Tích cực khai thác tiềm năng di tích cung đình Huế

0
186

Huế là Cố đô duy nhất ở Việt Nam còn bảo lưu được khá nguyên vẹn tổng thể kiến trúc nghệ thuật cung đình. Di sản văn hoá Huế là những kiệt tác nghệ thuật của nhân dân lao động trải qua bao thế hệ và đỉnh cao, của những tài năng của những người thợ thủ công khéo tay nhất nước thời bấy giờ.

Du khách tham quan Đại Nội. Ảnh: Thu Thủy

Nhiều năm qua, công tác trùng tu, bảo tồn quần thể di tích Cố đô Huế được tỉnh đẩy mạnh. Nhờ vậy, bộ mặt khu di sản Huế ngày càng đẹp lên rất nhiều. Song song với công cuộc bảo tồn, làm thế nào để phát huy giá trị di sản, tạo động lực cho phát triển kinh tế là vấn đề không đơn giản. Mạnh dạn chuyển đổi nhận thức trong việc khai thác các giá trị di sản, từ năm 2014, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã tham mưu và được tỉnh phê duyệt quy hoạch và phát triển hoạt động dịch vụ đến năm 2020. Đây chính là cơ sở pháp lý quan trọng để trung tâm đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, đưa doanh thu của hoạt động này chiếm tỷ trọng ngày càng tăng trong cơ cấu doanh thu của đơn vị.

Sau gần 3 năm được thành lập và đi vào hoạt động, Trung tâm Phát triển Dịch vụ di tích Huế (đơn vị trực thuộc trung tâm) ngày càng ổn định và đạt hiệu quả cao hơn trong công tác khai thác, phát huy giá trị di sản thông qua việc trực tiếp tổ chức các hoạt động dịch vụ hay liên doanh, liên kết với các đối tác doanh nghiệp trong và ngoài nước. Cùng với việc tổ chức lại các loại hình dịch vụ đã có, như chụp ảnh, bán hàng lưu niệm và các mặt hàng đặc sản địa phương, giải khát, dịch vụ xe điện, xe ngựa… đơn vị này cũng đã liên kết tổ chức những điểm dịch vụ với những mặt hàng mới như không gian cà phê Sách và tổ chức các sự kiện văn hóa tại số 145 Phan Đình Phùng; không gian văn hóa – dịch vụ cung Trường Sanh với các mặt hàng trà cung đình, rượu cung đình, áo dài truyền thống, giấy trúc chỉ, dịch vụ xe kéo tay; không gian văn hóa dịch vụ tại cơ sở 79 Nguyễn Chí Diểu với các mặt hàng thủ công truyền thống Huế kết hợp trải nghiệm cho du khách…

Chỉ tính riêng từ năm 2014 đến đầu năm 2016, doanh thu của Trung tâm Phát triển Dịch vụ đạt hơn 25 tỷ đồng (doanh số bán hàng đạt hơn 50 tỷ đồng), đủ để trung tâm tự chủ mọi hoạt động và chi trả lương, thu nhập cho người lao động và đã đóng góp cho Nhà nước 3,6 tỷ đồng thuế doanh nghiệp và thuế giá trị gia tăng. Đây là điều kiện để di sản Huế được khai thác một cách tốt nhất, một mặt không chỉ đem lại lợi nhuận, mặt khác góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách Nhà nước; đồng thời, còn làm tốt việc giới thiệu, quảng bá di sản văn hóa, tiềm năng du lịch của Thừa Thiên Huế tới bạn bè trong nước và quốc tế.

Đồng tình với việc khai thác các giá trị di sản Huế, nhiều người nói rằng: “Trùng tu di tích mà không biết khai thác và phát huy giá trị di sản thì di tích đó trở thành di tích “chết”, chẳng ai biết đến, quả là uổng phí công sức và tiền bạc. Di tích cũng cần phải khai thác tối đa tiềm năng, nhưng phải tích cực bảo vệ để tính đến chuyện lâu dài. Thời gian qua, Trung tâm bảo tồn Di tích Cố đô Huế đã làm rất tốt việc này, đã góp phần làm sống lại các di tích ấy”.

Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn