Ở ĐTQG, các cầu thủ không thể hiểu nhau như tại CLB. Vì thời gian các cầu thủ tập luyện và thi đấu với nhau ở CLB xuyên suốt cả năm. Còn ở ĐTQG, lâu lâu họ mới tập chung với nhau.
Bởi vậy, trong giải đấu ngắn ngày như World Cup hay Euro, tập luyện và áp dụng các tình huống cố định để ghi bàn trở nên rất quan trọng. Lấy ví dụ đội Anh, tại World Cup 2018, 9 trong 12 bàn thắng của họ xuất phát từ các pha bóng chết, 3 bàn thắng được ghi bằng các đợt tấn công mở.
Đến Euro 2020, một phần khiến đội Anh chỉ có 2 bàn thắng ở vòng bảng là vì họ không còn tận dụng tốt các đường bóng cố định nữa. Kiểu dàn người trong vòng cấm địa khá lạ mắt của “Tam sư” khi họ thực hiện các cú phạt góc không còn thấy nữa.
Cách tuyển Italy dàn xếp đá phạt rất độc đáo. Ảnh: Reuters. |
Bàn thắng độc đáo của Italy
Song, có một đội tỏ ra khá mạnh ở khâu này là Italy. Bàn thắng của họ trong trận thắng Wales 1-0 là dẫn chứng.
Khi đối thủ xếp một bức tường phòng thủ màu đỏ trong vòng cấm, 2 cái bóng áo xanh Alessandro Bastoni và Leonardo Bonucci lẻn xuống phía sau bức tường. Họ đứng ở vị trí việt vị, nhằm làm phân tán sự tập trung của thủ môn Danny Ward và các cầu thủ Wales phải lo lắng.
Khi Marco Verratti bắt đầu chạy đà để thực hiện cú sút phạt, Bastoni và Bonucci chạy lên phía trên để không việt vị. Mối đe dọa cho thủ môn Ward xuất hiện từ ngoài vòng cấm mà anh không thể nhìn thấy và ngờ tới: tiền vệ Matteo Pessina chạy vào đón đường chuyền của Verratti ghi bàn.
“Kiểu dàn xếp đá phạt này chúng tôi làm suốt”, Walter Zenga, cựu thủ môn đội Italy, cách đây 3 thập kỷ nói.
Zenga biết “bài đá phạt ấy” vì từng làm việc với người sáng tạo các kiểu dàn xếp đá phạt này: ông Gianni Vio.
Vio là một kế toán cho chi nhánh ngân hàng Unicredit ở quận Mestre thuộc thành phố Venice. Chán làm việc với những con số, Vio đi học lớp HLV bóng đá do Liên đoàn bóng đá Italy mở tại khu huấn luyện bóng đá quốc gia Coverciano.
Tại đó, ông làm bạn với Maurizio Sarri, một tay kế toán ngân hàng khác cũng chán các con số. Sarri sau này là HLV được nhiều người biết đến.
Trước khi vang tiếng ở Napoli, Chelsea, Juventus thì Sarri được ca ngợi tại Empoli vì cuốn sổ bìa đen với 33 kiểu dàn xếp đá phạt. Còn Vio – bắt đầu huấn luyện các đội rất nhỏ ở Ý – lúc đó đã có tới 4.830 kiểu dàn xếp đá phạt.
Vio tốt nghiệp lớp HLV với đề tài “Tình huống cố định: tiền đạo ghi 15 bàn trong mùa bóng”. Một trong những điều Vio nhấn mạnh trong dàn xếp đá phạt là phải đánh lừa, làm xao nhãng các cầu thủ đối phương.
Tuyển Italy đang chơi rất tốt tại Euro 2020, với nhiều hướng tiếp cận khung thành đối phương. Ảnh: Reuters. |
Thêm 30% bàn thắng cho một đội bóng
Ở Italy, người ta có từ gemelli del gol, tức “sát thủ sinh đôi” hay “cặp song sát” để chỉ các cặp tiền đạo khét tiếng. Ví dụ cặp Ciccio Graziani và Paolo Pulici ở Torino hay cặp Roberto Mancini và Gianluca Vialli ở Sampdoria.
Khi huấn luyện đội bóng nhỏ Il Quinto di Treviso, ông Vio có cặp song sát thật, theo nghĩa đen, đó là một cặp anh em sinh đôi. Họ giống nhau đến mức không dễ để phân biệt.
Nhiệm vụ của hai anh này trong mỗi pha sút phạt là đứng ở hai bên rìa hàng rào, nhìn chằm chằm vào thủ môn để khiến thủ môn rối trí. Nhờ điều đó, đội bóng của Vio ghi khá nhiều bàn thắng.
Năm 2004, Vio với nhà tâm lý Alessandro Tettamanzi viết chung cuốn sách mang tựa đề “That Extra 30 Percent”. Tại sao là 30%? “Các tình huống cố định có thể nâng thêm 30% số bàn thắng cho đội bóng, nó giống như bạn có thêm một chân sút trên sân”, Vio giải thích.
Một ngày, cuốn sách nằm trên bàn của Zenga. “Người Nhện” lúc đó đang huấn luyện CLB Red Star Belgrade ở Serbia, lập tức ông bị cuốn sách thu hút. Khi là thủ môn, ông luôn cảm thấy hứng thú với thử thách từ các cú sút phạt hàng rào mang tới, đặc biệt khi đối thủ cố tìm cách kỳ dị để làm khó ông.
“Mỗi đội bóng có khoảng 200 tình huống cố định mỗi mùa giải, tại sao bỏ lỡ ngần đó cơ hội?” Zenga gửi email cho Vio, họ trao đổi với nhau thường xuyên. Khi Zenga đến Trung Đông làm việc cho CLB Al-Ain, Vio bay đến đó để rèn cho các cầu thủ của Zenga trong 20 ngày.
Tuyển Italy được đánh giá cao trước trận gặp Áo tại vòng 1/8 của Euro 2020. Ảnh: Reuters. |
Tiền đạo mới của đội tuyển Italy
Khi Zenga đến Catania, ông chủ tịch CLB này hỏi Zenga có muốn đem người riêng của mình theo không, Zenga nói chỉ cần 1 người. Vậy là hàng tuần, Vio bay tới Catania vào thứ năm và chủ nhật bay về nhà.
“Một tiền đạo ghi 20 bàn một mùa có thể bị chấn thương, treo giò. Nhưng những quá phạt luôn ở đó, mỗi trận đấu”, ông Zenga nói. Catania trụ hạng với 17 trong tổng số 44 bàn (38,6%) từ các tình huống đá phạt, Vio là “chân sút” hàng đầu của đội bóng.
Tiếp theo, Vincenzo Montella khi làm HLV ở Fiorentina cũng đến tìm Vio, có mùa 29 trong tổng số 72 bàn (40,3%) của Fiorentina đến từ phát kiến của Vio. Rồi Vio hợp tác với AC Milan, DC United, Brenford, Leeds. Tháng 9 năm ngoái, ở tuổi 66, Vio nhận cú điện thoại từ Mancini, và Vio đã đến giúp đội tuyển.
Các dàn xếp đá phạt của Italy từ đó khác lạ hẳn, họ xếp người cho các tình huống này không giống ai, bạn có thể nhận ra điều đó trong các trận đấu. Vio còn nghiên cứu các đối thủ của Italy để nói cho các cầu thủ biết vào trận nào, họ nên áp dụng mẫu dàn xếp nào.
“Mancini biết giải đấu ngắn ngủi, đá phạt sẽ là chiến lược tốt giúp đội bóng đi sâu”, Zenga nói.
Zenga đã có công trong việc tìm cho đội Italy một tiền đạo nữa, khác với Ciro Immobile, khác với Andrea Belotti. Một tiền đạo trước đây từng cạo giấy ở một chi nhánh ngân hàng ngoại ô Venice.
Nguồn: News.zing.vn