Thành Đỏ – thiên đường châu Á

0
179

Thành Đỏ – còn gọi là Lagila – nằm ở Ấn Độ, có tường vây cao lớn xây bằng sa thạch màu đỏ, các nhà thiết triều và cung điện bên trong được thiết kế bằng những vật liệu quý báu hơn. Nếu thế kỷ 17 trên mặt đất có thiên đường, thì đó chính là nơi đây.

Thành trì này do đại đế Shah Jahan vương triều Mughal xây dựng từ năm 1638 đến năm 1648. Thành lũy nổi tiếng về sự sang trọng với đá hoa cương, vàng bạc và một khối lượng lớn châu báu xây thành. Nhiều năm qua đi, nhiều vật báu không tránh khỏi mất mát, số cung điện xây dựng đầu tiên cũng bị hủy hoại, nhưng dấu vết thành trì còn lại đến bây giờ vẫn để lại những ấn tượng sâu sắc đối với thời kỳ toàn thịnh của vương triều Mughal.

Một góc Thành Đỏ.

Một góc Thành Đỏ.

Bất kỳ cung đình hoàng triều Mughal nào cũng đều có nhà thiết triều đặc sắc cho riêng chúng. Một nơi dân chúng triều kiến hoàng đế, ở đó hoàng đế lắng nghe lời thỉnh cầu và nguyện vọng; ở một nơi khác hoàng đế cùng đại thần bàn việc và tiếp kiến sứ giả ngoại quốc. Hai nơi này trong Thành Đỏ hiện còn tồn tại. Nơi đầu tiên gọi là cung thiết triều, xây dựng trên một nền cao, ba mặt có cửa thông đến đình viện, có thể dung nạp rất nhiều người. Nơi sau gọi là cung Khu mật, từng có sân vườn rộng, mặt đường lát đá cẩm thạch, mái nhà đúc bằng bạc, bên trong có “ngai vua Chim Công” do Shah Jahan nhờ người kiến tạo. Đó là một công trình tốn kém, với lượng châu báu chạm khảm nhiều đến mức có thể dùng thùng đựng.

Mới đầu trong Thành Đỏ có 6 cung điện. Cung Mumtazi hiện giờ là một viện bảo tàng. Một cái khác là Cung Long với những tranh vẽ như mái nhà chế bằng bạc, đã bị mất gần hết. Cung Kas là dãy phòng riêng dành cho hoàng đế sử dụng, thêm 3 gian chia làm nhà ăn, nhà ngủ và nhà cầu nguyện. Con trai và người kế thừa Shah Jahan, Auranglep dựng thêm chùa Hồi giáo trân châu Modi vô cùng tinh xảo. Ngôi chùa Hồi giáo và đình viện của nó tương đối nhỏ, nhưng mang lại cho người ta cảm giác rộng rãi thông thoáng.

Sau cuộc bạo động chống quân Anh của Ấn Độ năm 1857, rất nhiều nơi của Thành Đỏ bị phá bỏ, dành chỗ cho quân đội đóng. Nhà văn thế kỷ 19 James Ferguson trong khi bàn về kiến trúc Ấn Độ, đã miêu tả hành vi phá hoại Thành Đỏ là hành động cố ý hủy hoại di tích cổ không lý do.

(Theo sách 100 kỳ quan thế giới)

Nguồn: Vnexpress.net

Du lịch nước ngoài

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn