Ngân hàng Nhà nước là đơn vị được giao nhiệm vụ nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain trong giai đoạn 2021-2023.
Đây là một trong những nội dung quan trọng tại Quyết định 942 mới được ban hành của Thủ tướng về phê duyệt chiến lược phát triển Chính phủ điện tử hướng tới Chính phủ số giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.
Theo đó, một trong những nhiệm vụ trọng tâm mà Thủ tướng giao cho các bộ, ngành, địa phương giai đoạn này là phát triển dữ liệu, ứng dụng và dịch vụ số.
Đặc biệt, Thủ tướng yêu cầu các đơn vị liên quan ứng dụng mạnh mẽ, hiệu quả các công nghệ số mới như điện toán đám mây (cloud computing), dữ liệu lớn (big data), di động (mobility), Internet vạn vật (IoT), trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain, mạng xã hội… trong xây dựng, triển khai các ứng dụng, dịch vụ Chính phủ số tại bộ, ngành, địa phương để tiết kiệm thời gian, chi phí xây dựng, vận hành các hệ thống thông tin và tự động hóa, thông minh hóa, tối ưu hóa các quy trình xử lý công việc.
Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, phát triển, làm chủ các công nghệ lõi. Trong đó, lựa chọn ưu tiên, đẩy mạnh phong trào nghiên cứu một số công nghệ cốt lõi mà Việt Nam có lợi thế, có khả năng tạo bứt phá mạnh mẽ như QR code, trí tuệ nhân tạo (AI), blockchain và thực tế ảo/thực tế tăng cường (VR/AR), dữ liệu lớn (big data)…
Ngân hàng Nhà nước được yêu cầu nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền ảo giai đoạn 2021-2023. Ảnh: Xuân Tiến. |
Đặc biệt, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước là cơ quan chủ trì thực hiện nghiên cứu, xây dựng và thí điểm sử dụng tiền kỹ thuật số dựa trên công nghệ blockchain, thời gian thực hiện trong giai đoạn 2021-2023.
Trước đó, Bộ Tài chính là cơ quan được giao nghiên cứu và đã thành lập Tổ nghiên cứu về tài sản kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số theo Quyết định số 664/QĐ-BTC ngày 24/4/2020 để triển khai công tác nghiên cứu, đề xuất các nội dung chính sách, cơ chế quản lý theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Tài chính có liên quan đến tài sản kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số.
Theo cơ quan quản lý tài chính, hiện tổ nghiên cứu đã triển khai công tác nghiên cứu về tài sản kỹ thuật số, tiền kỹ thuật số cũng như kinh nghiệm quốc tế trong hoạt động quản lý, giám sát liên quan.
Tuy vậy, Bộ Tài chính đã nhiều lần cảnh báo người dân về rủi ro, nguy cơ và hệ lụy của việc tham gia mua bán, giao dịch, đầu tư, kinh doanh tài sản kỹ thuật số, tiền mã hóa trong bối cảnh Việt Nam chưa có hàng lang pháp lý với các giao dịch này.
Bộ Tài chính nhấn mạnh, hiện chỉ có Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM và Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội được phép tổ chức thị trường giao dịch chứng khoán tại Việt Nam. Trong khi đó, theo luật chứng khoán, tiền mã hóa không phải là một loại chứng khoán.
Việt Nam chưa có quy định pháp lý điều chỉnh hoạt động phát hành, mua bán, trao đổi tiền mã hóa, tài sản kỹ thuật số, đồng thời cũng chưa quy định đơn vị chính thức quản lý việc phát hành và giao dịch các đồng tiền mã hóa, tài sản kỹ thuật số.
Do đó, Bộ Tài chính và Ủy ban Chứng khoán khuyến cáo người dân, nhà đầu tư cẩn trọng khi tham gia đầu tư vào tiền mã hóa, tài sản kỹ thuật số để hạn chế những tổn thất có thể xảy ra.
Nguồn: News.zing.vn