Những cái tên đại diện cho mô hình đa cấp BitcoinDeFi như Phạm Tuấn, Mai Thế Tùng… hiện đã xóa các bài quảng cáo và biến mất khỏi Facebook.
Ít ngày sau khi BitcoinDeFi ký kết bổ nhiệm Phạm Tuấn, người thân cận với Khá “Bảnh” làm đại diện chi nhánh miền Bắc, nhân vật này cùng các thủ lĩnh đã biến mất, nhà đầu tư không thể liên lạc. Sau sự kiện trên, Phạm Tuấn bị nhiều nhà đầu tư tố lừa đảo ở các dự án trước BitcoinDefi.
Trước đó, một bài đăng của nhà đầu tư các thành viên hội nhóm về tiền số cho rằng Phạm Tuấn yêu cầu người chơi sàn WolfBroker trước đây phải mua đồng BTCDeFi nếu không muốn mất số tiền đầu tư từ sàn cũ. Đồng thời, nhà đầu tư phải đóng 30% khoản phí dựa trên tổng vốn cho Tuấn. WolfBroker là một sàn đa cấp nhị phân, có cách chơi tương tự tài xỉu.
Nói với Zing, M.Q, một nhà đầu tư ở Cà Mau, cho biết sẽ tố cáo Phạm Tuấn và các thủ lĩnh BitcoinDefi lên cơ quan chức năng.
Ngay sau bài đăng trên, ngày 23/7, trang Facebook cá nhân của Phạm Tuấn đã khóa. Điều này khiến nhiều nhà đầu tư hoảng loạn khi mất liên lạc với “thủ lĩnh” của dự án BitcoinDeFi.
Đồng thời, DJ Tommy (tức Mai Thế Tùng), người từng cùng Phạm Tuấn hứa hẹn đồng tiền mã hóa BTCDeFi sẽ tăng phi mã, đã xóa toàn bộ bài đăng quảng cáo về dự án đa cấp này. Hiện nhiều nhà đầu tư đã tràn vào trang Facebook của dự án BitcoinDeFi để chửi bới Mai Thế Tùng.
Trong khi đó, Hoàng Đức Nhân, người được biết đến với biệt danh “Hoàng Tử Gió” cũng có những động thái tương tự. Nhân đã xóa bài đăng quảng cáo về BitcoinDeFi trên Facebook. Ngoài ra, nhiều leader (trưởng nhóm nhà đầu tư) cũng đồng loạt xóa bỏ hình ảnh, bài mời gọi đầu tư liên quan đến dự án BitcoinDefi.
Phạm Tuấn trở thành đại diện chi nhánh BitcoinDeFi ngày 5/7, vẽ ra viễn cảnh cho nhà đầu tư, sau đó biến mất. |
Ngày 5/7, Phạm Tuấn, sống tại Bắc Ninh, người được biết đến là đàn em Khá “Bảnh” (tức Ngô Bá Khá), trở thành “chi nhánh miền Bắc của BitcoinDeFi”. Đây là mô hình đa cấp, trả lãi theo nhiều tầng, núp bóng dưới hình thức đầu tư tài sản kỹ thuật số.
Năm 2018, Phạm Tuấn thường xuyên tham gia những hoạt động giang hồ mạng cùng Khá “Bảnh” như livestream chửi bới, dọa nạt người xem, đốt xe… Sau khi Ngô Bá Khá bị bắt, Tuấn khóa kênh YouTube, chuyển sang kinh doanh tương tác ảo trên nền tảng Facebook.
Sau khi Khá “Bảnh” chịu án tù, Phạm Tuấn chuyển sang tham gia các mô hình đa cấp tiền số.
Phạm Tuấn từng đăng tải nội dung chào mời nhiều nhà đầu tư tham gia Wefinex, một hệ thống cá cược quyền chọn nhị phân từng bị Công an TP.HCM cảnh báo lừa đảo.
Theo website của Bộ Công thương, BitcoinDeFi cũng không có tên trong danh sách công ty đa cấp được cấp phép tại Việt Nam.
Nguồn: News.zing.vn