Với xu hướng lên ngôi của thời trang mang tính bền vững, quần áo làm từ vật liệu tái chế của những nhà thiết kế bản địa dần được ưa chuộng.
Lâu nay, sàn diễn thời trang, thảm đỏ và các trang bìa tạp chí vẫn chuộng người mẫu có tầm ảnh hưởng lớn. Do đó, các nhà thiết kế và người mẫu từ những nhóm nhỏ bị loại khỏi cuộc trò chuyện thời trang chính thống.
Tuy nhiên, trong hai năm gần đây, các nhà thiết kế, người mẫu bắt đầu mở ra kỷ nguyên mới. Họ là đại diện của người bản địa để phát triển và tôn vinh những nét văn hóa của dân tộc cho ngành công nghiệp thời trang.
Thời trang bản địa mang phong cách của từng vùng miền. Ảnh: Vogue. |
Thể hiện tính bản địa trong thời trang
“Ngành công nghiệp thời trang từ lâu đã bỏ qua những đóng góp của người bản địa”, Christian Allaire – biên tập viên của Vogue nói với Editorialist.
Đối với Allaire, các thiết kế của người bản địa thường bị chiếm đoạt và họ không nhận được bất cứ khoản thù lao nào.
Theo Glossy, thị trường đồ trang sức lấy cảm hứng từ văn hóa bản địa đạt 4 tỷ USD đang được thống trị bởi các nhà thiết kế không phải người bản xứ. Trong khi đó, những gã khổng lồ thời trang như Diane von Furstenberg, Ralph Lauren và Calvin Klein đã kiếm được hơn 100 triệu USD doanh thu bằng cách sử dụng hình ảnh và biểu tượng từ bộ tộc Maasai, theo báo cáo của Trung tâm Đổi mới Quản trị Quốc tế.
Các thương hiệu như Caroline Herrera, Anthropologie và Isabel Marant đã bị chỉ trích vì mượn mã thiết kế bản địa trong những năm gần đây. Tuy nhiên, những nhãn hàng thời trang vẫn tiếp tục mắc các sai lầm tương tự, ăn cắp đóng góp sáng tạo của người bản địa mà không công nhận họ.
Hiện nay, các nhà thiết kế bản địa đang đấu tranh để nhận được sự trân trọng nhiều hơn.
Các họa tiết bản địa đang dần được ưa chuộng trong thời trang. Ảnh: Denim Jeans Observer. |
Vị thế của thời trang bản địa
Với việc nhãn hàng chính thống đón nhận và hợp tác với các nghệ sĩ bản địa, Allaire hy vọng về sự phát triển mạnh mẽ hơn của xu hướng này.
Trong đó, người mẫu Quannah Chasinghorse trở thành người mẫu bản địa đầu tiên xuất hiện trên sàn diễn của Chanel cho bộ sưu tập Xuân Hè 2022.
Thêm nữa, Australia, Toronto và Vancouver (Canada) cũng tổ chức tuần lễ thời trang bản địa của riêng họ trong năm nay để chia sẻ bộ sưu tập và những kinh nghiệm thiết kế.
Nhà thiết kế Lauren Good Day nói: “Cuối cùng, các sáng tạo của người bản địa đã được công nhận là thời trang và với ảnh hưởng của truyền thông xã hội ngày nay, các nhà thiết kế sẽ tiếp cận với nhiều đối tượng hơn”.
Tương lai của thời trang bản địa
Thiết kế bản địa bắt nguồn từ tính bền vững. Những nghệ sĩ bản địa ngày nay tiếp cận quá trình sáng tạo của họ theo cách truyền thống, với sự tôn trọng thiên nhiên và thế giới mà họ đang sống.
Do đó, các thiết kế bản địa thường tái sử dụng phế liệu hoặc các mặt hàng cũ thành sản phẩm mới.
Theo Vogue, thời trang nhanh không thể có được những điều trên. Trong thời đại tính bền vững đang chiếm được xu thế, những nhà thiết kế người bản địa có ý tưởng để giải quyết việc biến đổi khí hậu, lạm dụng lao động và lãng phí tài nguyên của ngành công nghiệp thời trang.
Thời trang bản địa sẽ dần chiếm được ưu thế khi tính bền vững đang phổ biến. Ảnh: Medium. |
Nhà thiết kế Kini Zamora tin rằng thời trang nhanh đang tạo ra sự lãng phí không cần thiết. Điều nên làm hiện tại là thay đổi tư duy cho người tiêu dùng và người sáng tạo để thúc đẩy ngành thời trang theo hướng lành mạnh hơn.
Ông nói: “Tôn trọng môi trường tự nhiên là trọng tâm của văn hóa Hawaii bản địa. Chúng ta phải ngừng sáng tạo quần áo mà mọi người chỉ mặc trong một tuần hoặc một năm rồi vứt bỏ”.
Theo Harper’s Bazaar, các nhà thiết kế có thể giúp hạn chế lãng phí và ngừng tiếp sức cho con thú thời trang nhanh bằng cách tập trung vào những sản phẩm độc đáo, chất lượng cao mà người tiêu dùng có thể tiếp tục mặc trong nhiều năm tới.
Nguồn: News.zing.vn