Thủ tướng Ethiopia ra chiến trường chống lại lực lượng thiểu số

0
Thủ tướng Ethiopia ra chiến trường chống lại lực lượng thiểu số

Kênh truyền hình nhà nước Ethiopia phát sóng đoạn phim cho thấy Thủ tướng Abiy Ahmed có mặt tại chiến trường sau khi ông tuyên bố chỉ huy chiến dịch chống lại lực lượng Tigray.

Mặc quân phục, Thủ tướng Abiy Ahmed tuyên bố trong đoạn phim rằng cuộc chiến “đang được tiến hành với nhiều khả năng giành thắng lợi” và đề cập đến các địa điểm giữa vùng Amhara và Afar, Guardian đưa tin hôm 26/11.

Những địa điểm này nằm giáp ranh khu vực Tigray, nơi cuộc chiến giữa quân đội chính phủ và tổ chức Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray (TPLF) – lực lượng nắm quyền ở khu vực này trước đây – đang diễn ra.

Vào cuối ngày 26/11, chính phủ Ethiopia đã ban hành lệnh hạn chế phương tiện truyền thông đưa tin về cuộc chiến, cấm chia sẻ thông tin không chính thức về “các hoạt động liên quan đến quân đội, cũng như tình hình và kết quả trên chiến trường”.

Lực lượng an ninh sẽ “thực hiện các biện pháp” chống lại những người vi phạm mà không cần giải thích, tuyên bố cho biết.

Thu tuong Ethiopia ra chien truong anh 1

Thủ tướng Ethiopia Abiy Ahmed (bên phải) từng đạt giải Nobel Hòa bình năm 2019. Ảnh: AP.

Hàng chục nghìn người đã thiệt mạng trong cuộc chiến nổ ra vào tháng 11/2020 giữa quân đội chính phủ và các lực lượng trung thành với TPLF. Chính phủ đã ban bố tình trạng khẩn cấp trong tháng 11 khi phiến quân Tigray tuyên bố đang tiến gần thủ đô Addis Ababa.

Mỹ và nhiều nước khác đã yêu cầu công dân của mình rời khỏi khu vực này ngay lập tức, trong khi quân đội Ethiopia hôm 5/11 kêu gọi các binh lính đã xuất ngũ tái gia nhập.

Hàng nghìn người đã thiệt mạng trong các cuộc xung đột ở khu vực Tigray. Bên cạnh đó, hàng trăm nghìn người khác cũng buộc phải rời bỏ nhà cửa và xin tị nạn ở các khu vực lân cận. Lực lượng quân đội Eritrea – bị cáo buộc gây ra các vụ thảm sát – đã giúp quân đội chính phủ Ethiopia chống lại TPLF.

Tại đây, bạo lực tình dục đang được sử dụng như một thứ vũ khí chiến tranh, các bé gái từ 8 tuổi trở thành mục tiêu bị nhắm tới và một số phụ nữ phải chịu sự hành hung và cưỡng hiếp tập thể trong vài ngày.

Theo Guardian, cho đến nay, các nỗ lực hòa giải của Mỹ và Liên minh châu Phi trong việc kêu gọi một lệnh ngừng bắn hầu như không đạt được tiến triển.

Cuộc giao tranh ở Ethiopia đã tạo ra một cuộc khủng hoảng nhân đạo lớn ở quốc gia đông dân thứ hai châu Phi. Liên Hợp Quốc cho biết có tới hàng triệu người tại các khu vực Tigray, Amhara và Afar – những nơi khó tiếp cận ở Ethiopia – cần được hỗ trợ nhân đạo.

“9,4 triệu người đang sống trong cơn ác mộng tồi tệ nhất của họ” ở miền Bắc Ethiopia, phát ngôn viên Chương trình Lương thực Thế giới Tomson Phiri cho biết.

Thủ tướng Abiy Ahmed từng được trao giải Nobel Hòa bình 2019 vì những đóng góp trong việc chấm dứt bế tắc 20 năm giữa Ethiopia và Eritrea, mở ra chương mới bình thường hóa quan hệ giữa hai nước láng giềng này sau 20 năm thù địch.

Xung đột ở Ethiopia nổ ra khi ông Abiy Ahmed đưa quân vào vùng Tigray để lật đổ lực lượng đại diện cho nhóm sắc tộc thiểu số chiếm chỉ khoảng 6% dân số ở miền Bắc Ethiopia. Tuy nhiên, Mặt trận Giải phóng Nhân dân Tigray đã phản chiến và chiếm lại hầu hết khu vực này.

Nguồn: News.zing.vn