Cơ quan thanh tra kết luận UBND TP.HCM và các quận, huyện, sở, ngành nơi đây để xảy ra nhiều vi phạm xây dựng, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất có vị trí đắc địa.
Thanh tra Chính phủ vừa ban hành thông báo kết luận thanh tra về quản lý xây dựng, đất đai, môi trường đối với khu công nghiệp, khu đô thị và chuyển đổi nhà, đất công có vị trí đắc địa ở TP.HCM giai đoạn 2010-2016.
Với những sai phạm chỉ ra, cơ quan thanh tra kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các bộ, ngành rà soát, xử lý để không làm thất thoát tài sản Nhà nước. Trong quá trình kiểm tra nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự, gây thất thoát tài sản Nhà nước thì kiến nghị xử lý theo quy định.
Doanh nghiệp thuê đất khu công nghiệp rồi để trống
Theo kết luận, nhiều doanh nghiệp thuê hàng nghìn m2 đất trong các khu công nghiệp nhưng không sử dụng, để trống đất gây lãng phí tài nguyên. Một số khu công nghiệp xảy ra tình trạng này là Hiệp Phước, Lê Minh Xuân, Tân Bình, Tân Tạo, Phong Phú,…
Tại khu công nghiệp Tây Bắc Củ Chi, Thanh tra Chính phủ xác định chính quyền TP.HCM đã tính tiền thuê đất với diện tích hơn 900.000 m2 không đúng thời gian của các hợp đồng, dẫn đến chậm nộp tiền ngân sách; cho Công ty CP Bia – Rượu – Nước giải khát Sài Gòn thuê đất nhưng để trống gây lãng phí.
Khu công nghiệp Tân Tạo thuộc quận Bình Tân. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Đối với khu công nghiệp Tân Tạo hiện hữu, cơ quan thanh tra phát hiện Công ty CP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo đã ký hợp đồng cho thuê lại đất với một số ngân hàng như Vietinbank, BIDV trái quy hoạch được duyệt.
Hàng loạt sai phạm khác về quản lý, sử dụng và cho thuê đất cũng được Thanh tra Chính phủ chỉ ra tại khu Tân Tạo mở rộng, khu công nghiệp Vĩnh Lộc ở huyện Bình Chánh…
Trách nhiệm để xảy ra vi phạm thuộc về các chủ đầu tư khu công nghiệp, Sở TN&MT, Sở Xây dựng, UBND TP.HCM và UBND các quận, huyện.
Cấp phép xây khu đô thị trái quy hoạch
Tại một số khu đô thị, Thanh tra Chính phủ kết luận UBND TP.HCM, các quận, huyện và một số sở, ngành chưa đánh giá đúng năng lực nhà đầu tư để thực hiện các dự án; phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch không đúng quy chuẩn; cấp phép xây dựng trái quy hoạch. Một số dự án vướng sai phạm như: Khu dân cư Phước Long B, khu đô thị Sài Gòn Bình An, khu dân cư Lacasa,…
Ngoài ra, nhiều chủ đầu tư dự án tự đền bù trước khi có văn bản chấp thuận và quyết định giao đất của UBND TP, vi phạm quy định của Luật Đất đai, chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính, tự ý xây dựng hạng mục trái quy định.
Điển hình tại dự án khu nhà ở Phước Long B, UBND TP.HCM đã duyệt dự án dù không có trong kế hoạch sử dụng đất. Chính quyền TP cũng duyệt giá đất trái với chỉ tiêu quy hoạch xây dựng. Trách nhiệm để xảy ra sai phạm thuộc về các chủ đầu tư, UBND TP.HCM và các quận Bình Tân, quận 7 cùng sở, ngành liên quan.
Mặt bằng khu đô thị Sài Gon An Bình, dự án bị kết luận có sai phạm. Ảnh: Nasaland. |
Quá trình thanh tra, cơ quan chức năng còn làm rõ các sở, ngành đã tham mưu cho UBND TP.HCM chỉ định chủ đầu tư, duyệt dự án, chuyển đổi mục đích sử dụng nhà, đất không đúng các quy định của pháp luật về đất đai và quản lý tài sản.
Bên cạnh đó, Thanh tra Chính phủ cũng xác định nhiều sai phạm liên quan đến tư vấn định giá, thẩm định và duyệt tiền sử dụng đất, áp dụng đơn giá thấp không đúng với quy định, nguy cơ gây thất thu ngân sách.
Đáng chú ý, một số chủ đầu tư đang thuê nhà, đất trả tiền hàng năm nhưng không dùng đúng mục đích và tự ý góp vốn bằng quyền sử dụng đất để kinh doanh, cho thuê lại tài sản hoặc chuyển nhượng trái quy định nhưng vẫn được UBND TP.HCM chấp thuận.
Trong kết luận, cơ quan thanh tra cũng kiến nghị UBND TP.HCM xác định trách nhiệm và xử lý tập thể, cá nhân có liên quan đến những sai phạm trên. Nếu phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật hình sự thì chuyển hồ sơ cho cơ quan điều tra thụ lý.
Về xử lý tài chính, Thanh tra Chính phủ ghi nhận tổng số tiền cần xử lý để đảm bảo tài sản cho Nhà nước là hơn 2.000 tỷ đồng và trên 6 triệu USD, còn diện tích đất liên quan các sai phạm cần được khắc phục là gần 464.000 m2.
Nguồn: News.zing.vn