Ngày 23/1/1959, 10 sinh viên (8 nam, 2 nữ) đến từ học viện Bách khoa Urals ở Sverdlovsk (nay là Yekaterinburg, Nga) lên đường chinh phục núi Otorten, phía bắc rặng Urals. Họ đi bằng xe tải tới làng Vizhai, khu định cư có người ở cuối cùng trên hành trình, sau đó lên đường đến Otorten vào ngày 27/1/1959, theo Telegraph.
Hôm sau, Yuri Yudin, sinh viên khoa kinh tế 22 tuổi, bị kiết lị và phải ở lại. Khi đó, Yudin đã cảm thấy tiếc nuối nhưng anh không biết rằng đó lại là sự may mắn. Hành trình chinh phục đỉnh Otorten năm đó là chuyến một đi không trở lại.
Chiếc lều của đoàn leo núi được đội tìm kiếm phát hiện trên đoạn đèo Dyatlov. Ảnh: Telegraph. |
Trưởng nhóm leo núi là sinh viên khoa công nghệ, Igor Dyatlov. Sau cái chết của 9 nhà leo núi, người ta đã lấy tên Dyatlov để đặt tên cho đoạn đèo mà những người xấu số đã gặp nạn.
Dyatlov hứa sẽ gọi điện báo cho bạn bè ở Sverdlovsk ngay sau khi nhóm trở về Vizhai an toàn. Thời gian hoàn thành việc leo núi và trở về mất khoảng 14 ngày. Đến ngày 12/2, đúng theo lịch hẹn của Dyatlov nhưng không ai nhận được điện báo. Tuy nhiên, mọi người không lo lắng nhiều, vì thời tiết trên đỉnh Otorten rất khắc nghiệt, nên hành trình có thể kéo dài thêm vài ngày là điều bình thường.
Sự im lặng kéo dài tiếp một tuần sau đó. Đến ngày 20/2, khi bạn bè, người thân của 9 du khách leo núi bắt đầu cảm thấy không ổn, họ đã nhờ trường đại học cử một nhóm tình nguyện tìm kiếm. Cảnh sát, quân đội Nga khi đó cũng vào cuộc.
Sau 6 ngày, đội cứu hộ đã chứng kiến một cảnh tượng kinh hoàng khi đi ngang qua chiếc lều bị bỏ rơi của nhóm. Lều rách tơi tả, một nửa phủ đầy tuyết. Điều khiến mọi người khó hiểu là chiếc lều bị rách bởi một con dao sắc, và bị rạch từ bên trong. Phần lớn đồ đạc của nhóm, kể cả ván trượt tuyết, thức ăn, giày dép, quần áo ấm đều bị bỏ lại bên trong. Dường như, nhóm leo núi đã gặp một sự cố đáng sợ nào đó khiến họ vội vàng bỏ chạy trong đêm tối, giữa trời lạnh âm 30 độ mà không kịp mang theo quần áo.
Khi tham gia vào chuyến leo núi này, 9 chàng trai cô gái Nga không hề biết rằng họ đang dấn thân vào chốn tử thần. Ảnh: Vice. |
Các nhà điều tra cũng tìm thấy dấu chân của 8 hoặc 9 người trong nhóm. Qua đó, họ xác định được trong đó có những người bỏ chạy khi đang đi một chiếc giày, đi tất và có người chạy chân trần. Dấu chân dẫn tới một khu rừng rậm và biến mất sau khi lần theo khoảng 500 m.
Hai thi thể đầu tiên là nam giới, chết trong tình trạng đi chân trần và chỉ mặc quần áo lót. Họ được tìm thấy ở bìa rừng, gần đó là dấu hiệu của việc họ đã đốt lửa sưởi ấm. Ba thi thể tiếp theo, của trưởng nhóm Dyatlov cùng một phụ nữ và một người đàn ông khác. Họ chết khi đang trên đường quay về lều. Khám nghiệm tử thi không tìm thấy bất kỳ sự tổn thương bên ngoài nào. Họ đều chết vì lạnh cóng.
Hai tháng sau, những thi thể cuối cùng được tìm thấy. Họ nằm trong một khe núi và chịu một số chấn thương từ bên trong, lưỡi bị rách. Sau sự cố bi thảm này, chính quyền Nga đã cấm du khách trượt tuyết tới khu vực này trong ba năm.
Cái chết bí ẩn của nhóm người đã khiến dư luận đưa ra nhiều giả thuyết. Một trong số đó cho rằng 9 người leo núi đã đi lạc vào địa phận Kholat Syakhyl (Vùng đất của người chết), nơi sinh sống của bộ lạc Mansi. Do đó, họ đã bị sát hại. Tuy nhiên giả thuyết này bị bác bỏ vì ngoài dấu chân của các nhà leo núi, họ không tìm thấy bất kỳ dấu chân người lạ. Ngoài ra, lực tác động gây nội thương cho nhóm du khách được xác định là ngang với sức đâm của ôtô húc. Và người thường không thể tác động một lực mạnh như thế lên cơ thể người khác.
Dãy Urals nổi tiếng của Nga. Ngọn núi có tên gọi Otorten trong tiếng Mansi bản địa có nghĩa là: Không được đi đến đó, mang hàm ý chết chóc, nguy hiểm. Ảnh: Wiki. |
Một số giả thuyết khác cho rằng nhóm người đã gặp người ngoài hành tinh, hoặc quái vật tuyết, hoặc gặp một trận lở tuyết. Tuy nhiên đến nay, các nhà khoa học, điều tra vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến đoàn người hoảng sợ, bỏ chạy dẫn đến cái chết thê thảm như vậy. Và “chuyện gì đã xảy ra với 9 người leo núi” vẫn là một câu hỏi treo lơ lửng suốt 60 năm nay.
Nguồn: Vnexpress.net