Thiêng liêng Tháp cổ Bình Sơn (Vĩnh Phúc)

0
Thiêng liêng Tháp cổ Bình Sơn (Vĩnh Phúc)

Nằm cách trung tâm thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô chưa đầy 1 km, Tháp cổ Bình Sơn là một công tình kiến trúc độc đáo bằng gạch nung được bảo tồn khá nguyên vẹn với những giá trị văn hóa, giá trị nghệ thuật đã và đang trở thành điểm thăm quan, nghiên cứu, học tập, du lịch, thưởng thức của nhiều du khách trong và ngoài nước. Việc trùng tu, tôn tạo, bảo tồn và mở rộng khu di tích đang đặt ra nhiều vấn đề bức thiết nhằm khai thác lợi thế và tiềm năng nhiều mặt cho phát triển văn hóa, du lịch.

Tháp Bình Sơn, thị trấn Tam Sơn, huyện Sông Lô được công nhận di tích Quốc gia đặc biệt năm 2016. Ảnh: Nguyễn Lượng

“Hỡi ai qua bến đò Then/Dừng chân mà ngắm tháp tiên bên đường”, đó là hai câu thơ ca ngợi vẻ đẹp nên thơ của Tháp cổ Bình Sơn – hòn ngọc báu của kho tàng kiến trúc dân tộc, một công trình đạt đỉnh cao về giá trị kiến trúc nghệ thuật còn nguyên vẹn nhất trong số những tháp xưa còn tồn tại đến ngày nay. Mặc dù hiện nay các nhà khoa học không khẳng định chắc chắn niên đại xây dựng, song ít nhất tháp cổ Bình Sơn xuất hiện cách đây hơn nửa thiên niên kỉ. Tháp còn có tên gọi khác là Tháp Then, Tháp chùa Then, Tháp chùa Vĩnh Khánh do được gọi theo tên chùa Then (Vĩnh Khánh tự).

Tháp Bình Sơn là công trình kiến trúc có giá trị cao về lịch sử và nghệ thuật. Tương truyền, tháp có 15 tầng, theo các cụ cao niên kể lại thì trên đỉnh tháp còn có một hình khối búp hoa sen bằng đất nung tạo cho tháp một dáng vẻ thanh thoát, vươn cao. Tuy nhiên, phần chóp của tháp đã bị vỡ, hiện nay, tháp chỉ còn 11 tầng và 1 tầng bệ, chiều cao đo được là 16,5m. Tháp cấu tạo với bình đồ hình vuông nhỏ dần về phía ngọn. Tháp được xây dựng bằng 13.200 viên gạch nung, màu đỏ sậm, rắn chắc như sành gồm hai loại trong đó có một loại hình vuông và một loại hình chữ nhật, đến nay vẫn còn tươi màu gạch non, trải qua hàng trăm năm trên bề mặt tháp vẫn không hề bị rêu phủ. Phần lớn các viên gạch khẩu được cấu trúc có mộng chốt, tạo dáng khớp nhau theo từng lớp, từng tầng bảo đảm liên kết chặt và khả năng chịu lực lớn. Thân của tháp được cấu trúc bằng hai lớp gạch: Gạch khẩu chịu lực có nhiều kích cỡ được sử dụng để xây bệ, xây bên trong tháp và giật cấp làm mái phân tầng. Trong lòng tháp là một khoảng rỗng suốt từ chân tháp lên đến ngọn. Mặt ngoài ở các tầng tháp được ốp gạch mịn mặt, màu vàng sậm, hoa văn trang trí và đường nét rất tinh xảo, hài hoà tạo thành khối kiến trúc hoàn hảo ở mọi góc độ.

Nghiên cứu khoa học về Tháp cổ Bình Sơn cho thấy, các nghệ nhân khi xây dựng tháp đã dựa vào tầm nhìn của người chiêm ngưỡng để trang trí hoa văn tinh xảo, tỉ mỉ hay đơn giản. Đẹp nhất từ bệ tháp đến hết tầng 2 của tháp. 2 tầng này có các họa tiết trang trí kỹ lưỡng, phức tạp; nổi bật nhất là những hàng hoa cúc, cánh sen, lá đề, hoa mặt nhẫn, rồng chạm nổi cùng mô típ sư tử hí cầu… Những tầng trên được trang trí thưa dần, hình dáng cũng đơn giản hơn như hoa chanh, lá sòi… Tất cả các viên gạch đều có ngoàm ở ngoài, có mộng ở trong. Các viên gạch giáp nhau đều có mộng én và đổ chì câu viên nọ vào viên kia để tạo thành một khối vững chắc, mỗi lần xây một tầng lại có một mực thước khác nhau. Trên các viên gạch có rất nhiều loại hoa văn trang trí. Loại dập khuôn dán hình vào gạch trước khi nung (rồng tháp). Loại in thẳng vào đất (hoa văn dấu phẩy), lấy dao tre vạch vào đất và gọt sửa như thợ chạm… Tiêu biểu như họa tiết con rồng thời Lý mình trơn, uốn khúc trong một hình tròn, đầu ở chính giữa trông thật mềm mại. Trên những viên gạch xây quanh tháp cũng có nhiều hoa văn, họa tiết trang trí khác nhau, chỗ cánh sen úp, cánh sen ngửa, trên cánh sen có hình quả trám nổi, xung quanh quả trám có những đường gân nổi bật, chỗ hình tròn, chỗ lượn vòng , chỗ sâu, chỗ nông, chỗ đậm, chỗ mờ… chứng tỏ bàn tay người thợ vô cùng điêu luyện.

Khu di tích Tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh không chỉ có giá trị lớn về lịch sử, văn hóa, tôn giáo, tín ngưỡng mà còn có tiềm năng phát triển du lịch. Trước đây, người dân địa phương tổ chức 2 ngày lễ chính trong năm là ngày mùng 4 tháng Giêng là ngày khai hạ và ngày mùng 1 tháng 2 Âm lịch. Hiện nay, nhân dân địa phương tổ chức lễ hội vào ngày 15 tháng Giêng hàng năm, gọi là “Lễ hội chùa tháp”, thu hút đông đảo du khách thập phương đến tham quan, vãn cảnh chùa.

Đồng chí Đỗ Mạnh Hà, Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin huyện Sông Lô cho biết: Tháp cổ Bình Sơn được bảo tồn khá nguyên vẹn như hiện nay là minh chứng cho sự tồn tại lâu đời và các giá trị vốn có của di tích. Việc đầu tư tu bổ, tôn tạo, mở rộng, phục dựng một số công trình phụ trợ là việc làm quan trọng, cần thiết nhằm giáo dục truyền thống dân tộc và các giá trị lịch sử cho thế hệ mai sau. Năm 2014, Dự án đầu tư tu bổ, tôn tạo Khu di tích tháp Bình Sơn – chùa Vĩnh Khánh được thực hiện dựa trên nguyên tắc bảo tồn nguyên trạng yếu tố gốc của di tích, trong đó lấy tháp Bình Sơn làm trung tâm. Diện tích khu vực khoanh vùng bảo vệ di tích hiện nay là 17.200 m2. Đặc biệt, năm 2016, tháp cổ Bình Sơn được xếp hạng là Di tích quốc gia đặc biệt, UBND huyện Sông Lô đã giao Phòng Văn hóa và thông tin huyện phối hợp với thị trấn Tam Sơn kiện toàn Ban quản lý di tích tháp cổ Bình Sơn. Hiện nay, di tích đã được đầu tư 4 tỷ đồng để xây dựng các hạng mục: Xây mới cổng Tam Quan, sân lễ hội, sân để xe, đường Nhất Chính Đạo, lát xung quanh chân tháp bằng gạch bát tràng, cùng các hạng mục khác… Cùng với đó, UBND huyện đầu tư hệ thống pano, áp phích tuyên truyền, in ấn tài liệu; khắc 1 tấm bia đá giới thiệu tổng quan giá trị lịch sử văn hóa của di tích…

Việc tu bổ, tôn tạo phát huy giá trị khu di tích tháp cổ Bình Sơn không chỉ mang ý nghĩa giáo dục truyền thống, lòng yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho các tầng lớp nhân dân, mà còn mang tính nhân văn to lớn, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với việc gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. Trong tương lai, tháp Bình Sơn sẽ trở thành một địa danh văn hóa, du lịch, đáp ứng các nhu cầu nghỉ ngơi giải trí, nghiên cứu khoa học, tổ chức các hoạt động văn hóa, tinh thần của nhân dân trong vùng cũng như du khách thập phương.

Thu Nhàn

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn