Trong chiến dịch ra quân tổng lực truy tìm F0 toàn TP.HCM, các nhân viên lấy mẫu và xét nghiệm tại thành phố phải căng mình làm việc, chạy công suất tối đa suốt ngày đêm.
TOÀN CẢNH CHIẾN DỊCH XÉT NGHIỆM 5 TRIỆU DÂN TP.HCM
Trong chiến dịch ra quân tổng lực truy F0 toàn TP.HCM, các nhân viên y tế phụ trách việc lấy mẫu và xét nghiệm tại thành phố căng mình, chạy công suất tối đa suốt ngày đêm.
“Khẩn cấp: Có mặt tại bệnh viện trước 18h để lấy mẫu cộng đồng”
Đọc được tin nhắn trên đường về nhà, điều dưỡng Quỳnh lập tức quay xe, trở lại Bệnh viện Chợ Rẫy để “hội quân”, tranh thủ gọi điện báo cho gia đình.
Nguyễn Thị Ngọc Quỳnh, điều dưỡng khoa Ngoại Thần kinh, Bệnh viện Chợ Rẫy là một trong 15.000 nhân viên y tế, sinh viên y khoa, thanh niên tình nguyện được lệnh điều động từ khắp các đơn vị để tham gia chiến dịch tổng lực truy F0 toàn TP.HCM.
Toàn hệ thống y tế căng mình, chạy tối đa công suất suốt ngày đêm để đạt công suất 500.000 mẫu xét nghiệm/ngày như nhiệm vụ được giao.
Các điểm lấy mẫu đông đúc
Từ ngày 26/6, TP.HCM lên kế hoạch lấy 500.000 mẫu/ngày. Như vậy, trong 10 ngày, TP.HCM dự kiến lấy mẫu cho 5 triệu người.
Đây chưa phải mục tiêu cao nhất của TP.HCM. Trong đợt cao điểm kiểm soát dịch từ 29/6 đến 10/7, thành phố còn đặt tham vọng xét nghiệm một triệu mẫu/ngày. Để đạt mục tiêu này, Trung tâm điều hành xét nghiệm Covid-19 đã được thành lập nhằm điều phối lại quy trình xét nghiệm, nhiều công đoạn được thay đổi.
Nói về chiến dịch lấy mẫu tầm soát toàn thành phố, Phó bí thư Phan Văn Mãi khẳng định mục tiêu 5 triệu mẫu và khoảng thời gian mà thành phố đưa ra chỉ là khung. Ông khẳng định thành phố không chạy theo số lượng mà làm trên tinh thần “không bỏ sót F0”.
Lực lượng 40 người của Bệnh viện Quân y 175 hỗ trợ quận Tân Phú lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn phường Phú Thọ Hòa. |
Khoảng 10.000 người dân phường Phú Thọ Hòa được xét nghiệm tầm soát Covid-19 tại trường THCS Lê Anh Xuân. |
Hơn 30 ngày bùng phát dịch, số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM vượt mốc 5.000 với hàng loạt cụm lây nhiễm phức tạp, chồng chéo. F0 xuất hiện khắp nơi, từ gia đình đến nơi làm việc, từ bệnh viện đến cao ốc văn phòng, chợ truyền thống.
Xe cấp cứu ngược xuôi, dây giăng phong tỏa, đội quân áo trắng, áo xanh kín mít mặt mũi trở thành hình ảnh quen thuộc.
Người dân phường An Lạc (quận Bình Tân) chờ từ chiều đến tối muộn để được lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2. |
Sáng 29/6, phía ngoài cổng trường THPT Trần Phú, quận Tân Phú, hàng nghìn người dân đội nắng để chờ đến lượt lấy mẫu xét nghiệm Covid-19.
Quận Tân Phú là một trong những nơi thực hiện lấy mẫu cộng đồng đầu tiên trong chiến dịch tầm soát của TP.HCM. Đây cũng là khu vực được xếp vào nhóm có nguy cơ rất cao khi các ca mắc Covid-19 liên tục tăng.
Người dân phường Phú Thọ Hoà đội nắng chờ lấy mẫu tầm soát tại điểm trường THPT Trần Phú vào sáng 29/6. |
Gần 10h ngày 1/7, anh P.M.T., 31 tuổi, trú tại phường An Khánh, TP Thủ Đức, TP.HCM, có mặt tại trường Tiểu học An Khánh để xếp hàng, lấy mẫu xét nghiệm. Giống như nhiều người khác, buổi tối trước đó, anh T. nhận được thư điện tử của ban quản lý chung cư về việc tổ chức lấy mẫu xét nghiệm cho người dân trên địa bàn.
Anh không khỏi lo lắng khi thời điểm mình có mặt, khoảng gần 200 người đang làm thủ tục và ngồi đợi sẵn để được lấy mẫu xét nghiệm. Người đàn ông này không nắm được quy trình, không được ai hướng dẫn phải làm những thủ tục gì. Anh và một số người khác phải tự mày mò khai báo y tế rồi tìm chỗ ngồi chờ. Quy trình, thủ tục chỉ được người dân truyền miệng cho nhau.
“Tôi nghĩ các đơn vị y tế cứ chuẩn bị xong hết rồi hãy gọi người dân đến lấy mẫu để đảm bảo an toàn, trơn tru. Làm như bây giờ, người dân đến đông, quy trình lộn xộn, chen lấn, virus lại dễ lây lan”, anh T. chia sẻ.
Một điểm lấy mẫu tầm soát SARS-CoV-2 trong cộng đồng tại TP Thủ Đức. |
Nhân viên y tế lấy mẫu liên tục trong nhiều giờ
Tối 29/6, gần chục xe cấp cứu đưa hàng trăm nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy tham gia vào chiến dịch lấy mẫu lớn nhất của thành phố.
Chiều tối nay, điều dưỡng Quỳnh cùng hơn 150 nhân viên y tế của bệnh viện lấy mẫu xét nghiệm Covid-19 cho toàn bộ người dân trên địa bàn phường 9, quận 8. Đây là một trong 6 địa phương thuộc nhóm có nguy cơ rất cao của TP.HCM.
Gần 10 xe chuyên dụng được huy động để đưa nhân viên y tế đến địa điểm lấy mẫu. |
“Chúng ta đang thực hiện chiến dịch xét nghiệm sàng lọc Covid-19 trên toàn thành phố. Các bạn chú ý lấy mẫu đúng, phòng hộ chuẩn, chúng ta ra quân hôm nay và sẽ còn nhiều hôm khác nữa, đến khi nào thành phố ổn định mới thôi”, bác sĩ Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch Tổng hợp, Bệnh viện Chợ Rẫy, đứng giữa sảnh, động viên đồng nghiệp.
Khoảng 150 bác sĩ, điều dưỡng tập trung trước sảnh chào cờ Bệnh viện Chợ Rẫy. Nhiều người vẫn còn mặc nguyên đồ blouse trắng, một số khác chưa kịp thay bộ quần áo phòng mổ. |
Hơn 18h, xe hú còi, hướng về các điểm lấy mẫu cộng đồng ở quận 8, một trong 5 địa bàn “nóng” nhất tại thành phố. Không riêng Bệnh viện Chợ Rẫy, cùng lúc này, khoảng 15.000 nhân viên y tế, sinh viên y khoa, thanh niên tình nguyện từ khắp các đơn vị cũng được lệnh điều động.
Trên đường đi, bác sĩ Khang, khoa Phẫu thuật – Gây mê Hồi sức, thông báo ê-kíp sẽ lấy mẫu xét nghiệm rRT-PCR gộp 15. Công việc lấy mẫu dự kiến sẽ diễn ra liên tục trong 10 ngày tới.
Điều dưỡng Quỳnh ngồi hàng giữa. Khác không khí náo nhiệt trước khi xuất quân, trên xe, cô cùng đồng nghiệp hầu như không nói chuyện để đảm bảo an toàn trong không gian kín. |
Mục tiêu 500.000 mẫu gộp 10 hoặc 15 mỗi ngày là con số rất lớn so với năng lực trước đây của thành phố bởi tổng số mẫu xét nghiệm tích lũy kể tại TP.HCM kể từ đợt dịch đầu tiên chỉ đạt hơn 851.800.
Ôtô chở nhân viên y tế của Bệnh viện Chợ rẫy len lỏi vào các điểm lấy mẫu cộng đồng tại quận 8. |
“Bà con cô bác vui lòng xếp hàng giãn cách, đeo khẩu trang, không thay đổi vị trí đứng”, ông Trần Văn Hưng, Phó chủ tịch HĐND phường 9, quận 8, có mặt tại điểm lấy mẫu, trực tiếp nhắc nhở người dân.
Ông Hưng cho biết cán bộ phường đã phải chuẩn bị nhân sự, cơ sở vật chất từ 15h. Tại điểm Trường mầm non Vàng Anh, dự kiến khoảng 4.000 người dân đến lấy mẫu. Từ khoảng 16h, nhiều người tranh thủ đến xếp hàng trước.
Bác sĩ Khang phụ trách điều phối chung. Anh cầm xấp giấy ghi thông tin của 15 người gộp mẫu. Thỉnh thoảng anh kiểm tra lại thông tin người dân để đảm bảo mẫu gộp không xảy ra bất cứ sai sót nào. |
“Chờ lâu quá!”, tiếng một người dân than thở ngay khi trời chuyển gió lạnh, vài giọt mưa lất phất. Nhiều người tách khỏi hàng, bỏ chạy vào các khu vực bên trong để tránh mưa. Cảnh xếp hàng ngay ngắn lúc đầu trở nên lộn xộn.
Ông Hưng phát loa đứng giữa sân trường, bố trí khu vực tránh mưa cho người dân và nhắc nhở giữ khoảng cách. Vài người lớn tuổi được bố trí ghế ngồi khu vực ở bên trong.
“Bà con thông cảm chờ thêm một chút nữa. Nhân viên y tế đến rồi, chốc nữa sẽ lấy mẫu ngay”, cán bộ phường kiên nhẫn đứng trấn an người dân.
Phó Chủ tịch HĐND phường 9 trực tiếp điều phối người dân xếp hàng, lấy mẫu dưới mưa. |
19h, mưa lất phất, nhiều người vẫn nán lại chờ đến lượt lấy mẫu. Các nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy nhanh chóng sắp xếp vật tư và bắt đầu làm việc.
Liên tục từ 19h đến gần 22h, người dân phường 9 liên tục đến lấy mẫu. 10 nhân viên y tế Bệnh viện Chợ Rẫy gần như đứng liên tục trong suốt thời gian làm việc.
Đến hơn 23h, những người dân cuối cùng hoàn thành việc lấy mẫu ra về, lúc này, nhân viên y tế mới được cởi bỏ bộ quần áo bảo hộ, thu dọn rác và lại lên xe ra về.
Trên xe trở về bệnh viện, một điều dưỡng tranh thủ chợp mắt nghỉ ngơi sau 4 giờ liên tục đứng lấy mẫu. |
Các phòng xét nghiệm hoạt động hết công suất
“Mấy hôm nay nhảy màu nhiều quá”, chị Quyên than thở với đồng nghiệp, rồi rà lại những dòng được đánh dấu bằng bút dạ quang trên danh sách số hiệu mẫu xét nghiệm. Đó đều là những mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2.
Gần 20h, thạc sĩ Mai Lệ Quyên, kỹ thuật viên Trưởng khoa Vi sinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, vừa đốc thúc các đồng nghiệp kiểm tra lại giấy tờ trả kết quả, vừa tranh thủ xem lại hồ sơ các mẫu được chuyển đến trong ngày.
Chị Mai Lệ Quyên (phải) kiểm tra lại thông tin các mẫu chạy trong ngày. Các dòng được highlight bằng bút dạ quang là những mẫu dương tính với virus SARS-CoV-2. |
“Mấy tháng trước ít nhưng đợt này dương tính thì không tưởng tượng nổi. Hôm qua, xét nghiệm cho một con hẻm ở TP Thủ Đức, ra hơn 20 người nhảy màu”, chị Mai Lệ Quyên chia sẻ.
Không chỉ chịu trách nhiệm xét nghiệm cho TP Thủ Đức, nơi đây còn hỗ trợ hàng nghìn mẫu từ 9 trung tâm y tế, bệnh viện tại TP.HCM.
Bên trong phòng xét nghiệm tại Bệnh viện TP Thủ Đức, một công xưởng xét nghiệm SARS-CoV-2 quan trọng của TP.HCM. |
“Ai thấy virus thì chạy chứ chúng tôi thì phải đi tìm nó. Đa số phòng xét nghiệm đều có không khí như thế này, im lặng lắm, nhưng thực tế thì tâm lý rất áp lực vì làm việc trực tiếp với virus”, anh Cao Phạm Quốc Tri, nhân viên xét nghiệm, nói.
Cử nhân xét nghiệm Cao Phạm Quốc Tri (trái) đọc kết quả trong lúc lô khác đang chờ chạy PCR. |
TP.HCM hiện có 24 đơn vị được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 bằng phương pháp Realtime RT-PCR (tính đến 29/4). Tuy nhiên, chỉ có 7 đơn vị tham gia vào chiến dịch xét nghiệm diện rộng toàn thành phố.
Anh Hoàng Văn Tú, được điều động từ khoa Huyết học truyền máu và sinh hóa miễn dịch, hỗ trợ khoa Vi sinh. Anh khẩn trương mặc đồ bảo hộ bước vào phòng tách chiết, bắt đầu 8 giờ làm việc. |
“Có những lúc, chúng tôi tồn dư rất nhiều mẫu, chờ tăng tốc công suất đến trưa ngày hôm sau. Hiện tại, các phòng xét nghiệm trên thành phố đã làm hết tốc lực”, chị Quyên nói.
Do số lượng mẫu tăng cao, khoa Vi sinh được huy động thêm nhân sự hỗ trợ từ các khoa, phòng khác để đảm bảo tiến độ công việc.
Phòng xử lý, tách chiết được xem là “thánh địa” của khoa Vi sinh, cũng là nơi im lặng nhất. Hai người ngồi cạnh nhau suốt 8 giờ nhưng hầu như không giao tiếp, hạn chế di chuyển hay đi vệ sinh. |
“Giai đoạn này, chúng tôi gần như quá tải. Nhân sự được huy động từ các khoa, phòng khám đến hỗ trợ, làm việc hết tốc lực vì 9 nhân sự xoay ca làm không xuể. Thương nhất là nhóm trong phòng tách chiết, gần như mặc bảo hộ liên tục suốt 8 giờ”, trưởng khoa Vi sinh tâm sự.
Mất khoảng 4 giờ để một mẫu xét nghiệm được sắp xếp, tách chiết, pha hoá chất, chạy PCR ra kết quả khẳng định. |
Hơn ai hết, các kỹ thuật viên xét nghiệm tại khoa Vi sinh xác định bản thân luôn có nguy lây nhiễm cao nhất do tiếp xúc hàng ngày với mẫu bệnh phẩm. Đa số nhân viên ở phòng xét nghiệm trẻ tuổi, sức khỏe tốt. Bởi họ phải làm trong môi trường nguy cơ cao, áp lực công việc lớn khiến sinh hoạt không điều độ, thiếu ngủ…
“Phải có sức khỏe tốt mới trụ được. Ở khoa này, hầu như ai cũng có bệnh dạ dày, do ăn uống không điều độ”, chị Quyên cười, mắt nhìn phần cơm nguội lạnh của một kỹ thuật viên bỏ dở trong phòng nghỉ.
Anh Cao Phạm Quốc Tri đọc biểu đồ phân tích một mẫu dương tính với SARS-CoV-2 từ máy rRT-PCR. |
Diệp Đào Tiên, 23 tuổi, cho biết dù là kỹ thuật viên trẻ nhất tại khoa Vi sinh, Tiên đã chứng kiến nhiều giai đoạn “lịch sử” của dịch Covid-19 ở TP.HCM.
Đêm làm việc “kinh hoàng” nhất của Tiên bắt đầu ngày 12/5, khi dịch mới bùng phát ở Hà Nội, một bệnh nhân ung thư vào TP.HCM trốn khai báo y tế. Trong đêm, Sở Y tế TP.HCM chỉ đạo xét nghiệm các bệnh viện toàn thành phố. Số lượng mẫu bệnh phẩm khổng lồ đồ về khiến cô gái 23 tuổi choáng ngợp. “Hình như làm liên tục suốt hơn 20 giờ, về nhà, tôi đổ gục luôn”, Đào Tiên kể.
Khoa Vi sinh, Bệnh viện Thành phố Thủ Đức, lúc gần 0h. Diệp Đào Tiên tranh thủ ăn phần cơm được phát từ thiện lúc chiều. |
Trong khi số lượng mẫu xét nghiệm ngày càng tăng, thời gian xét nghiệm lại phải rút ngắn lại. Có lẽ, Đào Tiên và các cán bộ khoa Vi sinh sẽ phải trải qua nhiều đêm làm việc căng thẳng như vậy cho đến khi dịch được kiểm soát hoàn toàn.
Từ 26/5 đến nay, báo cáo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM (HCDC) cho thấy số lượng mẫu xét nghiệm chờ kết quả ngày càng tăng. Cao điểm nhất là ngày 2/7 với 351.254 mẫu phải chờ kết quả xét nghiệm.
Ngày 4/7, TP.HCM tiếp tục thay đổi chiến lược xét nghiệm. Thành phố quy định mẫu F1 trả kết quả trong 6-10 giờ từ khi nhận mẫu; mẫu F2, người cách ly, tầm soát cộng đồng trả kết quả trong 24 giờ kể từ khi lấy mẫu.
“Phải trả kết quả xét nghiệm đúng hẹn” là thông điệp được Phó chủ tịch UBND TP.HCM Ngô Minh Châu đưa ra chiều 4/7. Thành phố một lần nữa tổ chức lại quy trình xét nghiệm để khắc phục sai sót những ngày đầu thực hiện.
Dù vậy, đây là cuộc ra quân tầm soát Covid-19 lớn nhất từ trước đến nay. Với sự chuẩn bị toàn diện từ việc tung lực lượng y tế khắp mặt trận và xây dựng hệ thống điều trị, lãnh đạo và người dân TP.HCM kỳ vọng đại dịch sớm được kiểm soát.
Nguồn: News.zing.vn