Mùa hè về ve sôi ngoài ngõ, từ sáng sớm nắng đã đổ lửa khiến ai cũng mệt lả đi. Để giải nhiệt, người ta tìm đến nước đá lạnh, máy quạt cho đến điều hòa không khí, thế nhưng mẹ tôi lại có cách giải nhiệt độc đáo theo kiểu “lấy độc trị độc” bằng bát canh chua me đất nấu cá cơm nóng hổi. Cái vị chua thanh của bát canh me đất nấu cá cơm ấy theo tôi từ làng quê nghèo khó đến những năm tháng đại học, cho đến tận bây giờ và cả sau này nữa.
Khi những chú ve chui ra từ lòng đất để góp phần vào bản trường ca mùa hè bất tận thì những mầm me đất cũng thức dậy, “đạp tung” lớp đất ẩm để vươn lên xanh nõn nà. Những tán lá me đất tròn xoe, chia ra bốn phần đều tắp, đọng lại những giọt sương long lanh vào sáng sớm trông thật ưa nhìn. Me đất có thể xem là loại rau sạch tự nhiên, không phân hóa học hay thuốc trừ sâu nên gần đây rất nhiều người ưa dùng.
Ngày trước lũ trẻ con chúng tôi khi nô đùa đã thấm mệt thì rủ nhau hái những cọng me đất để nhấm nháp cho “đỡ cơn thèm” những bịch me chua, cóc dầm đầy ma mị ở quán o Nga đầu làng.
Me đất nấu canh thì tuyệt hảo. Sáng mẹ cắp giỏ đi chợ làng đem về mớ cá cơm còn tươi rói, vừa đúng lúc lọ măng chua đã dùng hết. Mẹ sực nhớ ra loại rau dại góc vườn hôm qua mới quở “me đất ni mà có cá cơm thì mát cả ruột”, thế là bầy con được sai đi nhổ me đất, chỉ một loáng cả rổ me đất được “trình diện”. Cá cơm đã rửa sạch, tẩm ướp gia vị cho thật thấm, khi nước canh sôi sùng sục, cá cơm như “bơi ngoài biển khơi”, mẹ liền nhấc xuống rồi mới cho nắm me đất xanh mơn mởn vào. Không như các loại rau khác, me đất nhanh chín hơn, mới thả vào xoong lá đã chuyển sang xanh đậm, nhìn nồi canh me đất nấu cá cơm như một bức tranh đầy màu sắc. Màu trắng ngà của những con cá, màu đỏ của ớt bột, màu xanh nâu của lá me đất khi chín.
Lạ kỳ thay, món canh nóng hổi ấy, lại ăn trong buổi trưa của mùa hè sao mà mát lạnh từng bát canh chua thanh, thơm thảo, bao mệt nhọc tan biến trong mỗi con người. Bên mâm cơm trưa hè ấy, xoong cơm cứ vơi dần, tô canh me đất nấu cá cơm cũng phải “chêm” thêm mấy bận nhưng hình như ai cũng chưa thấy no. Mẹ tay cầm quạt tre phe phẩy và mỉm cười hạnh phúc khi thấy các con “đứa chan, đứa chèo”.
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn