Làm việc với tổ công tác ở chốt kiểm soát Covid-19, Lê Văn Trung ban đầu nói đang trên đường từ nhà bạn về nhà mình, nhưng sau đó lại cho biết đang đi hóng mát, vừa uống 4 ly rượu.
21h ngày 29/7, đường phố Hà Nội lác đác vài người, một số ít phương tiện lưu thông, nhưng chốt kiểm soát dịch Covid-19 ở phố Điện Biên Phủ vẫn hoạt động. |
Tuy nhiên, vẫn còn trường hợp vi phạm. Người phụ nữ điều khiển ôtô (trong ảnh) bị dừng xe để kiểm tra. Khi làm việc, người này cho biết vừa đi tiêm chủng vaccine Covid-19 về và chứng minh được hành động trên. Tuy nhiên, chị Ngân (áo trắng bên cạnh) lại tường trình rằng đi cùng để mua bánh. |
Tổ công tác lập biên bản vi phạm đối với chị Ngân khi xác định lý do chị đi cùng bạn là không cần thiết. |
Trong tổ công tác tại chốt, người lớn tuổi nhất là ông Lê Văn Trung (66 tuổi, bảo vệ UBND phường Cửa Nam). Ông cho biết mình là lực lượng tăng cường, hoạt động từ 18h đến 22h. |
Chốt kiểm soát tại phố Điện Biên Phủ hoạt động 24/24h, một lều quân đội được dựng để các cán bộ luân phiên ngồi nghỉ. |
Tại giao lộ Cầu Diễn – Văn Tiến Dũng (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội), chốt kiểm soát dịch của Công an quận Bắc Từ Liêm được lập 24/24h để kiểm soát những người ra đường. Nằm ở trục đường huyết mạch, chốt luôn phải đảm bảo có 15 cán bộ trực luân phiên theo ca. |
Làm việc với tổ công tác, thanh niên Lê Văn Trung thiếu trung thực. Anh ta ban đầu nói đang trên đường từ nhà bạn về nhà mình, nhưng sau đó lại cho biết đang đi hóng mát. “Em uống 4 ly rượu rồi”, Trung nói với tổ công tác và nhiều lần bị nhắc nhở về thái độ làm việc. Sau khoảng 30 phút, anh này mới viết xong bản tường trình, đồng thời bị lập biên bản vi phạm vì hành vi ra đường với lý do không cần thiết. |
“Rất nhiều người dân vẫn chưa hiểu rõ Chỉ thị 17 của UBND TP, đặc biệt là quy định chỉ ra đường với lý do cần thiết”, bà Lê Thị Hạnh, cán bộ tư pháp UBND phường Phúc Diễn, nói. Theo bà Hạnh, thời điểm này, những người ra đường hầu hết là công nhân, là người đi làm thuê. Họ nghe lời chủ doanh nghiệp, người thuê lao động… ra đường làm nhiệm vụ nhưng lại là những công việc không cấp bách, không cần thiết. |
“Các giám đốc, chủ doanh nghiệp… in giấy xác nhận cho công nhân, nhân viên, nghĩ cầm giấy này là cứ thoải mái đi lại. Nhưng hầu hết công việc mà những công nhân, nhân viên này được giao lại ‘không cần thiết’ và vẫn bị phạt”, bà Hạnh phân tích. Với những trường hợp như trên, ông Ngô Quang Huy, Phó chủ tịch UBND phường Phúc Diễn, cho biết chốt sẽ linh động, yêu cầu những vi phạm viết cam kết không tái phạm, đồng thời, chính quyền sẽ liên hệ với chính những chủ doanh nghiệp, giám đốc công ty… của họ để nhắc nhở. |
Chia sẻ với Zing, bà Hạnh cho biết công việc tại chốt kiểm soát dịch rất vất vả. “Gần như không còn chút thời gian dành cho gia đình, nhưng tôi vẫn vui, hạnh phúc khi công sức của mình được người dân ghi nhận, động viên”. Kể về lịch trình làm việc của mình, bà Hạnh cho hay bà trực từ 18h hôm trước đến 6h hôm sau. |
2h, khi lượng phương tiện gần như không còn, các cán bộ tại chốt kiểm soát bắt đầu bữa tối. “Thùng mì tôm này là của người dân đem qua ủng hộ. Họ thấy chúng tôi vất vả, cứ thỉnh thoảng lại có người mang tặng nước, vỉ sữa. Chúng tôi quý lắm”, thượng úy Chu Hữu Tước (Đội CSGT Công an quận Bắc Từ Liêm) nói. |
Nguồn: News.zing.vn