Thanh Hóa: Cơ cấu lại ngành du lịch: Chắp thêm đôi cánh cho phát triển

0
104

Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Đây vừa là mục tiêu vừa là động lực phấn đấu cho ngành du lịch trong nhiều năm trở lại đây. Tuy nhiên, nhìn vào vị thế của du lịch trên bản đồ phát triển ngành hiện nay, thiết nghĩ, ngành “công nghiệp không khói” cần “chắp thêm đôi cánh” để có thể tiệm cận gần mục tiêu trở thành một mũi nhọn phát triển của Thanh Hóa.

 

Pù Luông Retreat. Ảnh: Khôi Nguyên

 

Những “gót chân Asin”

 

Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16-1-2017 của Bộ Chính trị về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đã khẳng định vai trò ngày càng quan trọng của ngành du lịch trong sự phát triển kinh tế – xã hội. Đặc biệt, du lịch là một trong những nhân tố góp phần thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế và xuất khẩu tại chỗ; bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, tài nguyên thiên nhiên; tạo nhiều việc làm, nâng cao đời sống nhân dân; quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam. Tuy nhiên, so với tiềm năng, thế mạnh sẵn có, cùng sự kỳ vọng, thì sự phát triển của du lịch vẫn chưa thật sự tương xứng.

 

Khi phân tích nguyên nhân dẫn đến “độ trễ” phát triển ngành du lịch, nhiều ý kiến đã chỉ ra rằng, du lịch chưa tạo được ưu thế cạnh tranh nhờ vào sự hấp dẫn và khác biệt về sản phẩm. Trong khi đó, chất lượng dịch vụ vẫn là một điểm trừ và chưa thể khắc phục trong ngày một ngày hai nếu các điều kiện đi kèm với nó là hạ tầng, cơ sở vật chất, nhân lực, văn hóa du lịch… vẫn chưa được cải thiện. Cùng với đó là hiệu lực và hiệu quả quản lý Nhà nước về du lịch; môi trường du lịch; xúc tiến quảng bá; năng lực của doanh nghiệp du lịch; vai trò của cộng đồng trong phát triển du lịch… vẫn còn nhiều hạn chế hoặc chưa được phát huy hiệu quả.

 

Du lịch vốn được nhấn mạnh là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, xã hội hóa và mang nội dung văn hóa sâu sắc. Tuy nhiên, điều này dường như vẫn đang nằm ở sự định hướng, hay trên lý thuyết là chủ yếu. Bởi trong thực tế, để du lịch trở thành trung tâm kết nối các ngành, các lĩnh vực vào mạng lưới khổng lồ của nó và tạo ra sự tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế – xã hội nói chung, thì không phải ở đâu và lúc nào cũng thực hiện được. Thậm chí, có đôi khi nhận thức về vai trò, vị thế của ngành du lịch vẫn còn “chưa tới”, dẫn đến việc xây dựng cơ chế, chính sách và đầu tư nguồn lực phát triển ngành “công nghiệp không khói” vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Hoặc, nếu có sự quan tâm đầu tư thì vẫn còn dàn trải, thiếu trọng tâm trọng điểm và chưa huy động được nhiều nguồn lực của xã hội cho phát triển du lịch.

 

Những bất cập, thách thức đã và đang đặt ra cho ngành du lịch Việt Nam và du lịch Thanh Hóa cũng không nằm ngoài thực trạng chung đó. Để rồi, câu hỏi đã và luôn đặt ra cho ngành du lịch là làm thế nào để khắc phục được những “gót chân Asin”, vốn được chỉ ra từ lâu, nhằm chắp cho du lịch đôi cánh để nó phát triển như kỳ vọng?

 

“Làm mới” trong từng giải pháp

 

Đề án “Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn” (được ban hành tại Quyết định 1658/QĐ-TTg ngày 5-12-2018 của Thủ tướng Chính phủ), có thể xem là một bước cơ bản nhằm hiện thực hóa nhiệm vụ đặt ra trong Nghị quyết 08. Theo đó, việc cơ cấu lại ngành du lịch là nhằm khai thác tối đa lợi thế về sản phẩm, thị trường; các nguồn lực, hệ thống quản lý ngành. Đồng thời, nâng cao hiệu quả kinh tế – xã hội và môi trường; góp phần nâng cao đời sống nhân dân, quảng bá hình ảnh và lan tỏa các giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc. Đối với Thanh Hóa, việc cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng nhu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn, cũng đã được cụ thể trong Kế hoạch 114/KH-UBND ngày 3-5-2019 của UBND tỉnh.

 

Kế hoạch 114 đặt ra mục tiêu cụ thể đến năm 2025, Thanh Hóa đón được 18.500.000 lượt khách, tổng thu du lịch ước đạt 42.500 tỷ đồng; đồng thời, tạo ra 65.000 việc làm trực tiếp, tỷ lệ lao động phục vụ du lịch được đào tạo, đào tạo nghề và bồi dưỡng tại chỗ đạt trên 90%. Hệ thống sản phẩm du lịch được hình thành rõ nét, đặc sắc, đa dạng, mang đậm bản sắc văn hóa xứ Thanh và có thương hiệu. Năng lực đón tiếp tại các khu, điểm du lịch được nâng cao và từng bước cải thiện được năng lực cạnh tranh của du lịch Thanh Hóa… Đặc biệt, Kế hoạch 114 đã xác định cụ thể nội dung công việc, thời hạn, tiến độ hoàn thành và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan. Từ đó, bảo đảm tính đồng bộ, khả thi và tạo hiệu quả rõ nét trong phát triển du lịch.

 

Viên gạch đầu tiên, làm nền móng cho việc cơ cấu lại ngành du lịch, thiết nghĩ chính là nâng cao chất lượng sản phẩm. Theo đó, giải pháp trọng tâm được tỉnh chú trọng là tăng cường xúc tiến, thu hút các doanh nghiệp có quy mô lớn, có thương hiệu trong và ngoài nước làm lực lượng nòng cốt và giữ vai trò định hướng phát triển sản phẩm, thị trường du lịch, đặc biệt là sản phẩm du lịch cao cấp, có giá trị cao. Sau những đột phá về thu hút đầu tư vào du lịch trong Năm du lịch quốc gia – Thanh Hóa 2015, giai đoạn 2016-2018, tỉnh tiếp tục phát huy, kế thừa và triển khai đổi mới công tác thu hút, xúc tiến đầu tư du lịch. Cùng với thành công của Hội nghị Xúc tiến đầu tư tỉnh Thanh Hóa năm 2017, đã có 5/31 dự án được ký kết ghi nhớ và trao giấy chứng nhận đầu tư vào lĩnh vực du lịch, với tổng khái toán vốn khoảng 15.724 tỷ đồng. Hiện nay, 3/5 dự án đang triển khai thực hiện các bước theo quy định; 1 dự án đang triển khai lập quy hoạch. Cùng với đó là gần 70 dự án kinh doanh tại các khu, điểm du lịch đã cấp giấy chứng nhận đầu tư và hiện đang triển khai thực hiện, với tổng vốn đăng ký khoảng 5.445,7 tỷ đồng.

 

Mặc dù vậy, Thanh Hóa vẫn thiếu những dự án tầm cỡ có thể nâng cao chất lượng sản phẩm và tạo ra động lực tăng trưởng du lịch. Thực tế cho đến nay, ngoài Sầm Sơn là nơi tập trung nhiều dự án du lịch quan trọng và từng bước hình thành nên một trọng điểm du lịch của tỉnh; thì một số địa phương được đánh giá là có trữ lượng tài nguyên du lịch lớn, nhưng chưa có cơ hội khai thác do chưa có được nhà đầu tư tiềm lực. Trong khi đó, nhiều dự án quy mô lớn và hứa hẹn nhiều tiềm năng phát triển, như: Quần thể khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp các dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp Bến En và Khu đô thị sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí cao cấp và du lịch biển Sầm Sơn (Công ty CP Tập đoàn Mặt Trời); Khu đô thị sinh thái, Khu du lịch ven sông Mã và Khu du lịch Cồn Nổi (Công ty CP Tập đoàn FLC); các dự án du lịch sinh thái biển cao cấp ven biển huyện Quảng Xương (Công ty CP Xây dựng FLC Faros và Công ty CP ORG)… thì vẫn đang trong giai đoạn triển khai các thủ tục đầu tư.

 

Để thu hút mạnh mẽ các nguồn lực xã hội vào lĩnh vực du lịch, không cách nào khác là xây dựng được cơ chế đủ sức hấp dẫn. Do đó, một nội dung quan trọng khi thực hiện cơ cấu lại ngành du lịch là xây dựng chính sách thu hút đầu tư. Đồng thời, khuyến khích các hình thức đầu tư theo mô hình hợp tác công – tư; tạo môi trường thuận lợi thu hút các nguồn lực từ khu vực tư nhân cho phát triển du lịch. Cùng với đó là xây dựng chính sách liên kết các sản phẩm của các ngành, các lĩnh vực, nhằm hình thành chuỗi giá trị phục vụ phát triển du lịch. Nghị quyết 103/NQ-CP của Chính phủ về chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 08, đã nêu rõ, việc hoàn thiện thể chế, chính sách phải tập trung vào các chính sách phù hợp về thuế sử dụng đất và tiền thuê đất, đối với các dự án du lịch có hệ số sử dụng đất cho xây dựng thấp và hạn chế về chiều cao. Đồng thời, thành lập và có cơ chế quản lý, sử dụng hiệu quả quỹ hỗ trợ phát triển du lịch. Ngoài ra, cần quan tâm sửa đổi, bổ sung danh mục ưu đãi đầu tư, trong đó có các dự án du lịch tại các địa bàn trọng điểm, khu vực động lực phát triển du lịch và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn nhưng có tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch.

 

Nếu tài nguyên là điều kiện cần, thì khai thác hiệu quả tiềm năng mới là điều kiện đủ cho du lịch phát triển. Muốn vậy, việc bố trí vốn tập trung đầu tư, hoàn thiện hệ thống hạ tầng tại các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, cần được xem là ưu tiên hàng đầu. Trong Chương trình phát triển du lịch Thanh Hóa giai đoạn 2016-2020, có 12 nhiệm vụ đầu tư hạ tầng kỹ thuật du lịch. Đến nay, đã và đang triển khai 10/12 nhiệm vụ (gồm 30 dự án thành phần), với tổng số vốn được giao thực hiện là 1.408,688 tỷ đồng (ngân sách Trung ương hỗ trợ 919,440 tỷ đồng), đạt 21,83% kinh phí kế hoạch giai đoạn 2016-2020. Trong đó, nhiều dự án quy mô lớn, có tính chất quan trọng, quyết định đến cơ cấu, thị trường khách và là đòn bẩy thu hút các dự án kinh doanh du lịch, như dự án đường nối từ Cảng Hàng không Thọ Xuân đi Khu Kinh tế Nghi Sơn; Dự án đường đến các khu du lịch Sầm Sơn, Hải Tiến, Bến En, Lam Kinh; Dự án đường bộ ven biển qua địa phận tỉnh Thanh Hóa… Cùng với đó là dành nguồn lực cho phát triển nguồn nhân lực theo cơ cấu hợp lý; xúc tiến, quảng bá; quản lý Nhà nước; ứng dụng khoa học công nghệ và xây dựng môi trường du lịch hướng tới an toàn, văn minh và giàu bản sắc xứ Thanh.

 

Một nguyên lý dễ hiểu nhất về du lịch đó là, các sản phẩm sau khi được xây dựng tương đối hoàn chỉnh, sẽ được bán ra thị trường. Tuy nhiên, lâu nay, thị trường (đối tượng khách) lại chưa được chú trọng đúng mức. Do vậy, sản phẩm được xây dựng đôi khi vẫn chưa thật sự hướng trúng đến đối tượng. Chính vì lẽ đó, nghiên cứu thị trường và triển khai các giải pháp cơ cấu lại thị trường khách, đặc biệt là đẩy mạnh thu hút khách du lịch quốc tế trong thời gian tới, được Thanh Hóa xác định là một giải pháp trọng tâm khi tiến hành cơ cấu lại ngành du lịch. Vài năm trở lại đây, Thanh Hóa đã tích cực kết nối, hợp tác phát triển du lịch với nhiều tỉnh, thành phố trong cả nước. Qua đó đẩy mạnh quảng bá, xúc tiến, kêu gọi đầu tư và thu hút khách du lịch. Đồng thời, thường xuyên tham gia các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch và thương mại, nhằm đưa hình ảnh du lịch Thanh Hóa đến gần hơn với du khách trong nước. Ngoài ra, công tác quảng bá, xúc tiến du lịch tại nước ngoài cũng từng bước được tỉnh chú trọng. Điển hình là việc tổ chức các đoàn công tác khảo sát, xúc tiến, kêu gọi đầu tư (trong đó có lĩnh vực du lịch) tại thị trường Asean, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Singapo… và Châu Âu (Liên Bang Nga, Đức). Đồng thời, tổ chức các đoàn farmtrip, presstrip của Hàn Quốc về khảo sát các điểm đến du lịch của Thanh Hóa.

 

Cơ cấu lại ngành du lịch dựa trên tiềm năng, lợi thế và những thành quả đạt được; đồng thời, đề ra những giải pháp đồng bộ và quyết liệt, nhằm khắc phục hạn chế, yếu kém đã và đang tồn tại. Có như vậy, mục tiêu đến năm 2020, đưa du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của Thanh Hóa, mới có cơ hội được hiện thực hóa.

 

Bài và ảnh: Khôi Nguyên

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn