
Nằm yên bình giữa lòng TP Phan Thiết (Bình Thuận) náo nhiệt, Khu di tích Trường Dục Thanh như một nốt trầm lắng đọng mời gọi du khách bước chân vào không gian xưa cũ. Về thăm Trường Dục Thanh là hành trình ngược dòng thời gian, chạm vào những dấu son lịch sử và cảm nhận hơi thở của một thời kỳ sục sôi lòng yêu nước.
Với diện tích hơn 4.000 m², dù bao thăng trầm, trường vẫn giữ dáng hình kiến trúc độc đáo, nơi giao thoa giữa nét cổ kính và hơi thở hiện đại, hiên ngang với những hàng mục nhà Ngư trầm mặc, nhà Ngọa Du Sào ẩn mình dưới bóng cây, nhà Thờ cụ Nguyễn Thông uy nghiêm. Và đó còn có cây khế cổ thụ tỏa bóng mát, giếng nước trong veo, khu vườn lưu niệm xanh tươi. Đặc biệt hơn, những hiện vật gốc nơi đây vẫn lặng lẽ kể câu chuyện về thầy giáo Nguyễn Tất Thành dừng chân dạy học tại
Phan Thiết vào năm 1911. Đó là bộ trường kỷ bóng loáng, bộ ván gõ ba tấm mộc mạc, án thư cũ kỹ, tủ đứng trầm tư, nghiên mài mực, tráp văn thư nhuốm màu thời gian. Tất cả đã tái hiện chân thực không khí học tập thuở ấy, từ ngày trường thành lập, những người đặt nền móng, những môn học được truyền thụ, đến hình ảnh chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành giản dị mà khí phách.
Trường Dục Thanh không chỉ là một di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia để tham quan, mà còn là chiếc cầu nối đưa du khách trở về những năm đầu thế kỷ 20, khi những sĩ phu yêu nước với khát vọng mở mang dân trí đã gieo mầm tri thức tại nơi này. Văn hóa và lịch sử tại trường không hề khô khan, cũ kỹ. Với sự đổi mới trong cách tiếp cận, những mã QR-code tiện lợi, những hình ảnh trực quan sinh động, di tích ngày càng trở nên hấp dẫn hơn với giới trẻ. Những chuyến đi về “địa chỉ đỏ” không chỉ là hành trình khám phá, mà còn là cách thế hệ trẻ lan tỏa và sẻ chia những giá trị truyền thống theo cách riêng.
Tháng 5 này, khi cả nước hướng về Người, một chuyến ghé thăm Dục Thanh không chỉ là để tưởng nhớ những bài học vô giá của Chủ tịch Hồ Chí Minh, mà còn là dịp để tri ân những người đã gieo những hạt mầm yêu nước và ý thức dân tộc đầu tiên cho bao thế hệ học trò. Hãy đến và cảm nhận, để lịch sử không chỉ là những trang sách, mà còn là một phần sống động trong trái tim mỗi người.
Bài và ảnh: Thanh Thanh
Nguồn: Dulichvn