hoặc các tỉnh miền Tây để sưu tầm cổ vật. Từ vật liệu đồng, sắt, gốm đến thủy tinh, ông Tùng đều có thể nhận biết được thật giả và định giá được giá trị.
“Phần vì hai năm nay dịch bệnh liên miên, phần vì đi lại xa xôi tốn công nên ai có nhu cầu bán đồ cổ tôi đều yêu cầu gửi hình qua mạng trước. Khi hai bên thống nhất được với nhau thì tôi mới tới tận nơi mua”, ông Tùng kể.
Ông Nguyễn Văn Tùng (ngoài cùng bên trái) bỏ nghề tài xế, đã 8 năm buôn bán tại chợ đồ cổ. Ảnh: N.A. |
Ông Trần Gia Tuấn, quản lý khu chợ đồ cổ, cho hay từ nơi hội họp, trao đổi của những người có chung đam mê về cổ vật, lâu dần nơi đây hình thành nên khu chợ có một không hai giữa lòng phố thị suốt nhiều năm qua.
Các tiểu thương bày bán đủ các loại hàng, thời gian ra đời từ vài chục đến cả trăm năm, đa số là những món đồ của Sài Gòn xưa.
Từ nồi đồng, bình thủy đựng nước thời Pháp, đồng hồ con gà, máy đánh chữ, máy quay đĩa, liễn sứ, đèn dầu, cà mèn, bàn ủi con gà, bật lửa zippo,… đều có. Cũng có những nhà sưu tập đồ cũ từ châu Âu, Mỹ đem về.
Trước dịch, có nhiều đoàn khách nước ngoài tới đây tham quan, mua sắm. Nơi đây là điểm hẹn của những ai yêu thích điều xưa cũ. Sau dịch thì tình hình buôn bán cũng có phần hạn chế.
“Một số người cũng có cửa hàng riêng bên ngoài, chỉ kinh doanh ở đây dịp cuối tuần. Cứ hỏi họ về bất cứ món đồ nào, họ sẽ kể lại vach vách nguồn gốc xuất xứ, vai trò và cách sử dụng của chúng trong quá khứ”, anh Tuấn kể về những tiểu thương ở khu chợ đồ cổ.
Nguồn: News.zing.vn