“Không chủ quan trước đại dịch nhưng ta đã có kinh nghiệm, thuốc và vaccine nên có thể tự tin hơn”, Thủ tướng chia sẻ với kiều bào ở Nhật Bản.
Kiến nghị sớm mở lại các đường bay quốc tế được đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản nêu ra trong cuộc gặp gỡ với Thủ tướng Phạm Minh Chính chiều 23/11, theo giờ địa phương.
Đại diện Hiệp hội doanh nghiệp Việt Nam tại Nhật Bản nhận định những năm gần đây, với nền kinh tế phát triển mạnh, Việt Nam là điểm đến hấp dẫn của nhà đầu tư nước ngoài. Nhiều hiệp định thương mại quan trọng được ký kết là cơ hội lớn cho doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam, mang theo công nghệ hiện đại.
Không chủ quan nhưng chống dịch với tư duy mới
Trả lời kiến nghị của kiều bào, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã giao bộ, ngành liên quan xem xét mở lại đường bay quốc tế một cách bình thường.
Theo người đứng đầu Chính phủ, chúng ta đã có kinh nghiệm ứng phó với Covid-19, có vaccine và thuốc điều trị nên có thể tự tin bình thường hóa với Covid-19, chấp nhận Covid-19 như một dịch bệnh bình thường để có giải pháp thích ứng an toàn, linh hoạt.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết đã chỉ đạo bộ, ngành xem xét sớm mở lại đường bay quốc tế với các nước, trong đó có Nhật Bản. Ảnh: Hoài Thu. |
Khẳng định phục hồi kinh tế là vấn đề cần bàn đến, Thủ tướng nhắc lại đã chỉ đạo sớm xem xét mở lại đường bay quốc tế với các nước, trong đó có Nhật Bản.
“Chúng ta không chủ quan. Ta chống dịch với tư duy, phương pháp mới, vừa chống dịch tốt vừa phát triển kinh tế – xã hội hiệu quả”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Quay trở lại chia sẻ với bà con kiều bào, người đứng đầu Chính phủ Việt Nam nhắc lại lịch sử chiến tranh của đất nước.
Dù đương đầu với vô vàn khó khăn, Thủ tướng khẳng định chúng ta đã giành nhiều thành tựu to lớn và có ý nghĩa lịch sử. Như Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nói, “đất nước ta chưa bao giờ có cơ đồ, vị thế, tiềm lực, uy tín như ngày nay”.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 gây nhiều tác động tiêu cực, Việt Nam đã thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt với dịch trong hơn một tháng. Nhờ đó, tình hình kinh tế – xã hội có nhiều khởi sắc.
Vốn ODA của Nhật đang phát huy ở những cây cầu, con đường của Việt Nam
Thủ tướng chia sẻ quan hệ hai nước Việt Nam – Nhật Bản chưa bao giờ tốt như bây giờ và trong tương lai còn có thể tốt hơn nữa, dù mối quan hệ ấy có lúc thăng, lúc trầm.
Quan hệ hai nước thể hiện ở sự tin cậy chính trị cao. Nhật Bản ủng hộ Việt Nam cả với những vấn đề nhạy cảm như Biển Đông, ủng hộ việc giải quyết tranh chấp bằng biện pháp hòa bình và tôn trọng luật pháp quốc tế.
Sự tin cậy, tôn trọng này còn được thể hiện ở việc hai đời thủ tướng trước của Nhật Bản trong chuyến xuất ngoại đầu tiên đều chọn Việt Nam là điểm đến, và lần này, Nhật đón vị khách nước ngoài đầu tiên là Thủ tướng Việt Nam.
“Đó là tình cảm, là sự coi trọng lẫn nhau trong quan hệ hai nước”, Thủ tướng chia sẻ và kỳ vọng chuyến thăm này sẽ mở ra chương quan hệ mới trong quan hệ Việt Nam – Nhật Bản.
Về kinh tế, Nhật Bản là quốc gia tài trợ ODA lớn nhất, là nhà đầu tư lớn thứ hai, đối tác du lịch thứ ba và đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam.
“Vốn ODA của Nhật Bản đang phát huy rất tốt ở những cây cầu, con đường và nhiều dự án khác của Việt Nam”, Thủ tướng nói và cho biết hai nước đang bước sang giai đoạn mới của ODA với tinh thần tạo gói ưu đãi nhất, linh hoạt nhất, thủ tục đơn giản nhất và đủ lớn để đóng góp vào các hoạt động cần thiết.
Ghi nhận sự lớn mạnh của cộng đồng người Việt Nam tại Nhật Bản, Thủ tướng khẳng định người Việt Nam dù ở bất cứ đâu cũng có thể cống hiến cho đất nước.
Theo Thủ tướng, Đảng, Nhà nước luôn coi kiều bào là một bộ phận quan trọng không thể tách rời, là một động lực phát triển của đất nước, điều này được thể hiện qua Nghị quyết số 36, Chỉ thị số 45 và gần đây là Kết luận số 12 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, được thể chế hóa bằng các quy định của pháp luật.
Cập nhật tình hình Covid-19
Xem chi tiết
Số ca lây nhiễm ghi nhận từ 27/4/2021
Ca nhiễm
Hôm nay
Tỉnh | Hôm nay | Tổng số ca |
Nguồn: News.zing.vn