Bên cạnh sự rập khuôn cho tính nam trong xã hội như đàn ông phải mạnh mẽ, tính nữ cũng chịu những ràng buộc tương đương. Cả hai đều cho thấy sự thiếu linh hoạt ở vai trò giới.
“Nhiều người đã rõ về nam tính độc hại, vậy còn nữ tính độc hại là gì” – câu hỏi được một người dùng đặt ra trên diễn đàn Reddit hồi tháng 8 thu hút hơn 5.000 ý kiến thảo luận, theo Vice News.
“Người mẹ đối xử tệ với người xung quanh và sau đó biện minh mình làm điều đó để tốt cho con mình”, “Người phụ nữ đánh giá ngoại hình của người cùng giới như chê bai lông, nếp nhăn, tóc bạc” là hai trong số nhiều câu trả lời người dùng đưa ra.
Theo Psychology Today, tính nữ độc hại là những chuẩn mực giới được mong đợi ở người nữ, quy định họ phải dịu dàng, mềm mại, cam chịu, dễ nghe lời và biết phục tùng nam giới.
Tính nữ độc hại có thể xuất phát từ định kiến của xã hội lẫn việc tự phân biệt giới ở nữ giới. Ảnh: CNA. |
Những điều liệt kê ở trên bị coi là yếu tố cần thiết để người phụ nữ được xã hội chấp nhận và thậm chí trở thành thước đo đánh giá đạo đức, phẩm hạnh ở họ.
Điều này dẫn đến tình trạng các cá nhân bỏ qua nhu cầu về tinh thần hoặc thể chất để duy trì kết nối với người xung quanh. Nói cách khác, nữ tính độc hại là khi một người phụ nữ hành động vì lợi ích của người khác nhưng có hại cho chính họ.
Thực tế, thuật ngữ “nữ tính độc hại” đã xuất hiện và sử dụng trong gần một thập kỷ, nhưng được biết tới nhiều hơn sau khi phong trào Metoo nổ ra.
Trong bài viết Toxic Femininity Holds All of Us Back, tiến sĩ kiêm nhà tâm lý học xã hội Devon Price nhấn mạnh nữ tính độc hại cũng cần ngăn chặn giống nam tính độc hại.
“Bên cạnh sự rập khuôn cho tính nam trong xã hội như đàn ông phải mạnh mẽ, biết che giấu cảm xúc, tính nữ cũng chịu những ràng buộc tương đương. Nó thể hiện sự thiếu linh hoạt trong vai trò giới và trở thành vấn đề mà mọi người xung quanh tôi đều phải chịu đựng, cần phải ngăn chặn”, Price viết.
Tính nữ độc hại cũng cần phải ngăn chặn giống tính nam độc hại. Ảnh: Insider. |
Hannah McCann, giảng viên ngành nghiên cứu văn hóa tại Đại học Melbourne (Australia), lần đầu tiên nghe thấy thuật ngữ này vào năm 2018, trong một bài báo trên tờ Sydney Morning Herald. Đến năm 2020, cô xuất bản một bài báo về chủ đề này trên tạp chí học thuật Psychology & Sexuality.
Hannah lưu ý rằng các cuộc thảo luận trên mạng về thuật ngữ này thường mang tính chống đối và được sử dụng để lập luận rằng “phụ nữ là những người độc hại”.
“Việc nhắc đến cụm từ ‘tính nữ độc hại’ thường đi kèm với phản ứng dữ dội chống lại các cuộc bàn luận về nữ quyền, thúc đẩy định kiến có hại cho phụ nữ, chẳng hạn như phái yếu bẩm sinh là những kẻ ngổ ngáo, kiêu ngạo, đi kèm với suy nghĩ rằng đàn ông là nạn nhân”, Hannah nói.
“Sẽ hiệu quả và công bằng hơn nhiều nếu xem xét lại một số phương pháp tiếp cận giới tính đã truyền tải thông điệp sai lệch như nào, thay vì chỉ nhìn vào một số biểu hiện hoặc đặc điểm riêng lẻ. Điều đó cho phép chúng ta nhìn thấy bức tranh lớn hơn”, nữ giảng viên phân tích.
Là người chuyển giới, bản thân tiến sĩ Price cũng trải qua những định kiến về việc “phụ nữ phải như thế nào”.
“Sau khi cắt tóc ngắn, ăn mặc giống nam giới, tôi càng nhận thức được áp lực mà xã hội gắn lên những cô gái theo phong cách nam tính, mạnh mẽ. Có một gương mặt cá tính, không dịu dàng cũng dễ bị gắn mác là ‘tức giận’, ‘khó ở’ chỉ vì cô ấy không có vẻ nữ tính mà số đông mong đợi”, Price cho hay.
Nguồn: News.zing.vn