Là công trình kiến trúc cổ, độc đáo tại Vĩnh Long, ngôi nhà xưa của ông Cai Cường xã Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ đã trở thành điểm tham quan lý tưởng mỗi dịp xuân về.
Nằm ngay bên bờ rạch Cái Muối, ngôi nhà mang hai nét kiến trúc Á – Âu được xây dựng từ năm 1885 đến nay vẫn còn giữ được nhiều nét kiến trúc thuộc địa phía bên ngoài sau nhiều lần trùng tu, nâng cấp vì phong hóa của thời gian. Tuy nhiên, đồ đạc nội thất và những hoành phi trang trí bên trong còn khá nguyên vẹn.
Ngôi nhà mang hai nét kiến trúc Á – Âu được xây dựng từ năm 1885. |
Nhìn từ bên ngoài, căn nhà cấp bốn được xây trên nền móng cao đến cả mét mang đậm phong cách gothic ở vòm cuốn, hành lang và hàng cột. Ngôi nhà ba gian thoáng, không có tường ngăn cách với kết cấu phía trong toàn bằng gỗ quý với độ tuổi trên trăm năm. Cách bài trí thuần chất Á Đông hòa toàn khác hẳn với bề ngoài đậm chất Tây phương của ngôi nhà.
Nhưng điều đặc biệt với căn nhà cổ này chính là những hình tượng được trạm trổ trên các cây cột, hệ thống hoành phi và các bộ ván gỗ với nhiều hình thù độc đáo. Không tuân thủ theo chuẩn mực cũ về điêu khắc rồng phượng, hình thù mà các nghệ nhân khắc lên đây lại là những con vật rất quen thuộc đối với vùng sông nước nam bộ như cua, cá, đến hươu, nai, hổ, báo.
Phía trong căn nhà là không khí đậm chất Việt. |
Một trong những tiết mục giải trí đặc sắc khác diễn ra ngay tại ngôi nhà cổ là tiết mục trình diễn đờn ca tài tử của người dân địa phương khi du khách thưởng thức đặc sản miệt vườn tại Vĩnh Long. Với không gian rộng phía trong nhà, một nhóm các nghệ sĩ nghiệp dư sẵn sàng phục vụ du khách những bài hát, vài câu vọng cổ, hoặc trích đoạn cải lương trên nền tiếng đàn kìm, đàn cò, song lang hay ghi ta phím lõm. Một sinh hoạt văn hóa tinh thần đậm dấu ấn của người dân sông nước miền Tây.
Dù nghiệp dư, các nghệ sĩ luôn cháy hết mình với từng lời ca, tiếng nhạc. |
Dù là trình diễn theo kiểu cây nhà lá vườn, nhưng các nghệ sĩ cũng chuẩn bị những bộ trang phục, đạo cụ trình diễn, chủ yếu là những vật dụng lao động thân thuộc hàng ngày của bà con miệt vườn. Những lời ca, tiếng đờn và lời thoại như làm sống dậy không khí sông nước của một miền Tây thân thiện, phóng khoáng và tự do. Những lời ca, câu hò và tiếng đờn sẽ còn lưu lại mãi trong lòng du khách cùng những ánh mắt, nụ cười và những lời chào đón thân thiện của bà con Vĩnh Long.
Bài và ảnh: Kim Dung
Nguồn: Vnexpress.net