Không phải ngày nào bạn cũng có cơ hội để gặp Thần Tài (Caishen), và may mắn được ông ban cho bánh huat kueh (bánh thịnh vượng). Vì vậy, khi chuông đồng hồ điểm Giao thừa vang lên, gần 1.000 người dân và du khách đổ xô đến chật kín đền Loyang Tua Pek Kong, Singapore. Phần lớn đến đây với mục đích được gặp Thần Tài và nhận phước lành cho năm mới, theo Straits times.
Khác với Thần Tài trong truyền thuyết, vị “thần” ngoài đời thực có tên tuổi rõ ràng. Anh là Alec Chia, 47 tuổi, có kinh nghiệm hơn 10 năm trong nghề. Cơ duyên với nhân vật Thần Tài đến với anh từ hơn 30 năm trước, khi Alec được phân công đóng vai này tại một vở kịch của trường.
Khi nghi lễ đón năm mới kết thúc, Alec mới có thời gian nghỉ ngơi. Người anh đầm đìa mồ hôi trong trang phục của vị thần may mắn. Anh cho biết, mình đã kết thúc một ngày làm việc vất vả, kéo dài 8 tiếng và chạy 3 chương trình khác nhau để đóng giả Caishen.
Để có thể “chạy sô” liên tiếp, người làm công việc này cần phải có kinh nghiệm lâu năm. Trong các dịp như Tết Nguyên đán, hình ảnh Alec trong trang phục Thần Tài xuất hiện mọi nơi, trên các tấm áp phích màu đỏ rực rỡ dán ở các khu trung tâm mua sắm.
Sau mỗi mùa lễ hội, Alec lại quay về với công việc thường ngày của mình – nhân viên một cửa hàng pha lê. Sau này, anh trở thành một thầy phong thủy. Nhờ đó, Alec có nhiều thời gian hơn để theo đuổi công việc hóa thân thành thần may mắn.
Tại Singapore, Alec được đánh giá là người đóng Caishen nhiều kinh nghiệm nhất. Từ năm 2003, anh đã gây tiếng vang khi xuất hiện trong một chương trình đếm ngược đón năm mới ở Singapore.
Hiện tại, anh có 5 bộ trang phục Thần Tài, được làm từ vải có xuất xứ Trung Quốc, Thái Lan, Nepal. Mũ và áo choàng được trang trí bằng ngọc bích, pha lê cùng các loại trang sức quý khác. Mỗi bộ giá hơn 1.000 USD và có thể nặng hơn 6 kg.
Alec Chia trong trang phục Thần Tài để góp vui trong một nhà hàng. Ảnh: Straits Times. |
Bên cạnh việc đầu tư vào quần áo, bí quyết để trở thành một Caishen chuyên nghiệp là sự tinh tế. “Bạn phải tin rằng mình là Thần Tài. Bạn đang mang hy vọng tới cho mọi người. Vì vậy, bạn phải tin vào chính mình thì người khác mới tin vào bạn”, Alec cho hay.
Tuy vậy, anh vẫn gặp phải sự cố nghề nghiệp. Trong lần được mời tới một nhà hàng Trung Quốc nổi tiếng để giao lưu khách hàng, anh đã để lại ấn tượng xấu với họ. “Nhiều người nhìn tôi như thấy ma vậy. Họ sợ hãi và không thấy thoải mái vì họ khác tôn giáo”. Một phụ nữ đã giơ cây thánh giá về phía anh như thể muốn xua đuổi tà ma. Lúc đó, Alec đã cố gắng trấn an cô và giải thích: “Đừng sợ, tôi giống như ông già Noel vậy, nhưng là phiên bản Trung Quốc”.
Năm 2004, Alec tới Sri Lanka du lịch gần một tháng. Tại đây, anh làm công tác thiện nguyện như phát đồ ăn, nước uống và kẹo cho trẻ em – những nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất mạnh. Alec cho biết, đó chỉ là một ngày như bao ngày thường, khi không phải “làm thần”.
Trong tín ngưỡng và văn hóa của một số quốc gia châu Á như Việt Nam, Trung Quốc, Singapore, Thần Tài là nhân vật được nhiều người yêu mến, kính trọng. Tại Việt Nam, vào ngày vía Thần Tài (mùng 10 tháng Giêng Âm lịch), người dân thường đổ xô đi mua vàng với niềm tin sẽ nhận được may mắn, giàu có cả năm.
Tại Trung Quốc, người dân thắp hương và đốt pháo hoa đón Thần Tài vào ngày 4/1 Âm lịch. Ngày nay, không khí đón vị thần may mắn này ít ồn ào, náo nhiệt hơn trước vì chính phủ cấm đốt pháo.
Thần Tài theo truyền thuyết dân gian là Triệu Công Minh. Tương truyền rằng vào những ngày đầu năm mới, ông xuống trần gian và đi ăn xin từng nhà. Những nhà nào cho ông tiền bạc đều trở nên giàu sang.
Nguồn: Vnexpress.net