Hành trình khẳng định tên tuổi ở nước Anh của Ali Al-Habsi được xem như niềm cảm hứng cho nhiều cầu thủ đến từ các nền bóng đá trung bình ở châu Á.
Chuyên gia
Từ một ngôi làng ở Oman xa xôi, nơi những chú lạc đà đi lang thang, đến việc đứng trong khung thành Wigan ở Premier League, Ali Al-Habsi trải qua một chặng đường dài. Anh là cầu thủ vĩ đại nhất bóng đá Oman với 111 lần ra sân ở Premier League.
Hành trình đến với nước Anh của Al-Habsi không hề dễ dàng. Và thủ thành này sẽ chẳng thể làm điều đó nếu không có John Burridge, người thầy và ân nhân của mình.
Trong bài phỏng vấn với Zing, ông Burridge, cựu thủ môn Manchester City, tin sự nghiệp thành công của Al-Habsi tại Premier League là tấm gương để nhiều cầu thủ châu Á khác nỗ lực.
Cựu thủ môn Man City, John Burridge dành cho Zing buổi trả lời phỏng vấn về hành trình ông đưa Al-Habsi đến Premier League thi đấu. |
‘Oman là quốc gia nào thế?’
Burridge có hơn ba thập niên thi đấu ở bóng đá Anh, cho nhiều CLB khác nhau như Aston Villa, Newcastle, Palace hay Man City. Sau khi giải nghệ, ông chuyển sang làm HLV thủ môn và có giai đoạn làm việc ở ĐTQG Oman. Tại đây, ông phát hiện tài năng của Al-Habsi và đóng vai trò quan trọng để đưa cầu thủ này đến Anh thi đấu.
“Khi tôi nói có một cầu thủ tốt từ Oman, nhiều tay đại diện và ban lãnh đạo đội bóng trợn tròn mắt”, ông Burridge nhớ lại khởi đầu của mình với Al-Habsi. “Nhiều người hỏi tôi: ‘Oman là quốc gia ở đâu thế? Tôi phải giải thích quốc gia đó gần Dubai'”.
Al-Habsi là cầu thủ Oman đầu tiên ra sân ở Premier League. Sự hiện diện của thủ môn sinh năm 1981 tại xứ sương mù đánh dấu cột mốc quan trọng cho bóng đá Oman. Nền bóng đá nước này chưa bao giờ được xếp vào “chiếu trên” ở châu Á.
Al-Habsi từng nói rằng sau thánh Allah, Burridge chính là người có ảnh hưởng lớn nhất đến sự nghiệp bóng đá của anh. Người từng huấn luyện Paul Robinson (thủ môn tuyển Anh – PV) không chỉ dạy Al-Habsi những bài học trong khung gỗ, mà còn đóng vai trò quan trọng giúp cầu thủ người Oman thực hiện giấc mơ chơi bóng ở Premier League.
“Tôi biết tiềm năng của Al-Habsi và tin rằng cậu ấy sẽ thành công”, Burridge nói. “Nhưng để thuyết phục HLV và các tay làm bóng đá ở Anh không phải là chuyện đơn giản. Họ cứ liên tục hỏi tôi: ‘Oman là quốc gia nào thế, nó ở đâu'”.
Burridge phát hiện ra tài năng của Al-Habsi khi thủ môn này đang tập bắt penalty cho đội U17 Oman. Khi ấy, Al-Habsi mới 17 tuổi và thậm chí chỉ chuyển sang làm thủ môn được có vài tháng.
HLV thủ môn người Anh (Burridge – PV) đề nghị cho Al-Habsi tập cùng đội một. Chỉ sau thời gian ngắn, ông Burridge nhận thấy cậu học trò trẻ tuổi rất có tiềm năng. Ông tin rằng Al-Habsi có thể tỏa sáng tại châu Âu.
Nhưng để đưa một cầu thủ trẻ từ châu Á đến Premier League chơi bóng không dễ dàng. Nhất là khi Al-Habsi là người Oman, quốc gia mà trình độ bóng đá còn kém Saudi Arabia, Hàn Quốc hay Nhật Bản.
Burridge bảo với Al-Habsi hãy tiếp tục tập luyện chăm chỉ và một ngày nào đó ông sẽ đưa anh đến Premier League chơi bóng. Thoạt đầu, Al-Habsi nghĩ ông thầy mình đang nói đùa.
Nhưng chỉ hơn nửa thập niên sau, lời hứa của Burridge thành sự thật. Ở tuổi 22, Al-Habsi ký hợp đồng với Lyn Oslo, đội bóng chơi ở giải hạng Ba Na Uy. Lúc đó, Burridge vẫn giữ quan điểm cậu học trò có thể trụ lại châu Âu.
Giấy phép lao động
Giấy phép lao động (Work Permit) tại Anh cũng là vấn đề khác, khiến hành trình để chơi bóng tại Premier League của Al-Habsi gặp nhiều trở ngại. Theo luật ở thời điểm ấy, các cầu thủ ngoài EU muốn thi đấu tại Anh cần giấy phép lao động. Để có giấy phép này, một cầu thủ phải được chính quyền Anh đánh giá đủ khả năng đến thi đấu tại xứ sương mù.
Nếu thi đấu 75% số trận của một ĐTQG trong top 50 trên BXH FIFA trong vòng 12 tháng, cầu thủ sẽ được cấp giấy phép lao động (tại Anh – PV). Nếu không có điều kiện trên, CLB chủ quản có thể vào cuộc và hỗ trợ.
Song, để làm được điều này, đội bóng phải chứng minh được đó là cầu thủ đủ chất lượng để thi đấu tại Premier League, hoặc gương mặt này có nhiều tiềm năng để trở thành một cầu thủ giỏi.
Burridge cho rằng quy định giấy phép lao động của bóng đá Anh là “nhảm nhí”. “Người ta không thể từ chối một cầu thủ khi chưa chứng kiến cậu ta chơi bóng”, cựu cầu thủ Man City phân tích.
Nhưng giấy phép lao động chưa phải rào cản lớn nhất cản trở Al-Habsi. Những chuyến thử việc sau đó của thủ môn người Oman ở nhiều CLB còn gian nan hơn.
Al-Habsi là một trong những người hùng giúp Wigan vô địch FA Cup mùa 2012/13. Ảnh: Reuters. |
Chuyến thử việc ở Manchester United
Burridge cất công đưa thủ môn cao 1,94 m đến thử việc ở nhiều CLB hàng đầu nước Anh. Một trong số đó là Manchester United. Thế nhưng, hai thầy trò nhận gáo nước lạnh lớn ở trung tâm Carrington.
Burridge liên hệ với Sir Alex Ferguson và Manchester United về trường hợp của Al-Habsi. Câu trả lời mà ông nhận qua điện thoại từ HLV huyền thoại của Premier League khá phũ phàng.
Burridge nhớ lại lời Sir Alex: “Anh bị điên à? Tay thủ môn đó có thể đủ tốt với anh, nhưng không thể với chúng tôi. Mà cậu ta đến từ đâu đấy? Oman à? Khi tôi liên hệ với Man City, vấn đề cũng tương tự”.
Tuy nhiên, sau cùng thì Al-Habsi cũng có hai tuần tập luyện tại Manchester United. Thủ môn trẻ này nhanh chóng nhận ra thực tế khốc liệt của Premier League, ngay cả trong các buổi tập.
Al-Habsi nhận một cú thúc cùi chỏ vào ngay giữa mặt từ Ruud Van Nistelrooy trong buổi tập. Burridge phải làm công tác tư tưởng cho cậu học trò. May thay, Al-Habsi không từ bỏ. “Bạn có thể dạy kỹ thuật, nhưng không thể dạy tâm lý thi đấu”, Burridge khen Al-Habsi.
Thời điểm đó, để một cầu thủ trẻ đến từ quốc gia vô danh được cấp giấy phép lao động tại Anh không dễ dàng. Ngoài bản hợp đồng và sự đảm bảo của CLB chủ quản, cầu thủ ấy còn cần lời chứng nhận từ hai cựu cầu thủ khác. Burridge là một trong số hai người được gửi gắm.
Một trong những câu hỏi người ta đặt ra và bắt Burridge phải trả lời, đó là tại sao người Anh phải cấp giấy phép lao động cho Al-Habsi. “Tôi ghét cái quy định đó vì nó ngăn cản những cầu thủ có năng lực và khao khát vươn lên đỉnh cao”, cựu thủ môn người Anh nói.
Ông Burridge chia sẻ thêm: “Nếu tôi nhận lời đề nghị từ một cầu thủ Việt Nam, chắc chắn tôi sẽ xem xét nó kỹ lưỡng. Các chuyên gia bóng đá, tuyển trạch viên hay HLV không phải là những kẻ ngốc. Họ biết năng lực của cầu thủ khi nhìn họ thể hiện trên sân tập”.
Sam Allardyce, HLV trưởng Bolton khi đó đánh giá Al-Habsi có tiềm năng và sẵn sàng ký hợp đồng với cầu thủ người Oman. Tuy nhiên, Burridge không thể xin giấy phép lao động cho học trò.
Burridge tính đến phương án để Al-Habsi đến Bồ Đào Nha hay Pháp chơi bóng. Nhưng “Big Sam” (biệt danh của Sam Allardyce – PV) đề xuất hãy để cầu thủ này đến Na Uy. LĐBĐ Oman ban đầu không hào hứng với ý tưởng đó. Nhưng cá nhân Al-Habsi hiểu anh phải kiên nhẫn.
Thủ môn trẻ này mất 3 năm chơi bóng tại giải hạng Ba Na Uy trước khi được “Big Sam” chiêu mộ về Bolton vào tháng 1/2006. Phần còn lại, như người ta hay nói, trở thành lịch sử.
Al-Habsi ra sân hơn 111 trận tại Premier League, trở thành cầu thủ Oman đầu tiên ghi dấu ấn tại hạng đấu cao nhất nước Anh. Mùa 2010/11, anh được bầu là cầu thủ hay nhất Wigan. Al-Habsi thậm chí vô địch FA Cup năm 2013 và có thể được coi như một trong những thủ môn châu Á hay nhất từng thi đấu tại Premier League.
Al-Habsi là cầu thủ vĩ đại nhất của bóng đá Oman. Ảnh: Reuters. |
Bài học cho các cầu thủ trẻ
Burridge từng làm việc và thi đấu cho hơn 30 CLB bóng đá khác nhau trên thế giới, huấn luyện ba thủ môn tuyển Anh như Tim Flowers, Nigel Martyn và Paul Robinson. Tuy nhiên, Al-Habsi có lẽ là niềm tự hào lớn nhất trong sự nghiệp huấn luyện của Burridge.
Hiện tại, cựu thủ thành Man City sống tại Oman, tham gia vào những công việc phát triển bóng đá. Ông vẫn giữ tham vọng đưa nhiều cầu thủ châu Á sang Anh.
“Oman cũng giống như Việt Nam, những quốc gia có nền bóng đá không phát triển nếu chiếu theo bảng xếp hạng của FIFA”, ông Burridge phân tích.
“Nhưng không ai có thể nói Oman hay Việt Nam sẽ không bao giờ có những cầu thủ đủ tốt trong tương lai để chơi tại Premier League. Nếu bạn đủ tốt, bạn có thể thi đấu thay vì bị cản trở bởi những quy định kiểu như giấy phép lao động”. Burridge khẳng định.
“Ở Đông Nam Á có những cầu thủ nhiều tiềm năng. Tương tự ở Venezuela hay Mexico. Tôi từng dạy các cầu thủ ở những quốc gia này rằng nếu bạn muốn đến Anh thi đấu, hãy tự tin vào chính mình, và bỏ qua những e ngại kiểu như sơ đồ hay chiến thuật thi đấu. Những màn trình diễn trên sân của bạn có thể xóa nhòa mọi rào cản về ngôn ngữ hay xuất thân”, HLV thủ môn này nói.
Tất nhiên, để có thể trụ lại môi trường Premier League, nỗ lực làm việc chăm chỉ là yếu tố tiên quyết. Trường hợp của Al-Habsi là ví dụ. Anh không ngại việc phải chơi ở giải hạng đấu hạng Ba tại Na Uy, trước khi có thể hoàn thành mục tiêu lớn nhất.
“Tôi nghĩ rằng nếu mình làm được ở Na Uy, một ngày nào đó tôi sẽ đến Premier League”, thủ môn người Oman nói. “Tôi nỗ lực tập luyện chăm chỉ hơn và tập trung trong từng buổi tập”.
Ông Burridge rất tự hào về cậu học trò của mình. Nhiều HLV và chuyên gia bóng đá Oman từng không muốn Al-Habsi đến giải hạng Ba Na Uy chơi bóng, nhưng HLV thủ môn người Anh rất kiên quyết.
Ngay cả khi Al-Habsi được Bolton ký hợp đồng, anh phải chờ đến hai năm mới có thể ra sân bắt trận đầu tiên. Không có quả ngọt nào cho người thiếu nỗ lực và kiên nhẫn.
“Tôi mong sẽ có nhiều cầu thủ từ Việt Nam đến Premier League chơi bóng”, ông Burridge chia sẻ. “Nền bóng đá của các bạn không hề thua kém Oman, nhưng các cầu thủ và những bên liên quan phải nỗ lực rất nhiều để đạt được điều đó”.
Nguồn: News.zing.vn