Đề án 89 của Chính phủ chính thức đi vào thực tế. Tuy nhiên, việc các đề án hàng nghìn tỷ đồng trước đó về đào tạo tiến sĩ đều không đạt như mong muốn đang khiến dư luận băn khoăn.
Để nâng cao chất lượng giáo dục đại học, năm 2000, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 322 (Đề án 322) cử cán bộ đi học nước ngoài những ngành mà Việt Nam còn thiếu hoặc trình độ chưa đạt.
Bộ GD&ĐT cho biết Việt Nam còn thiếu 7.300 tiến sĩ giảng dạy trong các trường ĐH trong 10 năm tới. |
Đề án nối tiếp đề án
Theo tổng kết của Bộ GD&ĐT, trong thời gian thực hiện Đề án 322, cả nước gửi đi đào tạo 4.590 người, trong đó, 2.268 người đi học trình độ tiến sĩ. Số lưu học sinh tốt nghiệp trở về nước là 3.017 người (gồm 1.074 tiến sĩ, 984 thạc sĩ, 233 thực tập sinh và 726 sinh viên ĐH), với tổng kinh phí hơn 2.500 tỷ đồng. Như vậy, số tiến sĩ tốt nghiệp chỉ chiếm 50% số gửi đi học.
Trong khi đó, Bộ GD&ĐT báo cáo chỉ có 33 lưu học sinh (chiếm 1,06% số lưu học sinh tốt nghiệp) không hoàn thành nhiệm vụ học tập hoặc đã tốt nghiệp về nước, nhưng không trở lại cơ quan cũ công tác.
Lý do đưa ra là một số trường hợp vì sức khỏe không đảm bảo, phải về nước, một số khác bị thôi học vì kết quả học tập không đạt quy định, hoặc có người về nước sau đó không trở lại nước ngoài học tiếp với lý do cá nhân. Một số tốt nghiệp về nước nhưng không làm việc cho cơ quan công tác trước đây và cá biệt có người học xong không về nước. Trong số các trường hợp phải bồi hoàn kinh phí cho Nhà nước, chỉ 50% đã thực hiện.
“Đề án đào tạo giảng viên có trình độ tiến sĩ các trường ĐH, CĐ giai đoạn 2006-2020” (gọi tắt là Đề án 911) ra đời ngay sau Đề án 322 với kinh phí là 14.000 tỷ đồng với mục tiêu đào tạo 23.000 tiến sĩ.
Nhưng sau 7 năm triển khai đã phải dừng vì bộc lộ hàng loạt hạn chế, không đạt mục tiêu đề ra, số nghiên cứu sinh hoàn thành khóa học bảo vệ cấp bằng đúng kỳ hạn tỷ lệ thấp là 23% (165/703); số nghiên cứu sinh đã hết thời hạn nghiên cứu nhưng chưa bảo vệ đề án hoặc bảo vệ thành công cấp bằng chậm chiếm tỷ lệ tương đối cao là 77%.
Thất bại của đề án 14.000 tỷ đồng chưa được nghiêm túc mổ xẻ, rút kinh nghiệm thì Đề án 89 “Nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên và cán bộ quản lý các cơ sở giáo dục ĐH đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo giai đoạn 2019-2030” ra đời. Mục tiêu của Đề án là đào tạo trình độ tiến sĩ cho khoảng 10% giảng viên ĐH, trong đó 7% giảng viên được đào tạo toàn thời gian ở nước ngoài; 3% giảng viên được đào tạo trong nước và phối hợp giữa các trường ĐH Việt Nam với các trường ĐH nước ngoài đạt chuẩn chất lượng khu vực và thế giới.
Vì sao tiến sĩ không muốn về?
TS Phạm Hùng Hiệp, Giám đốc nghiên cứu của Trung tâm Nghiên cứu và phát triển giáo dục Edlab Asia, cho biết, sau khi tốt nghiệp ĐH, ông thi tuyển vào một trường ĐH thuộc ĐH Quốc gia Hà Nội. Hoàn thành chương trình thạc sĩ, năm 2011-2012, ông đi làm nghiên cứu sinh tại Đài Loan (Trung Quốc).
Ông kể rằng ngày đó, Đề án 911 đã được triển khai nhưng ông không xin học bổng từ đề án này mà xin học bổng từ Đài Loan để du học.
“Đề án 911 hay Đề án 89 hiện nay có những ràng buộc rất cứng nhắc, không hợp với nghiên cứu sinh. Trong khi đó, cơ hội xin học bổng của các trường hay chính phủ các nước đều rất nhiều. Chính vì vậy, nhiều nghiên cứu sinh không lựa chọn học bổng từ các đề án trong nước”, ông Hiệp nói.
Theo ông Hiệp, nhiều nghiên cứu sinh sau khi hoàn thành chương trình tiến sĩ đều muốn ở lại để tiếp tục học tập, nghiên cứu theo chương trình sau tiến sĩ của các trường. Nhưng các đề án của Việt Nam không cho phép, và coi đó là vi phạm cam kết về thời gian, dù đề án không phải cung cấp kinh phí.
Hơn nữa, việc các đề án ràng buộc người học đi từ đâu lại trở về đó để làm việc cũng gây khó cho các tiến sĩ.
“Tại sao không cho cơ chế linh động hơn như tiến sĩ trở về được phép làm ở các trường ĐH, hay các viện nghiên cứu? Vì vẫn là đóng góp cho nền giáo dục, khoa học nước nhà. Đồng thời có thể sử dụng cơ chế giống như chuyển giao cầu thủ, đơn vị mới nhận người sẽ có khoản kinh phí bồi hoàn cho đơn vị đã đào tạo nhân lực”, ông Hiệp nói.
Sau khi tốt nghiệp năm 2016-2017 trở về nước, ông Hiệp không quay trở lại ĐH Quốc gia Hà Nội.
“Sau 4-5 năm làm nghiên cứu sinh, nhân sinh quan của mỗi người sẽ thay đổi. Đối với các nhà khoa học, chế độ đãi ngộ chỉ là một phần, mà quan trọng hơn là họ được tiếp tục làm công việc nghiên cứu, chứ không phải trở thành thày dạy”, ông nói.
Ông nêu thực trạng trở về các trường ĐH công lập làm việc, tiến sĩ trẻ sẽ phải đảm bảo số giờ giảng dạy theo quy định, không được phép đàm phán về công việc muốn làm, không được đàm phán về lương như các trường ngoài công lập hay các đơn vị ngoài ngành. Đây cũng chính là bất cập mà nhiều tiến sĩ trẻ bỏ trường, dứt áo ra đi, ông nói.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, Bộ GD&ĐT, PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, cho biết với các đề án đào tạo tiến sĩ cho các trường ĐH trước đây (Đề án 322, Đề án 911), Bộ trực tiếp tuyển chọn ứng viên theo các tiêu chí quy định tại các văn bản quy phạm hướng dẫn thực hiện.
Ở Đề án 89, bộ giao quyền cho các cơ sở giáo dục ĐH tự chủ trong tuyển sinh và tổ chức đào tạo trên nguyên tắc chia sẻ kinh phí giữa Nhà nước và cơ sở đào tạo cử giảng viên tham gia đề án, đồng thời nâng cao trách nhiệm của các ứng viên thụ hưởng đề án.
“Cách tiếp cận khi xây dựng cơ chế quản lý mới này là trên cơ sở các trường cử người đi học là đơn vị thụ hưởng, giảng viên được đi học theo kế hoạch nhân sự của trường. Vì vậy, trường phải có trách nhiệm quản lý, theo dõi tiến độ học tập hàng năm của giảng viên được cử đi học.
Cơ sở cử giảng viên đi đào tạo sẽ tự chủ, đồng thời chịu trách nhiệm giải trình công tác tuyển chọn ứng viên đáp ứng quy định và được cấp kinh phí từ ngân sách nhà nước để đào tạo tiến sĩ và thạc sĩ cho giảng viên trong phạm vi đề án”, bà Thủy nói.
Nguồn: News.zing.vn