Khi mô hình “Zero Covid-19” – từng khiến nhiều nước châu Á trở thành hình mẫu chống dịch vào năm 2020 – không còn tác dụng, khu vực này chuyển dần sang sống chung với virus.
“Việt Nam phải tìm ra con đường trung gian trong việc thực hiện biện pháp hạn chế, truy vết nhưng đồng thời mở cửa một số phần”, ông Yves Tiberghien – giáo sư khoa học chính trị, đồng thời là giám đốc Viện Nghiên cứu châu Á tại Đại học British Columbia, Canada – nói với Zing. Tại Việt Nam, giáo sư Yves Tiberghien nhận định cái giá phải trả khi thực hiện giãn cách vào mùa hè này là rất cao.
Bắt đầu từ ngày 1/10, các hoạt động được khôi phục một phần ở TP.HCM. Đó cũng là xu hướng chung trong tháng 10 của các nước Đông Nam Á và Đông Bắc Á, khi tỷ lệ phủ vaccine tăng lên và nhiều nước (trừ Trung Quốc, tính đến hiện tại) nhận thấy họ không thể tiếp tục theo đuổi chiến lược “Zero-Covid” một thời là hình mẫu chống dịch của thế giới.
Nhật Bản đang lên kế hoạch bãi bỏ tình trạng khẩn cấp, nới lỏng một số hạn chế, bao gồm cho phép các nhà hàng phục vụ rượu. Người đã được tiêm chủng đầy đủ cũng có thể đi du lịch kể từ mùa thu này.
Dù có số ca mắc còn cao, Hàn Quốc cũng hướng đến trạng thái bình thường mới trong phòng chống Covid-19, với hy vọng sẽ tiêm đủ 2 mũi vaccine cho 80% người trưởng thành trước cuối tháng 10.
Tại Malaysia, chính phủ nước này dự kiến tiếp tục nới lỏng biện pháp phòng chống dịch bệnh, bao gồm cho phép người dân đi lại xuyên bang trước giữa tháng 10. Trong khi đó, Tổng thống Joko Widodo đã kêu gọi tất cả người dân Indonesia chuẩn bị sống chung với Covid-19 vì đại dịch này sẽ sớm biến thành một loại bệnh đặc hữu.
Singapore, nước có tỷ lệ tiêm chủng cao nhất khu vực và có lộ trình mở chi tiết từ sớm, lại đang đối mặt với làn sóng ca nhiễm tăng đột biến trong tuần qua. Nước này vẫn thận trọng mở cửa dần trong lúc bắt đầu triển khai tiêm mũi thứ 3 cho người già và người có nguy cơ cao.
Sự xuất hiện của biến chủng Delta khiến mô hình chống dịch nhiều nước phải thay đổi. Ảnh: Reuters. |
Tháng mở cửa
Giáo sư Yves Tiberghien cho biết mô hình chống dịch ở châu Á – Thái Bình Dương có thể chia thành 5 nhóm chính với chiến lược mở cửa và tiêm chủng khác nhau.
Nhóm đầu tiên theo đuổi chiến lược “0 ca Covid-19” (Zero Covid-19), tiêu biểu là Trung Quốc, Australia và New Zealand (tính đến năm 2021, nhưng vào tháng 9, Australia cũng đã chuyển hướng và từ bỏ mô hình này). Theo ông Tiberghien, nhóm này đã thể hiện khả năng kiểm soát dịch tốt, ít lây lan trong cộng đồng giai đoạn đầu.
Tuy nhiên, thành công đó cũng kéo theo “tác dụng phụ”. Trong khi các quốc gia phương Tây triển khai tiêm vaccine, các nước trong nhóm một chủ yếu dựa vào biện pháp kiểm soát biên giới và phong tỏa kéo dài để kiểm soát dịch bệnh. Điều này khiến nhiều nước chưa thật sự tập trung vào việc tiêm chủng.
Bên cạnh đó, mô hình “Zero Covid-19” còn gây áp lực về mặt kinh tế – xã hội, ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống người dân khi phải sống trong cảnh phong tỏa kéo dài nhiều tháng.
Nhiều cuộc tranh luận về chi phí nhân lực, kinh tế, cũng như tính bền vững của việc áp dụng cách tiếp cận này đã nổ ra. Trong bối cảnh đó, nhiều nước như Australia đang lên kế hoạch chuyển đổi sang nhóm thứ hai: Sống chung với dịch bệnh.
Nhóm thứ hai theo đuổi mô hình thích ứng và mở cửa có lộ trình, dựa trên các mục tiêu. Những quốc gia này có mức độ kiểm soát dịch bệnh cao thông qua xét nghiệm hàng loạt, truy vết các ca tiếp xúc nhờ công nghệ và kiểm dịch, cách ly hiệu quả.
Singapore là nước tiêu biểu trong nhóm này, có khả năng ngăn chặn dịch hiệu quả và tỷ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới. Đầu tháng 9, cuộc chiến chống dịch của Singapore đạt được bước tiến quan trọng khi tỷ lệ dân số được tiêm chủng đầy đủ vượt mốc 80%. Dẫu vậy, trước sự gia tăng các ca mắc mới, gần đây, nước này đã áp đặt các hạn chế phòng chống dịch nghiêm ngặt hơn.
Hàn Quốc cũng hướng đến việc xem Covid-19 là bệnh lây qua đường hô hấp như cúm mùa và quy định về giãn cách xã hội sẽ nới lỏng đáng kể.
Người dân xếp hàng chờ tiêm chủng tại một nhà ga xe lửa ở Seoul, Hàn Quốc. Ảnh: Reuters. |
Nhật Bản đại diện cho mô hình thứ ba. Nước này theo đuổi chiến lược giảm thiểu, áp đặt tình trạng khẩn cấp để hạn chế sự lây lan nhanh của Covid-19. Mô hình chống dịch phần lớn phụ thuộc vào hệ thống chăm sóc sức khỏe và các hạn chế xã hội tự nguyện, được gọi là cách tiếp cận 3C, bao gồm tránh không gian kín trong nhà, không gian đông đúc và môi trường tiếp xúc gần.
Tuy nhiên, chính phủ Nhật Bản đang xem xét bãi bỏ toàn bộ việc áp dụng tình trạng khẩn cấp tại Tokyo và 18 tỉnh khác.
Với số ca mắc giảm cùng việc tích cực triển khai tiêm vaccine, giới chức Nhật Bản khá lạc quan về khống chế dịch bệnh trong thời gian tới nhằm khôi phục các hoạt động bình thường.
Cuối cùng, nhóm thứ tư và thứ năm đều là những quốc gia đang trong giai đoạn khủng hoảng dịch bệnh. Tuy nhiên, nguyên nhân và điều kiện đối phó dịch bệnh của các nước trong hai nhóm này khác nhau.
Nhóm thứ tư, tiêu biểu là Malaysia, việc mở cửa ồ ạt khiến làn sóng biến chủng Delta ngày càng lan rộng. Sự bất ổn chính trị cũng làm giảm hiệu quả kiểm soát của chính phủ và tạo ra sự hỗn loạn.
Trong khi đó, Indonesia và Philippines đại diện cho nhóm thứ năm, nơi hệ thống chăm sóc sức khỏe còn yếu kém, cùng khó khăn trong việc tiếp cận vaccine đã dẫn đến các ca bệnh tăng đột biến.
Tuy nhiên, một số nước Đông Nam Á đang dần nới lỏng hạn chế, đưa hoạt động du lịch trở lại trong trạng thái bình thường mới.
Cái giá quá lớn
Theo các chuyên gia, sức ép kinh tế là một trong những lý do khiến các nước phải lên kế hoạch mở cửa sau nhiều tháng áp dụng biện pháp phong tỏa kéo dài.
Giáo sư Tiberghien cũng nhận định năm 2021 mang đến hai thách thức mới. Một là sự lây lan của các biến chủng dễ lây nhiễm như Delta. Và hai là sự mệt mỏi và thiệt hại kinh tế sau các biện pháp kiểm soát nghiêm ngặt, bao gồm cả việc đi lại.
Theo ông Tiberghien, chiến lược “Zero Covid-19” có hiệu quả, nhưng nó quá tốn kém.
“Đây là khoản thiệt hại kinh tế lớn ở nước có thu nhập trung bình như Việt Nam hay các nước ASEAN khác”, ông nói và cho biết thêm Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) vừa hạ dự báo tăng trưởng Việt Nam vào năm 2021 còn 3,8%, giảm so với mức 5,8% hồi tháng 7.
“Với một nước có quy mô trung bình, thu nhập trung bình, phụ thuộc nhiều vào thương mại và chuỗi giá trị toàn cầu như Việt Nam, cần có cách thích ứng phù hợp”, ông chia sẻ.
Việt Nam có thể chuyển sang chiến lược giảm thiểu khi đa số người dân đã được tiêm vaccine. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Theo ông Tiberghien, để kiểm soát hiệu quả biến chủng Delta trên toàn thế giới, các nước có một trong hai cách tiếp cận. Thứ nhất là triển khai tiêm vaccine nhanh và rộng khắp (đạt 70-80% dân số). Thứ hai là áp dụng biện pháp hạn chế để đạt được “Zero Covid-19” trong khi tăng tốc tiêm chủng.
Đối với Việt Nam, việc tiêm chủng sẽ mất nhiều thời gian trước khi có thể bao phủ rộng khắp. Nhưng theo giáo sư Tiberghien, rõ ràng đây không phải ưu tiên duy nhất.
“Con đường khả thi là áp dụng chiến lược ngăn chặn trước khi đạt được mức độ tiêm chủng cao. Sau đó, chuyển sang chiến lược giảm thiểu khi đa số người dân đã được tiêm vaccine”, ông nói. “Cần có sự cân bằng tinh tế giữa độ mở cửa tối thiểu để bảo vệ sinh kế người dân, trong khi thực hiện các biện pháp ngăn chặn để cô lập ổ dịch”.
Nguồn: News.zing.vn