Thăm quan Nha Thông Tin – di tích lịch sử của ngành Văn hóa

0
Thăm quan Nha Thông Tin – di tích lịch sử của ngành Văn hóa

Là một tỉnh miền núi  Đông Bắc, Tuyên Quang hiện có tới hơn 500 di tích lịch sử, văn hóa và danh thắng trong đó Nha Thông Tin là một là một trong những điểm thăm quan vô cùng hấp dẫn, chứa đựng nhiều giá trị văn hóa, lịch sử

Khi cách mạng Tháng Tám diễn ra, Tuyên Quang từng là Thủ đô Khu giải phóng, được Trung ương Đảng và Bác Hồ chọn làm trung tâm của cách mạng cả nước. Tại Tân Trào-Sơn Dương-Tuyên Quang đã diễn ra nhiều sự kiện lịch sử gắn liền với vận mệnh dân tộc như: Hội nghị toàn quốc của Đảng quyết định chủ trương lãnh đạo toàn dân Tổng khởi nghĩa giành chính quyền và cử ra Uỷ ban khởi nghĩa toàn quốc; Quốc dân Đại hội họp tại đình Tân Trào thành lập Uỷ ban dân tộc giải phóng tức Chính phủ lâm thời do Bác Hồ làm Chủ tịch…Chính vì thế hiện nay tại Tuyên Quang có rất nhiều di tích lịch sử cách mạng quan trọng như: Mái lán Nà Lừa, mái đình Hồng Thái, cây đa Tân Trào….và Nha Thông Tin.

 


Nha Thông Tin – tiền thân là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được di rời từ Thủ đô Hà Nội lên chiến khu Việt Bắc (ATK) vào mùa thu năm 1947. Do yêu cầu giữ gìn bí mật, địa điểm làm việc của Nha Thông tin đã di chuyển qua nhiều nơi. Những ngày đầu được đặt tại xã Khuổi Trạo, huyện Định Hóa, tỉnh Thái Nguyên. Sau đó, chuyển đến xã Đông Mốc, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; rồi chuyển đến thôn Trung Tâm, xã Kháng Nhật, làng Chanh, xã Phú Thịnh. Từ giữa năm 1951 đến ngày kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, Nha Thông tin hoạt động tại Xóm Mới, xã Minh Thanh, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Ngày đó, Nha Thông Tin có khoảng 40 người do đồng chí Trần Văn Giàu làm Tổng Giám Đốc với các bộ phận: Văn phòng ; Ban Nghiên cứu tài liệu, đề xuất ý kiến về tổ chức hệ thống Thông tin từ Trung ương đến khu, tỉnh, huyện, xã ..; Ban Sưu tầm tư liệu, tài liệu của Trung ương Đảng, Chính phủ; Ban Biên tập triển khai biên tập tin tức trong nước, tin nước ngoài từ các phóng viên đưa về;  Ban Điện vụ: nhận tin đầy đủ từ các đài lưu động, từ chiến trường để cung cấp kịp thời, chính xác tới Bác Hồ, Trung ương Đảng, Chính phủ…Những bản tin, những bài báo, những áng văn chương, bài thơ, bài hát được truyền đi từ Nha Thông Tin trong suốt thời gian kháng chiến đã góp phần không nhỏ trong việc khích lệ nhân dân đồng sức, đồng lòng, nâng cao ý chí và niềm tin vào cách mạng.

 

Khi kháng chiến kết thúc, Nha Thông Tin được chuyển lại về Hà Nội. Kể từ đó đến nay, Nha Thông Tin ở Tuyên Quang trở thành một di tích lịch sử của tỉnh.


Cho đến năm 2006, sau khi được đầu tư, trùng tu và xây dựng thêm Nhà Bia: Nhà Văn hóa thôn Mới, di tích Nha Thông Tin mới chính thức mở cửa đón khách thăm quan.


Khi đến với di tích, ngay từ cổng du khách đã có thể thấy được kiến trúc độc đáo của công trình này. Lối vào di tích được lát gạch sạch sẽ, hai bên và trong khuôn viên khu vực Bia Lưu niệm có trồng các loại cây xanh: Đại, Si, Đa, Cau cảnh… Chính giữa là tấm bia ghi đầy đủ nội dung về lịch sử Nha Thông tin, lời kêu gọi các thế hệ cán bộ làm công tác Văn hóa- Thông tin phát huy truyền thống trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. Bia được khởi công ngày 8/5/2005, hoàn thành ngày 28/8/2005. Ngay phía dưới khu vực Bia Lưu niệm, có Nhà Văn hóa thôn Mới, được xây dựng khang trang, có tủ sách, bàn ghế để người dân trong khu cực cũng như các cháu thiếu nhi đến vui chơi, sinh hoạt, đọc sách tìm hiểu về cách làm ăn, phát triển mô hình kinh tế vào cuối tuần.

 

Tuy không phải là một thắng cảnh thiên nhiên để có thể sở hữu vẻ đẹp ân tượng, hấp dẫn nhưng giá trị văn hóa, lịch sử của Nha Thông Tin cũng là yếu tố đặc biệt tạo nên sức hút cho di tích này, là điểm đến không thể thiếu khi du khách về thăm Thủ đô Khu giải phóng.


Nhân dịp 70 năm Ngày Truyền thống Ngành Văn hóa (28/8/1945-28/8/2015), tất cả các di tích, bảo tàng thuộc Bộ VHTTDL sẽ mở cửa miễn phí cho khách thăm quan du lịch trong 4 ngày từ 25 đến 28 tháng 8.

 

 

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn