(Dân trí) – Nằm ngay bên quốc lộ 1A, cách TP Phan Rang – Cháp Chàm hơn 10 km về phía Nam, làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận ) được xem là một trong 2 làng gốm cổ xưa nhất Đông Nam Á.
Làng gốm Bàu Trúc có tên gốc Chăm là Paley HamuTrok, nghĩa là “làng trũng”, nhô ra cuối triền sông. Lâu nay gốm Bàu Trúc nổi tiếng với sản phẩm gốm thủ công và kỹ thuật nung gốm độc đáo.
Gốm ở Bàu Trúc được đánh già là đạt đến trình độ tinh xảo, mang đậm nét văn hóa Chăm không lẫn với gốm vùng khác. Sản phẩm gốm Bàu Trúc rất phong phú, từ các vị thần mà người Chăm tôn thờ; cho đến ngẫu tượng Linga và Yoni – biểu tượng phồn thực của người Chăm; hoặc tượng gốm thiếu nữ Chăm với điệu múa Apsara điêu liệu; sản phẩm gốm mô phỏng các đền tháp Chăm thu nhỏ; hay sản phẩm gốm là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày như ấm nước, chén bát, lọ hoa…
Gốm ở Bàu Trúc được nung lộ thiên ở nhiệt độ từ 500- 6000C trong vòng 6 giờ, sau đó được lấy ra để phun màu rồi được tiếp tục nung lại trong vòng 2 giờ. Do đó, gốm Bầu Trúc có màu vàng đỏ, đỏ hồng, đen xám, vệt nâu, tạo thành các sản phẩm gốm độc đáo của người Chăm.
Hiện nay ở làng gốm Bàu Trúc có hàng trăm hộ chuyên làm gốm theo phương thức gia truyền. Theo truyền thuyết, nghề làm gốm do vợ chồng ông tổ Poklong Chanh dạy cho phụ nữ trong làng từ ngàn xưa. Để tưởng nhớ công ơn của tổ nghề, bà con lập đền thờ tổ chức cúng tế Poklong Chanh vào dịp lễ hội Katê hàng năm.
Khi đến thăm làng gốm Bàu Trúc, du khách được tận mắt chứng kiến các nghệ nhân người Chăm say mê sáng tạo gốm. Nếu muốn, bà con người Chăm ở đây có thể “biểu diễn” hoặc hướng dẫn cho du khách làm một sản phẩm gốm đơn giản mà chỉ chưa đầy một giờ sau là hoàn tất.
Tới thăm làng gốm Bàu Trúc ở “xứ sở nho” Ninh Thuận và mua một sản phẩm lưu niệm ở nhà trưng bày là lựa chọn của nhiều du khách vì gốm ở đây rất đẹp, sắc sảo mà giá cả còn lại rất rẻ. Một số hình ảnh PV Dân trí thực hiện tại làng gốm Bàu Trúc, Ninh Thuận:
Thủy Nguyên
Nguồn: DANTRI.COM.VN