Thanh Hóa: Đặc sắc lễ hội đình và đền Đắc Châu

0
185

Lễ hội đình và đền Đắc Châu thường được tổ chức trong 2 ngày (mùng 9, 10 tháng giêng) với nhiều hoạt động văn minh, lành mạnh đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội phản ánh một phần đời sống của người Việt thời xưa, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của con người xứ Thanh.

 

Đã thành thông lệ, hàng năm vào mùng 9, 10 tháng giêng, con cháu xã Thiệu Châu ở khắp các nơi trên mọi miền Tổ quốc đều quy tụ về dưới mái đình cùng nhau tham gia lễ hội đình và đền Đắc Châu (làng Minh Châu, xã Thiệu Châu, huyện Thiệu Hóa). Đây là lễ hội truyền thống lớn của huyện được gìn giữ và phát huy nhằm tưởng nhớ vị Thần – Thủ Na đã có công đánh giặc ngoại xâm, giữ yên đất nước, đồng thời là dịp để mọi người sum họp cùng nhau chia vui, sẻ buồn.

Từ lâu, lễ hội đã trở thành “món ăn tinh thần” không thể thiếu của người dân làng Chòm xưa – nay là làng Minh Châu. Cứ đến chiều mùng 9 tháng giêng âm lịch hàng năm, con cháu các dòng họ, nhân dân trong làng lại trở về đình và đền Đắc Châu cùng nhau tham gia các trò chơi, trò diễn truyền thống, giao lưu văn nghệ để chuẩn bị cho đại lễ sáng hôm sau. Phần hội diễn ra trong không khí sôi nổi, lành mạnh, tiết kiệm với các trò chơi dân gian như: Chọi gà, cờ người, kéo co… và những tiết mục văn nghệ đặc sắc nhằm phô diễn những tài năng, nét tinh tế, khéo léo và tái hiện một góc nhỏ đời sống sinh hoạt của dân làng trong lao động, sản xuất cũng như đời sống văn hóa tinh thần. Sang ngày mùng 10, làng văn, làng nhạc, đội tế với gần 20 người mặc áo lương, khăn xếp chỉnh tề đã có mặt từ sáng sớm chuẩn bị các thủ tục để tổ chức rước kiệu cho thần du xuân. Theo sách xưa, thần đã có công dẹp giặc ngoại xâm, khai thôn lập ấp được Nhà nước phong “Thượng đẳng Thần” và ban nhiều đạo sắc. Hàng năm, con cháu thường tụ họp về đình và đền dâng thần lễ vật để tưởng nhớ và ghi công tạ ơn thần và cầu mong thần phù trợ cho gia đình, dòng họ luôn bình an, mọi việc “thuận buồm xuôi gió”. Đoàn rước kiệu đưa thần du xuân, tham quan khắp làng, kiệu đi đến đâu con cháu, nhân dân ở đấy đội lễ (gồm mâm xôi thịt, lợn quay, bánh kẹo và mâm hoa quả) nối theo dòng người trẩy hội trong không khí tưng bừng tiếng chiêng, tiếng trống, cờ lọng, long đao rợp trời. Khi đoàn người rước thần về trước cổng đình cũng là lúc con cháu khắp các nơi đã tập trung kín dưới sân đình để chào đón thần. Không khí lễ hội như tưng bừng và ấm áp hơn với những tia nắng ấm áp đầu xuân len lỏi qua từng tán cây, giọt sương xuân. Và lúc này đây, khi lòng người đã hướng về với thần, làng văn, làng nhạc nổi chiêng, trống rộn ràng đón thần vào đình và thực hiện nghi thức trang nghiêm rước thần “về nhà”.

Cố từ Trần Viết Hợi cho biết: Để chuẩn bị cho lễ hội – rước thần du xuân, trước đó vào 19 – 20 tháng chạp đại diện con cháu 45 dòng họ mặc áo lương, khăn xếp, cùng làng văn, làng nhạc, đội tế tổ chức lễ rước mã thờ – mặc quần áo cho thần và chạp nghè. Tại đây, con cháu các dòng họ sẽ báo cáo với thần về những việc làm, kết quả của họ mình trong năm qua, cầu mong thần phù trợ mọi việc “mưa thuận gió hòa”. Không như những địa phương khác, chạp nghè, chạp họ được tổ chức đơn lẻ theo từng dòng họ, nhưng về với Thiệu Châu, độc đáo hơn đấy chính là 45 dòng họ trong địa phương cùng chạp nghè trong một ngày, cùng nhau báo công với thần. Đây là dịp để các dòng họ “khoe” thành tích trong công cuộc phát triển kinh tế, xã hội, góp sức phát triển, gìn giữ quê hương, đất nước.

Lễ hội đình và đền Đắc Châu thường được tổ chức trong 2 ngày (mùng 9, 10 tháng giêng) với nhiều hoạt động văn minh, lành mạnh đã thu hút đông đảo nhân dân tham gia. Lễ hội phản ánh một phần đời sống của người Việt thời xưa, là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa phi vật thể của con người xứ Thanh. Năm 2011, đình và đền Đắc Châu đã được UBND tỉnh công nhận và xếp hạng di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh. Nhận thức được giá trị của lễ hội và quần thể di tích đình, đền lãnh đạo đã có nhiều chính sách, cơ chế để triển khai nhiều hoạt động nhằm gìn giữ và phát huy những giá trị vật thể và phi vật thể của lễ hội. Đặc biệt, chính quyền địa phương đã triển khai hiệu quả việc kêu gọi, vận động con em xa quê và nhân dân trong làng đóng góp để cải tạo nâng cấp đình, đền nhiều lần. Năm 2013, đình được nâng cấp cải tạo với tổng trị giá hơn 2,8 tỷ đồng, trong đó tỉnh hỗ trợ 300 triệu đồng, xã hỗ trợ 50 triệu đồng, còn lại là nhân dân đóng góp. Ngoài ra, những năm gần đây, con cháu trong làng thường xuyên chủ động đóng góp các hiện vật như: Lục bình, đôi kiếm, rồng đá, xây dựng cổng đình… Với trị giá hơn 200 triệu đồng.

Lễ hội đình và đền Đắc Châu giữ một vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa, tín ngưỡng của nhân dân, địa phương không chỉ là nơi lưu giữ những giá trị văn hóa mà còn mang tính giáo dục tinh thần yêu nước cho thế hệ trẻ, sự kế thừa văn hóa truyền thống, tái hiện đời sống văn hóa, tinh thần của nhân dân, cần lưu giữ và phát huy.  

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Điểm đến du lịch

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn