Trước cơ hội không nhỏ cho ngành đóng tàu trong nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ GTVT rà soát và đề xuất các giải pháp thu hút đóng du thuyền cỡ trung.
Trước thông tin về xu hướng nhiều đơn hàng đóng du thuyền cỡ trung đang dịch chuyển về Việt Nam, một số chuyên gia cho rằng Việt Nam có thế mạnh trong đóng du thuyền cỡ trung chất lượng cao với giá thành thấp.
Do đó, xu hướng này có thể coi là cơ hội lớn cho ngành đóng tàu trong nước, đồng thời góp phần nâng cao sức cạnh tranh về sản phẩm du lịch biển của Việt Nam.
Du thuyền SW1260 đóng tại Việt Nam nhiều năm đạt giải “Du thuyền của năm”. Ảnh: D.N. |
Tuy nhiên, hiện nay, quá trình sản xuất và kinh doanh thực tế còn gặp nhiều vướng mắc, trong đó có sự cồng kềnh trong thủ tục hạ thủy, thử nghiệm tàu, cũng như thiếu hụt cơ sở vật chất và nơi neo đậu an toàn.
Liên quan đến vấn đề này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Giao thông vận tải rà soát, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất các giải pháp khai thác hiệu quả thế mạnh và cơ hội này.
Ngành công nghiệp tàu thuyền giải trí trên toàn cầu hiện tăng trưởng khoảng 5%/năm, dự kiến đạt quy mô hơn 230 tỷ USD năm 2024. Trong khi đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhu cầu đóng tàu chở hàng loại lớn thời gian qua sụt giảm mạnh. Giới chuyên gia nhận định, ngành đóng tàu thương mại đang ngày một thu nhỏ, nhường đất cho các sản phẩm du thuyền.
Thực tế, tại Việt Nam, nhiều nhà máy đóng tàu thuộc sở hữu Nhà nước đang thua lỗ hoặc hoạt động dưới công suất. Phân khúc tàu hạng nặng dự kiến tiếp tục chịu ảnh hưởng nặng nề. Do đó, du thuyền, đặc biệt là các sản phẩm cỡ trung, được đánh giá là hướng đi tiềm năng để phát triển trong thời gian sắp tới.
Cả nước hiện có hơn 5 công ty tư vấn về du thuyền và 3 hãng du thuyền đặt văn phòng tại Việt Nam. Đồng thời, một số công ty đóng tàu cũng dần chuyển hướng sang đóng du thuyền cỡ trung theo đơn đặt hàng quốc tế.
Nguồn: News.zing.vn