Nỗi lo ngại dịch Covid-19 bùng phát hiện rõ trên vẻ mặt của nhiều thành viên đang ở làng Olympic Tokyo.
Ít ngày trước khi Olympic Tokyo chính thức bước vào các cuộc tranh tài, mọi thành viên trong làng Olympic đều “nín thở” mỗi khi nhận thông báo từ ứng dụng khai báo y tế. Chỉ với một tiếng “ting”, họ có thể đối mặt với việc lỡ hẹn Olympic khi cách ly 14 ngày.
Theo quy định của ban tổ chức Tokyo 2020, mỗi vận động viên sẽ được xét nghiệm Covid-19 hàng ngày, còn các lãnh đạo, quan chức được lấy mẫu 3 ngày/lần. Tất cả đều đặt lợi ích của VĐV tham gia tranh tài lên cao nhất.
Tuy nhiên, dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp ở Tokyo, cũng như trong làng Olympic và trở thành mối đe dọa thường trực của bất kỳ ai.
Hàng nghìn VĐV, quan chức đổ về Tokyo trong những ngày này. Ảnh: Reuters. |
Lo ngại từ những người đứng đầu
Thomas Bach, Chủ tịch Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC), thừa nhận có nhiều đêm mất ngủ. Và khi Toshiro Muto, Giám đốc Điều hành Tokyo 2020, có câu trả lời mơ hồ về khả năng hủy bỏ Olympic vào giờ chót trong cuộc họp báo hôm 19/7, tất cả đứng ngồi không yên.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục thảo luận nếu có sự gia tăng đột biến số ca nhiễm Covid-19 trong làng Olympic. Chúng tôi đồng ý dựa trên tình hình dịch bệnh, sẽ triệu tập cuộc đàm phán 5 bên một lần nữa. Lúc này, các trường hợp nhiễm Covid-19 có thể tăng hoặc giảm, vì vậy chúng tôi sẽ suy nghĩ về những gì nên làm khi tình huống phát sinh”, ông Muto nói.
Phát biểu tưởng chừng không có gì đặc biệt đến từ một quan chức cấp cao của Thế vận hội, nhưng mọi chuyện dần trở nên phức tạp. Một số nguồn tin uy tín và cả ban tổ chức Tokyo 2020 khẳng định khả năng ông Muto đề cập là xa vời. Tuy nhiên, sự trấn an này đến quá muộn khi mối lo ngại Covid-19 ngày một hiện hữu.
Hôm 19/7, Tokyo ghi nhận 727 ca nhiễm mới, con số thấp nhất trong nhiều ngày. Nhưng 2 ngày sau, con số này lần lượt là 1.387 (ngày 20/7) và 1.832 (ngày 21/7), đánh dấu số ca mắc cao nhất kể từ giữa tháng một.
Tại làng Olympic, số ca nhiễm ngày càng gia tăng. Hôm 20/7, ban tổ chức Tokyo công bố có 67 ca nhiễm, nhưng đến hết ngày 21/7, con số này đã tăng lên tới 91.
Liệu Olympic Tokyo có khủng hoảng vào giờ chót? Một nhà báo Nhật Bản chia sẻ với Guardian rằng cô nhận thấy sự thay đổi trong những ngày gần đây, từ thái độ không hài lòng với hàng chục nghìn người đổ về Tokyo, cho đến cảm giác buồn bã khi hầu hết địa điểm tổ chức cấm khán giả vào sân.
Ông Bach thừa nhận những vấn đề khi tổ chức Olympic Tokyo. Ảnh: Reuters. |
Trong phiên họp IOC ở Tokyo, Chủ tịch Bach thẳng thắn thừa nhận: “Chúng tôi đã nghi ngờ, cân nhắc và thảo luận mỗi ngày, có cả những đêm mất ngủ nữa. Một số trong chúng tôi tự hỏi tại sao không công khai những nghi ngờ này, bởi đó có thể là dấu hiệu cho thấy chúng tôi mù quáng bất chấp tổ chức bằng mọi giá”.
“Nhưng nghi ngờ của chúng tôi có thể trở thành lời tiên tri tự ứng nghiệm. Olympic Tokyo có thể sụp đổ. Đó là lý do chúng tôi phải giữ nghi ngờ này cho riêng mình. Thật tốt khi cuối cùng cũng có thể nói ra điều này. Nó đã đặt một gánh nặng lớn lên chúng tôi và cá nhân tôi nữa”.
Chủ tịch Bach hiếm khi có những phát biểu từ tận đáy lòng như vậy. Tuy nhiên, đằng sau hậu trường, vẫn có sự căng thẳng giữa IOC và ban tổ chức, bao gồm cả việc cấm khán giả tới sân.
Những lo ngại như vậy được Michael Payne, cựu Giám đốc Điều hành tiếp thị cấp cao IOC, lên tiếng: “Các sân bóng chày của họ vẫn chật kín khán giả, trong khi cơ sở vật chất kỹ thuật không thể bằng các nơi tổ chức Olympic. Khi đó, mọi người sẽ tự hỏi: Tại sao không thể tổ chức Thế vận hội với quy mô khán giả vào sân chỉ cần bằng một nửa như vậy?, và tôi bắt đầu đặt dấu hỏi về những gì đang xảy ra”.
Hầu hết thành viên trong “bong bóng” Olympic nhận ra ban tổ chức đang cố gắng duy trì sự cân bằng trên một lưỡi dao. Chỉ một thay đổi rất nhỏ cũng có thể khiến tất cả trở thành thảm họa.
Nguy cơ thường trực
Hôm 20/7 tại trung tâm truyền thông của Olympic, một số nhà báo tức giận khi phải cách ly trong phòng 14 ngày vì tiếp xúc gần với một hành khách dương tính với Covid-19 trên chuyến bay tới Tokyo.
Đó là nhà báo Philip Barker của Inside The Games và đoàn phóng viên của BBC Scotland tới đây tác nghiệp. Barker, người không hề có triệu chứng và nhận kết quả xét nghiệm âm tính nhiều lần, thậm chí phải nhờ một đồng nghiệp mang bữa sáng đến phòng khách sạn mỗi ngày.
An ninh thắt chặt, nhưng số ca nhiễm vẫn đang tăng cao trong Làng. Ảnh: Reuters. |
Các phóng viên và nhà báo cũng phải “tung đồng xu may rủi” mỗi lần bước chân lên xe buýt đông đúc. Họ bị cấm đi bộ từ trung tâm giao thông đến trung tâm truyền thông, dù khoảng cách chỉ khoảng 1 km, mà thay vào đó phải để xe buýt đưa đón. Số lượng hành khách trên xe buýt không có giới hạn rõ ràng. Do đó, nguy cơ nhận tiếng “ting” từ ứng dụng khai báo y tế vì thế ngày một cao.
Bác sĩ phụ trách công tác y tế của Đoàn thể thao Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao Nguyễn Văn Phú đã cảnh báo các địa điểm có nguy cơ cao trong việc lây lan biến chủng Delta. Theo bác sĩ Phú, nhà ăn của làng Olympic là nơi có nguy cơ cao nhất vì thế khi tới nhà ăn, toàn bộ các thành viên của Đoàn Việt Nam phải thực hiện việc sát khuẩn, đeo khẩu trang, dùng găng tay do ban tổ chức phát để lấy thức ăn, tránh chạm tay khi không có găng tay vào các đồ dùng trong nhà ăn.
Bác sĩ Phú cũng căn dặn các thành viên của Đoàn nên đi ăn theo từng nhóm để hạn chế việc ngồi cạnh, tiếp xúc gần với các nhóm khác. Các thành viên khi ở nhà ăn cũng nên tập trung ăn để giảm thời gian phải ở lại lâu và luôn sử dụng khẩu trang y tế do Đoàn phát.
Các VĐV được ưu tiên xét nghiệm mỗi ngày, và họ có thể tiếp tục tập luyện nếu kết quả âm tính. Tuy nhiên, bằng trực giác, họ cũng lo lắng giấc mơ Olympic có thể kết thúc bất cứ lúc nào. “Tôi nghĩ mọi người đã tập luyện chăm chỉ suốt năm qua, nên tôi chỉ cầu nguyện chúng ta rồi sẽ ổn”, Reece Prescod, ngôi sao điền kinh người Anh, chia sẻ.
Những lo sợ trước thềm Olympic Tokyo của Prescod cũng là suy nghĩ chung của hàng nghìn người tham dự. Chỉ còn một ngày trước lễ khai mạc, nhưng cảm xúc chủ đạo của hầu hết thành viên đều là lo lắng và sợ hãi.
Nguồn: News.zing.vn