Ăn lẩu cá tầm cá hồi ở Sa Pa, chúng ta còn có cơ hội thưởng thức những con cá tươi vừa được đánh bắt xong đó.
Sa Pa từ lâu đã trở thành một trong những địa điểm ở miền Bắc thu hút rất nhiều khách du lịch. Không chỉ bởi phong cảnh núi non hùng vĩ, những cánh đồng lúa bạt ngàn, nơi có rất nhiều những dòng thác, con suối, có đỉnh Fansipan cao nhất Đông Dương hay yếu tố thời tiết mát mẻ hơn…, ở Sa Pa còn có nhiều món đặc sản mà du khách đến đây nhất định phải thử.
Tại Sa Pa, nhiệt độ thường thấp hơn nhiều nơi khác ở miền Bắc, nhất là vào buổi tối. Điều này vô cùng thích hợp để đi ăn một nồi lẩu cá tầm cá hồi – món đặc sản nổi tiếng của mảnh đất này, cũng là món được khuyên nên thử ít nhất một lần khi đến đây.
Nhắc đến cá tầm, cá hồi thì chắc hẳn những người sành ăn sẽ thấy rất quen thuộc. Tuy nhiên, chúng ta cũng biết rằng các loài cá này thường sinh sống nhiều ở vùng biển Bắc Âu hoặc châu Mỹ. Thế nhưng, thật kỳ diệu là ở Sa Pa cũng đã nuôi được những loài cá này. Thậm chí, nhờ điều này, những người dân ở Sa Pa còn biến chúng trở thành món đặc sản quen thuộc, mà nổi bật nhất chính là lẩu cá tầm cá hồi.
Nhờ vào vị trí và độ cao khác biệt, Sa Pa thường có khí hậu mát mẻ hơn những nơi khác ở miền Bắc. Thậm chí, vào mùa đông, có thời điểm nhiệt độ xuống dưới 0 độ, rất thuận lợi cho cá tầm, cá hồi phát triển. Cá tầm, cá hồi được nuôi nhiều ở khu vực Thác Bạc (Sa Pa), có lẽ vì thế mà ăn lẩu cá tầm cá hồi ở đây được đánh giá là ngon hơn, điển hình như ở nhà hàng Thác Bạc, nhà hàng Song Nhi. Bên cạnh đó, phía trong thị trấn Sa Pa cũng có một vài nhà hàng bán món này như nhà hàng Hoa Đào, A Phủ…
Nguyên liệu chính để tạo nên món lẩu này là đầu cá hồi, cá tầm hầm cùng với các loại củ quả để làm nước lẩu, bên cạnh đó không thể thiếu hành, thì là để làm giảm bớt mùi tanh của cá và tăng thêm hương vị cho món lẩu. Thịt cá tầm, cá hồi được thái mỏng để nhúng lẩu cùng với các loại rau đặc sản Sa Pa như cải mèo, su su hoặc rau muống, cải thảo…
Giữa không khí mát lạnh của buổi tối ở Sa Pa, ngồi bên nồi lẩu cá tầm cá hồi nóng hổi, xì xụp nhúng cá nhúng ra thì còn gì tuyệt vời bằng. Cá ở đây tươi hơn hẳn do được làm luôn sau khi đánh bắt, bởi thế mà từng thớ thịt thơm ngọt thấy rõ. Rau nhúng lẩu lại là các loại rau đặc sản núi rừng Sa Pa nên khá lạ miệng đối với các du khách. Ăn kèm với lẩu cá tầm cá hồi còn có bún rối, rất hợp với nước lẩu đã được ninh ngọt lịm.
Điểm trừ nho nhỏ là giá của lẩu sẽ hơi cao so với các loại lẩu khác (có lẽ do nguyên liệu cá tầm, cá hồi đã có giá cao hơn hẳn) nên khi tính tiền có thể hơi… bất ngờ một chút. Tuy nhiên, dù sao thì bạn cũng nên thử một lần để xem đặc sản “cá đắt tiền” được nuôi trên núi cao sẽ như thế nào nhé!
Nguồn: KENH14.VN