Cung điện và vườn địa đàng Sigiriya, xây dựng thế kỷ V, là dinh thự ngoạn mục vào đầu thời kỳ Trung cổ ở châu Á. Nằm ngay giữa một vết lộ bằng đá 200 m, bao quanh là các khu vườn cầu kỳ, đây là một công trình độc đáo ở vùng đất khô cằn của Sri Lanka.
Toàn bộ khu vực này có diện tích 40 ha, bao gồm thành lũy và hào bao quanh sân ngoài. Từ trong sân có một con đường dẫn xuyên qua khu phức hợp gồm nhiều khu vườn cân đối với bể nước, vòi phun, hồ và đảo có nhà thủy tạ. Sân trong nổi bật trên dải đất bằng, tạo bậc thang. Đây đó là các sảnh đường, hang động và đá cuộn to được trát vữa. Sau cùng, thành lũy nằm trên đỉnh một vết đá lộ thiên, đến được bằng các bậc thang dài, bắt đầu vào một hành lang có trang trí chạy dọc theo mặt vách đá. Từ đây lại dẫn đến một dải đất bằng, tạo bậc thang nằm ở cạnh phía Bắc của tảng đã.
Cổng sư tử. |
Tuy bị xói mòn nhiều nhưng vách đá vẫn mang hình dáng chiếc đầu và móng của một sư tử khổng lồ xây bằng gạch – nguồn gốc tên gọi Sigiriya, có nghĩa là tảng đá sư tử. Muốn vào thành phải đi qua một cầu thang đi xuyên qua miệng sư tử. Thật khó hình dung được bức chân dung nào về uy quyền hoàng gia sinh động hơn thế. Trên đỉnh là các dinh thự, sân chầu và bể nước trên dải đất bằng tạo bậc thang nhân tạo. Trên dải đất ấy là các phòng dành riêng cho hoàng tộc, dù bị thời gian xói mòn 1.500 năm.
Sigiriya chỉ được duy nhất một vương triều sử dụng. Đó là vương triều Kassapa I (473-491). Theo biên niên sử Culavasma, Kassapa giết cha là Dhatusena (455-473), và buộc em trai, hoàng thái tử phải chịu lưu đày. Sử biên niên ghi rằng, Kassapa rời cung điện từ Anuradhapurra (thủ đô truyền thống) về Sigiriya vì sợ người em quay về báo thù. Chắc hẳn Kassapa muốn thiết lập một trung tâm chính trị mới ở Sigiriya thật quy mô và bề thế để không ai đặt vấn đề về vị trí của ông. Sau 18 năm, trong khi Kassapa đang ăn năn hối hận thì em trai của ông là Moggallana trở về. Khi Kassapa mất, hoàng đế mới dời đô về Anuradhapurra, bỏ phế Sigiriya thành rừng rậm.
Hồ chứa nước ở Sigiriya. |
Khu phức hợp ngoạn mục này được xây dựng bằng sự vận dụng khéo léo địa hình địa phương. Vô số sảnh đường và cung điện trong thành lũy và sân trong đều xây dựng bằng đá dăm gneiss nằm ngay vị trí bằng các vách tường xây bằng đá hộc hoặc gạch. Các bức tường này được bảo vệ bằng cách chèn chúng vào các vết cắt theo bậc với các tảng đá và đá cuội kế bên. Việc tạo ra trọng lực cho nước chảy trong vườn mô phỏng theo địa hình của địa phương. Bản thân việc này cũng là một kỳ công của công trình thủy thời trung cổ. Nước mưa trên đỉnh vết đá lộ thiên dồn vào các bể chứa, lượng nước thừa được dẫn xuống phía các khu vực nước nằm bên dưới. Việc vận chuyển nước theo chiều thẳng đứng thông qua các đường ống làm bằng đá vôi, dây kim loại, hoặc dọc theo rãnh khoét vào trong đá cuội, vận chuyển nước theo chiều ngang, sử dụng vữa đất sét nhão. Có các cống điều tiết nước, đường ống cấp nước dẫn qua các ao cao hơn và chảy xuống phía dưới đến các hồ, kênh và vòi nước có đầu phun bằng đá.
Không chỉ là một dinh thự lộng lẫy, Sigiriya còn là thiên đường nơi trần thế. Bằng việc phối hợp các nguồn tư liệu khảo cổ, có thể đồng nhất Sigiriya với Alakamanda, cung điện của thần Kubera trên đỉnh Meru, trung tâm vũ trụ. Ngọn núi sáng đến mức được mệnh danh là tấm gương của trinh nữ nhà trời. Cung điện của Kubera vươn qua dãy Himalaya, bên bờ hồ Anotatta, gần vườn địa đàng Caitraratha. Cung điện được xây dựng bằng đá cẩm thạch. Cư dân nơi đây không có những thói hư tật xấu của loài người.
Tại Sigiriya, những yếu tố này gần như được mô phỏng toàn bộ. Khu tổ hợp thành lũy, lót bằng đá vôi kết tinh, đến bằng cách bước qua các tảng đá cuội trát vữa của sân trong, khiến người ta liên tưởng đến tuyết trên dãy Himalaya, đi dọc theo một hành lang còn gọi là vách gương có hình thần chớp cùng các trinh nữ bồng bềnh trong mây. Theo lời một nhà khảo cổ Sri Lanka là S. Paranavitana, Sigiriya “trở thành một cung điện Alakakamanda thu nhỏ”. Khi cư trú ở đây, Kassapa tuyên bố, chính ông là Kubera nơi trần thế.
(Theo 70 kỳ quan thế giới cổ đại)
Nguồn: Vnexpress.net