Thầy trò làm hơn 1.000 suất ăn tặng tuyến đầu chống dịch

0
81

Tận dụng thời gian nghỉ giãn cách, khi học sinh chưa đi học trở lại, giáo viên trường Tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức (TP.HCM) nấu ăn mỗi ngày gửi tặng bác sĩ đang chống dịch.

Từ giữa tháng 6 đến nay, khu vực bếp ăn phục vụ học sinh hàng này của trường Tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức (TP.HCM) vẫn liên tục đỏ lửa, trở thành “bếp tiếp sức tuyến đầu” cung cấp suất ăn hàng ngày đến các y bác sĩ tại bệnh viện điều trị Covid-19.

Đầu bếp chế biến những suất ăn này là thầy cô giáo, nhân viên trong trường, đôi khi, còn có thêm người nhà đến phụ giúp.

Giao vien va hoc sinh o TP.HCM tham gia nau an tiep suc tuyen dau anh 1

Những suất ăn được các thầy cô giáo và nhân viên trường Tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức phối hợp chuẩn bị mỗi ngày gửi đến các bác sĩ ở tuyến đầu chống dịch tại TP.HCM.

Chuẩn bị suất ăn từ 4h sáng

Chia sẻ với Zing, thầy Nguyễn Tiến Danh, người phụ trách chính ở “bếp tiếp sức tuyến đầu” của trường Tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức cho biết mỗi ngày, trường sẽ chuẩn bị hơn 1.100 suất ăn gửi đến y bác sĩ của Bệnh viện Hồi sức cấp cứu Chợ Rẫy, Hồi sức 115, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức…

Thực phẩm nhà trường sử dụng là từ đơn vị cung cấp của trường trong năm học và các tổ chức tình nguyện quyên góp. Những giáo viên, nhân viên đăng kí tham gia bếp ăn đều phải tiêm ít nhất 1 mũi vaccine ngừa Covid-19 và xét nghiệm 3 ngày/lần tại trường.

Hơn một tháng tham gia hỗ trợ bếp ăn, hàng ngày, thầy Võ Đức Thiện cùng các giáo viên khác đều dậy từ 4h để chuẩn bị bữa sáng cho các bác sĩ. 5h30, khi những suất ăn sáng được giao đi thì cũng là lúc thầy cô giáo tiếp tục chuẩn bị suất ăn trưa.

Sau thời gian nghỉ trưa, 14h, các thầy cô giáo lại tiếp tục nhiệm vụ chuẩn bị nguyên liệu và sơ chế thực phẩm cho sáng mai. Vì mỗi ngày đều phải chế biết hơn 1.100 suất ăn nên công đoạn này chiếm phần lớn thời gian. 20h, các thầy cô tạm thời kết thúc công việc của mình.

Thầy Thiện chia sẻ, ở bếp ăn, mỗi ngày sẽ có trung bình 15 giáo viên, nhân viên trường tham gia hỗ trợ. Những ngày thiếu nhân lực, ai cũng phải trở thành đầu bếp “đa năng”, đảm nhận nhiều công việc khác nhau như rửa chén, lau nhà, nhặt rau, mua nguyện liệu, với mục tiêu cuối cùng là hoàn thành đủ số lượng suất ăn gửi đến bác sĩ.

“Vấn đề ăn uống của các bác sĩ tuyến đầu ở thời điểm này luôn đi kèm với nghiệp vụ của họ. Do phải mặc đồ bảo hộ trong suốt ca trực nên họ đều hạn chế uống nước, để hạn chế đi vệ sinh. Bữa sáng là lúc các bác sĩ ‘nạp nước’, vì vậy bếp ăn thường chế biến các món nước để gửi đến bác sĩ”, thầy Thiện nói.

Làm việc cả ngày dài, các thầy cô giáo ai cũng mệt mỏi. Để giảm căng thẳng, họ đã vừa làm vừa nói chuyện, đùa vui hoặc nghe nhạc, thi thoảng lại cùng nhau chơi đá cầu.

Tham gia tình nguyện tại bếp ăn nên các giáo viên đều ở lại trường để đảm bảo an toàn. Không có gia đình ở bên, thầy cô giáo trở thành gia đình của nhau, chung tay góp sức chống dịch. Bên cạnh họ còn có sự hỗ trợ của học sinh và phụ huynh, với những tờ giấy ghi chú lời chúc, động viện bác sĩ.

Những hộp cơm với lời nhắn từ học sinh

Thầy Nguyễn Tiến Danh cho biết, các tờ giấy ghi chú được giáo viên nhận từ phụ huynh, học sinh rồi gửi đến “bếp tiếp sức tuyến đầu”. Đối với học sinh ở xa, các em sẽ gửi lại hình ảnh lời chúc của mình để các thầy cô giáo in ra và dán lên hộp cơm.

Mỗi học sinh có một cách trang trí và lời nhắn khác nhau như “chúng em đang ở nhà, đừng lo cho chúng em nha, mọi người là niềm tin của chúng em”, hay “chúc cô chú mạnh khỏe để chung tay đẩy lùi dịch Covid-19”.

Nhận những tờ giấy có lời chúc của phụ huynh, học sinh, các thầy cô ở “bếp tiếp sức tuyến đầu” đều tranh thủ thời gian khi chuẩn bị nguyên liệu, hoặc nấu những món ăn đơn giản để dán những tờ giấy này lên các hộp cơm gửi đến bác sĩ.

Có hôm, số lượng suất ăn nhiều, thầy cô cũng chỉ dán được ít giấy ghi chú, tuy nhiên mọi người vẫn cố gắng để gửi lời động viên của học sinh đến các y bác sĩ.

“Tôi nghĩ, những hoạt động này cũng cho mọi người thấy, chuyện chúng ta cần làm là giúp đỡ nhau để vượt qua khó khăn. Nhận các đơn đặt hàng số lượng suất ăn của bác sĩ, tôi được biết tình trạng bữa ăn của họ đang gặp khó khăn, ăn cũng không được ngon và an toàn. Vì vậy, việc có thể nấu một bữa cơm chất lượng và kèm theo các tờ giấy nhắn nhủ lời chúc, động viên là cách tốt nhất để hỗ trợ y bác sĩ trong thời gian này”, thầy Thiện nói.

Giao vien va hoc sinh o TP.HCM tham gia nau an tiep suc tuyen dau anh 7

Những hộp cơm trước khi đến tay các bác sĩ sẽ được dán lời chúc của học sinh.

Hơn 1.100 suất cơm, sau khi được giao tới tuyến đầu, đều nhận được phản hồi tích cực và cảm động từ các bác sĩ. Thầy Tiến Danh cho biết, bản thân đã nhận được nhiều hình ảnh và lời nhắn tiếp thêm động lực để duy trì bếp ăn như “chỉ nhìn thôi cũng no rồi”, “chúng tôi khỏe, cảm ơn các bạn đã tiếp sức”, “ôi nhìn vậy sao nỡ ăn”…

Dự kiến, trường Tiểu học-THCS-THPT Tuệ Đức sẽ tiếp tục thực hiện “bếp tiếp sức tuyến đầu” đến ngày 15/9, hoặc tùy theo tình hình dịch bệnh, nguồn tài chính, quyên góp của trường.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn