Thế hệ học sinh tại Mỹ ‘biến mất’ vì Covid-19

0
59

Ước tính hơn 3 triệu học sinh Mỹ đã phải bỏ học vì đại dịch và cuộc khủng hoảng này vẫn chưa dừng lại.

Khi dịch Covid-19 bùng phát, Kenya (17 tuổi), học sinh trung học ở Mỹ, phải vật lộn với việc học và chăm sóc 10 cháu trai, cháu gái. Mỗi ngày, khi chuẩn bị đi học, Kenya phải đánh thức các cháu và đảm bảo tất cả đều chuẩn bị sẵn sàng cho việc học online mỗi sáng.

Theo CNN, nữ sinh đang chuẩn bị cho việc tốt nghiệp và thi vào đại học. Nỗi lo lớn nhất của cô là đăng ký vào một cao đẳng cộng đồng hay mạo hiểm thi vào đại học khi không có khoản hỗ trợ nào trong tay.

Nhiều bạn bè, người thân của Kenya cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự. Họ “bị lạc” trong đại dịch vì phải xoay xở với việc học online và hàng loạt khoản tiền khác trong cuộc sống thường ngày.

“Khi tôi gọi cho bạn thân và chị gái để nhắc họ đi học, họ nói bây giờ họ cần tiền để học”, Kenya nói với The NET.

Không chỉ riêng Kenya, nhiều học sinh khác tại Mỹ cũng rơi vào tình trạng tương tự. Các em mệt mỏi vì học online kéo dài. Một số em mất đi người thân, phải vật lộn với cuộc sống thiếu thốn về vật chất lẫn tinh thần. Tình trạng bỏ học do đó cũng tăng lên.

tre bo hoc vi covid-19 anh 1

Trẻ mệt mỏi, bỏ học vì Covid-19. Ảnh: New Canadian Media.

“Mất tích”

Từ tháng 3/2020, hầu hết trường học ở Mỹ phải đóng cửa vì dịch Covid-19 bùng phát mạnh. Các giáo viên buộc phải xây dựng chương trình học trực tuyến để trẻ bắt kịp bài giảng.

Cách học đột ngột thay đổi, trẻ phải tự học và theo dõi bài giảng qua màn hình máy tính, điện thoại. Nhiều em không kịp thích nghi và “chìm” dần trong hệ thống học online. Thậm chí, nhiều em bỏ cuộc hoàn toàn.

Tổ chức nghiên cứu phi lợi nhuận Bellwether Education Partners ước tính khoảng 3 triệu học sinh đã “biến mất’ khỏi hệ thống giáo dục Mỹ kể từ tháng 3/2020. Con số này tương đương dân số trong độ tuổi đi học tại bang Florida.

Trong đại dịch, một số em chuyển qua học tại nhà, hoặc theo đuổi hệ thống giáo dục tư thục. Những trường hợp này vẫn được đánh giá có hy vọng. Tuy nhiên, các chuyên gia giáo dục lo lắng khi hàng trăm nghìn học sinh không được đi học, không được hỗ trợ học online, hay thậm chí bỏ học kể từ khi dịch Covid-19 bùng phát.

Để đưa ra ước tính về số trẻ em “mất tích”, tổ chức Bellwether đã xem xét những đối tượng học sinh được cho là thiệt thòi tại Mỹ, bao gồm: Trẻ được nhận nuôi, vô gia cư, khuyết tật, trẻ nước ngoài đang học tiếng Anh và sinh viên nhập cư.

Hailly Korman, tác giả chính của báo cáo “Missing in the Margins” do Bellwether công bố, cho biết tổ chức đã tham chiếu chéo báo cáo của các địa phương với dữ liệu liên bang. Từ đó, họ ước tính khoảng 1/4 trong số 12,4 triệu học sinh thiệt thòi đã “mất tích” trong đại dịch. Nghĩa là khoảng 3,1 triệu em không đi học trong thời gian bùng phát dịch bệnh. Con số này vẫn đang tăng.

Hiedi, 14 tuổi, từng là một học sinh giỏi tại bang California. Nhưng vào năm học 2020, tức là khi chuẩn bị lên lớp 8, nữ sinh biến mất.

Hiệu trưởng cho biết nhà trường đã cố gắng liên lạc với Hiedi và mẹ nữ sinh nhưng không nhận được hồi âm. Theo nguyên tắc, nếu trong 10 ngày liên tục học sinh không đến lớp, các em sẽ bị gạch tên khỏi trường.

Ban đầu, nhà trường cho rằng Hiedi đã chuyển trường, nhưng đến tháng 5/2021, mẹ nữ sinh liên lạc lại và hỏi nữ sinh có thể đi học lại hay không. Người mẹ cho biết trong suốt năm học 2020-2021, nữ sinh chỉ ở nhà do những ảnh hưởng của Covid-19.

Hiedi mất đi ba người thân vì đại dịch. Hiện, em chỉ còn người thân duy nhất là mẹ. Mẹ của Hiedi bận rộn công việc, không thể chăm sóc và giám sát việc học của con. Cô gái 14 tuổi phải học cách tự nấu ăn và xoay xở với đường truyền mạng chập chờn, không thể truy cập lớp học online.

Năm học vừa qua, Hiedi khó khăn vì không thể kéo bản thân ra khỏi những cảm xúc tiêu cực do dịch Covid-19 mang lại. Em thường xuyên mất ngủ, mệt mỏi. Cuối cùng, Hiedi chọn cách trở lại trường học để vực dậy tâm trạng.

Tuy nhiên, đến năm học 2021-2022, Hiedi lại biến mất một lần nữa. Toàn bộ phương tiện liên lạc của em và gia đình đều bị ngắt kết nối.

“Hiedi là một ví dụ điển hình về những hậu quả đại dịch mang lại. Tôi rất đau lòng”, hiệu trưởng nói.

Kiệt sức

Một báo cáo gần đây của FutureEd, tổ chức tư vấn tại Đại học Georgetown (Mỹ), tiết lộ tình trạng nghỉ học của học sinh, sinh viên Mỹ tăng đột biến trong thời gian đại dịch. Nhiều em đã nghỉ học hơn nửa năm.

Trước tình trạng này, nhiều giáo viên phải đến nhà hoặc gọi điện cho từng học sinh, động viên trẻ đi học. Trong quá trình làm công tác tư tưởng, các giáo viên phát hiện một số học sinh buộc phải nghỉ học vì chăm sóc người thân, hoặc phải làm thêm để giúp gia đình kiếm thêm thu nhập.

Vấn đề phổ biến nhất là trẻ không thể truy cập Internet để học online hoặc không được hỗ trợ học tập. Nhiều em chán nản và trở nên kiệt sức khi phải nhìn vào màn hình máy tính hàng giờ liền để học tập. Chưa kể, áp lực điểm số cũng gia tăng.

Cuộc sống của một cặp song sinh (đã được giấu danh tính) bị đảo lộn hoàn toàn khi các trường chuyển sang học online từ tháng 3/2020. Tất cả hoạt động học tập, việc sinh hoạt câu lạc bộ và kế hoạch dã ngoại của trường đều bị hoãn. Cặp song sinh buộc phải từ bỏ mọi thứ và chỉ quanh quẩn trong nhà.

Người chị gái bắt đầu ép buộc bản thân nhiều hơn và luôn thu mình bên chiếc bàn học nhỏ. Mỗi khi vào lớp online muộn, em luôn cảm thấy căng thẳng nhưng không dám kêu gọi sự giúp đỡ. Trong khi đó, cô em luôn đạt điểm cao dù chỉ học trực tuyến.

Đến mùa xuân năm 2021, người chị tự tử nhưng không thành. Nữ sinh nằm viện hơn 1 tháng, bị ám ảnh tâm lý và quyết định bỏ học. Khi đó, em mới chỉ học lớp 7.

Ngay sau đó, người em cũng bắt chước hành động dại dột của chị gái và phải nhập viện. Nữ sinh thú nhận, khi thấy điểm số giảm dần, em cảm thấy suy sụp, chán nản và muốn từ bỏ.

Trong vòng 4 tháng, cặp song sinh đã nhập viện 2 lần. Gia đình cảm thấy bất lực vì không thể giúp đỡ con gái trong hoàn cảnh này. Nếu trường học vẫn chưa mở cửa, cuộc sống của hai nữ sinh sẽ rơi vào bế tắc.

Isaiah, 13 tuổi, học sinh THCS ở thành phố New York. Em từng là học sinh giỏi, tài năng và được thầy cô yêu quý. Nhưng vào học kỳ mùa thu năm ngoái, Isaiah tự ý bỏ học vì không có ai giám sát. Nam sinh thường xuyên thức đêm, ngủ ngày. Mỗi khi thức dậy, em không thể tập trung học.

Đôi khi Isaiah cố gắng đăng nhập lớp học online. Nhưng do vào muộn, em bị đánh dấu nghỉ học. Một lần khác, em cố tự giải quyết các bài tập ở trường. Nhưng do bỏ lỡ các bài giảng, em không hiểu và không thể hoàn thành bài tập.

Cùng thời điểm đó, mẹ của Isaiah bị sa thải. Những áp lực học tập, kèm theo ảnh hưởng từ gia đình, Isaiah rơi vào khủng hoảng.

“Tôi biết con cần giúp đỡ nhưng không thể làm gì. Vì không có ai giám sát, con tôi gần như đã bỏ cuộc”, bà Sharay, mẹ của Isaiah nói với TODAY Parents.

Ông Benjamin Lev, Hiệu trưởng trường THCS Công lập Hamilton Grange, cho biết nhà trường luôn tìm cách liên lạc với học sinh trong đại dịch. Điều khiến ông lo lắng là tất cả học sinh đều ở nhà, nhưng nhiều em không thể học. Phụ huynh cũng không thể túc trực cạnh trẻ hàng giờ liền để theo dõi con học bài.

Trước tình hình đó, ông Benjamin và ban giám hiệu quyết định cho tất cả học sinh lên lớp, dù các em nghỉ học nhiều ngày. Ông cho biết trọng tâm của năm học 2021-2022 là hỗ trợ sức khỏe tinh thần cho trẻ và giúp các em bắt kịp tiến độ học tập, thay vì chạy đua với điểm số.

“Chúng tôi cảm thấy bản thân phải làm gì đó trong thời gian này. Chúng tôi không thể bắt những đứa trẻ chịu trách nhiệm cho những yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát, đặc biệt là trong thời điểm dịch bệnh như hiện nay”, thầy hiệu trưởng nói.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn