Với sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, Hội nghị COP26 được kỳ vọng sẽ mở ra trang mới trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu.
Sáng 31/10, Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Hà Nội, lên đường dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về Biến đối khí hậu (COP26), thăm làm việc tại Vương quốc Anh và thăm chính thức Cộng hòa Pháp từ ngày 31/10 đến 5/11 theo lời mời của Thủ tướng Vương quốc Anh Boris Johnson và Thủ tướng Cộng hòa Pháp Jean Castex.
Dự kiến 7h sáng 31/10 giờ địa phương (14h ngày 31/10 giờ Việt Nam) đoàn đại biểu Việt Nam sẽ tới Vương quốc Anh.
Tham gia đoàn công tác có Bộ trưởng Công an Tô Lâm; Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn; Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà; Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên; Bộ trưởng Tư Pháp Lê Thành Long; Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan; Thứ trưởng Bộ Quốc Phòng Hoàng Xuân Chiến, cùng đại diện lãnh đạo Văn phòng Chính phủ và các cơ quan.
COP là hội nghị các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu, được tổ chức thường niên để rà soát quá trình thực hiện Công ước và đưa ra các quyết định quan trọng nhằm bảo đảm thực hiện hiệu quả các điều khoản của Công ước.
Do tác động của dịch Covid-19, Hội nghị lần thứ 26 (COP26) đã bị hoãn một năm (từ tháng 11/2020 đến 11/2021).
Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tham dự Hội nghị lần thứ 26 các bên tham gia Công ước khung của Liên Hợp Quốc về Biến đổi khí hậu (COP26). Ảnh: VGP. |
Với khoảng 30.000 đại biểu, trong đó có sự tham dự trực tiếp của hơn 120 nguyên thủ quốc gia và thủ tướng, Hội nghị COP26 được kỳ vọng mở ra trang mới trong nỗ lực toàn cầu ứng phó với biến đổi khí hậu. Một trong những mục tiêu của hội nghị là huy động đủ 100 tỷ USD mỗi năm để tài trợ cho hoạt động ứng phó biến đổi khí hậu tại các nước đang phát triển.
Thỏa thuận Paris được toàn thế giới thông qua vào tháng 12/2015. Đây là văn bản pháp lý toàn cầu đầu tiên ràng buộc trách nhiệm của tất cả quốc gia trong vấn đề thích ứng biến đổi khí hậu, giảm nhẹ phát thải khí nhà kính, tăng cường năng lực và cung cấp tài chính hỗ trợ cho ứng phó biến đổi khí hậu toàn cầu.
Các nước có 5 năm chuẩn bị để cùng triển khai từ năm 2021 và tại Hội nghị COP 26 lần này, các quốc gia sẽ cùng kiểm điểm tất cả kế hoạch, hành động từ năm 2015 đến nay xem còn thiếu gì về quy định cũng như nguồn lực để ứng phó biến đổi khí hậu.
Theo Đại sứ Vương quốc Anh tại Việt Nam, ông Gareth Ward, việc Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự Hội nghị COP26 khẳng định quyết tâm của Việt Nam ứng phó với biến đổi khí hậu, giảm phát thải, chuyển đổi sang nền kinh tế xanh, tuần hoàn, thể hiện trách nhiệm của Việt Nam đối với nỗ lực chung để giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Thực tế thời gian qua, Việt Nam đã thể hiện mạnh mẽ sự trách nhiệm, chủ động, tích cực trong tham gia xử lý thách thức chung toàn cầu về biến đổi khí hậu và đây cũng là dịp để cộng đồng quốc tế hiểu rõ hơn về chủ trương, quyết tâm, nỗ lực cũng như khó khăn, thách thức của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam sẽ dự COP26, thăm làm việc tại Anh từ ngày 31/10 đến 3/11 và sau đó thăm chính thức Cộng hòa Pháp ngày 3-5/11.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn