Những thập niên gần đây, cái tên Tơ Tung đã dần trở nên quen thuộc với đồng bào các dân tộc tỉnh Gia Lai và du khách quan tâm đến Tây Nguyên, bởi nơi ấy có di tích Làng kháng chiến Stơr-quê hương anh hùng Núp-những tên đất, tên người sớm nổi tiếng cùng tiểu thuyết “Đất nước đứng lên” của nhà văn Nguyên Ngọc; có làng Leng Tơpung với những đội cồng chiêng đủ các thế hệ, giới tính… rất đặc biệt của Tây Nguyên.
Nhà lưu niệm Anh hùng Núp-niềm tự hào của bà con các dân tộc huyện Kbang
Trước khi trở thành tên của một xã thuộc huyện Kbang (năm 1983), Tơ Tung là tên một con suối, bắt nguồn từ triền đông của dãy Mang Yang, chảy theo hướng tây bắc-đông nam, qua khu vực cư trú của người Bahnar (trong đó có làng Stơr), cắt quốc lộ 19 và đổ vào sông Ba. Tên suối Tơ Tung thì đã từ lâu không đổi, nhưng với các cộng đồng Bahnar trong khu vực này, thì hơn nửa thế kỷ qua là cả một quá trình tách nhập khá phức tạp.
Sau khi đặt được ách cai trị lên khu vực Bắc Tây Nguyên, ngày 4-11-1917, Toàn quyền Đông Dương ra Nghị định thành lập Đại lý hành chính An Khê, trực thuộc tỉnh Kon Tum. Trong quá trình hoàn thiện các khu vực hành chính, chính quyền thực dân đặt vùng đất này là Tơ Tung trong tổng Bơnâm (thuộc Đại lý hành chính An Khê, tỉnh Kon Tum). Đến ngày 9-8-1943, theo Nghị định của Toàn quyền Đông Dương, Đại lý hành chính An Khê (trong đó có khu vực Tơ Tung) mới được tách khỏi tỉnh Kon Tum, sáp nhập vào tỉnh Pleiku.
Đối với chính quyền cách mạng, từ sau tháng 8-1945, địa bàn xã Tơ Tung ngày nay thuộc khu Kan Nak (theo cách gọi phổ biến và trong một số văn bản hành chính hiện nay là Ka Nat), tỉnh Gia Lai. Tháng 3-1948, khi Đảng bộ huyện An Khê được ra đời thì khu Kan Nak, sau đổi thành xã thuộc huyện An Khê.
Cuối năm 1949, xã Kan Nak được tách thành xã Nam Kan Nak và Bắc Kan Nak, sau gọi tắt là xã Nam và xã Bắc. Vùng đất nay thuộc Tơ Tung nằm trong địa bàn xã Nam.
Từ năm 1960, tỉnh chủ trương chia tách một số xã lớn thành các xã nhỏ để tiện chỉ đạo sát tình hình và phù hợp với trình độ, khả năng của cán bộ địa phương. Xã Nam tiếp tục được chia tách thành 3 xã: Tây Nam, Trung Nam và Đông Nam. Vùng đất nay là xã Tơ Tung chủ yếu nằm trong xã Tây Nam (thuộc khu 2).
Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng (1975), xã Nam được thành lập trên cơ sở sáp nhập 5 xã trong thời kỳ chống Mỹ cứu nước là: Tây Nam, Trung Nam, Đông Nam, xã Bắc và xã Căn Cứ thuộc huyện An Khê.
Theo Quyết định số 122-QĐ/HĐBT, ngày 29-10-1983, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), xã Nam được chia tách thành 3 xã: Tơ Tung, Kông Lơng Khơng và Kông Pla. Trong đó, xã Tơ Tung được hình thành trên cơ sở toàn bộ xã Tây Nam trong kháng chiến chống Mỹ. Sau khi An Khê được chia tách thành 2 huyện Kbang (ở phía bắc) và An Khê (ở phía nam) theo quyết định số 181-HĐBT, ngày 28-12-1984, của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), xã Tơ Tung thuộc huyện mới Kbang.
Đến nay, sau quá trình tiếp nhận thêm bộ phận cư dân từ phía Bắc di cư vào xã Tơ Tung hiện có 1 thôn (thôn 1) và 16 làng, với 2 bộ phận dân cư chính:
– Các làng đồng bào Bahnar là: Đe Bar, Toòng Từng, Tung, Stơr, Kuk, Leng, Đầm, Lơng Khơng, Klếch, Broch và Suối Lơ.
– Các làng chủ yếu là đồng bào Tày, Nùng gồm: Đồng Tâm, Nam Cao, Cao Lạng, Thái Sơn, Cao Sơn.
Chỉ cách quốc lộ 19 khoảng 8 km, theo đường Trường Sơn Đông, điều kiện giao thông thuận lợi, hiện Tơ Tung là một địa chỉ chứa nhiều giá trị lịch sử-văn hóa đặc sắc của các cộng đồng dân tộc Bahnar, di tích làng kháng chiến Stơr… nên ngày càng được nhiều du khách quan tâm.
Kim Vân
Nguồn: Vietnamtourism.gov.vn