TP.HCM không thiếu những chốn vui chơi, ăn uống để giới trẻ tụ tập sau giờ làm việc. Mùa giãn cách, nhiều người trẻ nhớ những ngày thoải mái thưởng thức tré trộn, lẩu, pizza…
Giới trẻ TP.HCM thường có thói quen rủ hội bạn, đồng nghiệp tụ tập dùng bữa tối, nhấm nháp chút bia tươi sau giờ làm.
Khi hàng quán chuyển từ trạng thái hạn chế nhận khách sang bán online, tâm trạng nhiều người trở nên hụt hẫng. Mới 2 tháng mà tưởng như những cuộc vui cùng bạn bè ở quán quen đã là chuyện của ngày xưa.
Zing có cuộc phỏng vấn nhanh 5 người trẻ TP.HCM về quán ăn mà họ muốn ghé đến nhất sau thời gian giãn cách.
Lần gần nhất tôi ghé đây mua đồ ăn là cuối tháng 5, những ngày trước lệnh giãn cách. Tôi xách xe máy dạo vòng vòng, ghé qua góc đường Đông Du mua hộp tré trộn, ly trà dâu sát bên đem về nhà.
Nhưng thú thật, ẩm thực đường phố thì ăn tại chỗ mới “đã”. Giữa không khí tan tầm nhộn nhịp, tôi với đứa bạn kê chiếc ghế sát vỉa hè vừa ăn vừa trò chuyện và ngắm dòng người qua lại.
Mỗi lần như vậy, tôi hay nhẩm trong đầu vài câu từ quen thuộc “Đây Đông Du nhớ em bên anh mỗi khi tan ca – Anh mong sao ngày chóng qua”.
Mới đầu, nghe bạn giới thiệu phần tré trộn 50.000 đồng, tôi nghĩ bụng “đồ ăn vặt thôi mà đắt ghê” Tới nơi, tận mắt thấy khách ngồi quá trời, bác tài giao đồ ăn cũng xếp hàng đợi món khiến tôi tin tưởng hơn. Ăn rồi thì bản thân thành tín đồ món này luôn.
Phần tré khá đầy đặn, nước sốt pha sền sệt, đậm đà và thơm. Với lại, chỗ này đúng gu tôi khi trộn tré với cóc giòn và trứng cút. Cô Ri bán hàng tay thoăn thoắt cắt đôi quả trứng cút, ai hỏi gì cũng trả lời tận tình nên nhiều người quay lại.
WFH (làm việc tại nhà) được một tháng, tôi nhớ nhất là mì cua của Pizza 4P’s. Những ngày ở nhà, tôi chăm chỉ nấu cơm, thi thoảng đặt mấy món ở quán gần nhà về ăn. Tuy vậy, tôi chưa thử mua mì cua đem về. Món mì này ngon, thơm nhưng để nguội dễ bị tanh, đem về nhà, tôi sợ hương vị giảm đi mấy phần thì phí.
Tôi đã ăn tại nhiều chi nhánh ở TP.HCM song thích nhất vẫn là cửa tiệm quận 2. Với tôi, nơi này yên bình và đậm chất Nhật Bản nhất. Tiệm nằm nép vào bên trong, phía ngoài chỉ để một bảng hiệu nhỏ xíu, thực khách không để ý khó nhìn thấy.
Lần gần nhất, tôi đến đây cùng hai đứa bạn, chúng tôi đặt chỗ buổi tối nên quyết định ngồi ngoài trời cho thoải mái. Chiếc cầu thang dẫn lên chỗ ngồi mở ra không gian mộc mạc, gần gũi với bàn ghế gỗ xếp xen kẽ luống rau.
Tôi đánh giá cao hệ thống đèn chiếu không quá sáng mang lại cảm giác nhẹ nhàng khi dùng món.
Chúng tôi thưởng thức một số món trong thực đơn theo mùa rồi dùng mì Ý sốt cua Cà Mau. Không làm tôi thất vọng, mì đậm vị hải sản tươi, sợi còn hơi dai sần sần, sốt không quá ngấy. Tôi cũng ăn pizza hải sản và bò với phần đế mỏng, giòn, vừa chín tới kèm phần phô mai Burrata.
Hầu như món nào ở Pizza 4P’s cũng đều có phô mai béo thơm. Dù không phải tuýp người thích ăn đồ béo, không gian và thực đơn tinh tế ở đây vẫn là lựa chọn số một của tôi sau khi hết dịch. Lần tới, tôi sẽ thử cảm giác ngồi ở quầy bar xem đầu bếp nướng bánh.
Lẩu là món ăn mà tôi thích nhất và hay rủ gia đình, bạn bè cùng thưởng thức. Có lẽ cũng vì thế mà khi giãn cách, tôi sẽ nhớ những bữa tụ tập vui vẻ như vậy.
Nói về địa chỉ ẩm thực mà mình muốn đến nhất sau dịch, tôi sẽ nhắc Manwah. Thực đơn ở đây đa dạng với thịt bò, heo, tôm, mực, cá… tươi ngon. Đi đông người, bạn có thể chọn nồi 4 ngăn để nếm hết vị cay cay, chua chua của lẩu Mala, Thái hay độ ngọt tự nhiên trong lẩu nấm, lẩu Đài Bắc…
Món đồ nhúng lúc nào cũng có trong danh sách tôi gọi là “núi thịt” khổng lồ. Phần thịt được sắp xếp cầu kỳ thành từng lớp trên đá lạnh để đảm bảo độ tươi và thẩm mỹ. Đọc trên Internet, có vẻ hình ảnh này cũng là nét đặc trưng của bàn lẩu Đài Loan (Trung Quốc).
Ở đây, dùng buffet, thực khách có nhiều sự lựa chọn hơn. Mỗi người ăn no nê hết khoảng 450.000 đồng, giá khá cao so với mặt bằng chung nhưng đáng thử. Một điểm trừ nho nhỏ, không gian nhà hàng rộng rãi nhưng khá ồn, nhất là buổi tối 19-21h, cuối tuần, gọi nhân viên cũng hơi bất tiện.
Sau TP.HCM kết thúc giãn cách, tôi nghĩ mình sẽ lại rủ bạn bè thân thiết quay lại quán Xiên Khè trên đường Lê Đức Thọ.
Nơi đây sở hữu không gian rộng rãi, thoáng mát, đồ ăn phù hợp nhâm nhi sau giờ làm. Nếu muốn riêng tư hơn, khách có thể đặt tiệc trong phòng lạnh.
Với tôi, hương vị ở đây được nêm nếm khá ổn, chuẩn “mồi nhậu”, lượng đồ ăn trong mỗi đĩa vừa phải.
Trước dịch, vào giờ cao điểm hay cuối tuần, nơi đây trở nên rất nhộn nhịp. Trái với nhiều người muốn riêng tư, yên tĩnh, tôi thích không khí này. Đi nhậu phải như vậy mới vui. Tuy nhiên, đôi lúc đông quá, khách phải ngồi đợi món hơi lâu.
Nếu có dịp đến đây, bạn nên thử hàu sống kiểu Thái với nguyên liệu tươi, thấm gia vị cay xè, bò tẩm sốt khè vừa miệng, miếng thịt không quá dai hay đuôi heo ngâm mắm nhĩ chiên giòn sần sật, đậm đà…
Å by TUNG là một trong những nhà hàng kiểu Tasting Menu mới lạ tại TP.HCM, cứ cách 3 tháng, địa chỉ này lại cung cấp thực đơn mới với 20 món. Tôi từng có dịp dùng món khi nhà hàng vừa khai trương và khá ấn tượng.
Tôi lên kế hoạch ghé thưởng thức thực đơn mới vào ngày đầu tháng 6. Rất tiếc, nhà hàng này đóng cửa do dịch bệnh.
Có nhiều lý do khiến tôi muốn quay lại nơi đây. Đầu tiên phải kể đến kiểu phục vụ khác biệt. Thực khách phải đặt trước chỗ và không cần gọi món. Trong 3 tiếng đồng hồ, nhân viên lần lượt mang lên và giới thiệu từng hương vị. Tôi mở màn bằng 3 món khai vị gồm sữa chua mãn cầu, hàu sữa và bánh gạo lức, tiếp sau đó là ốc, vẹm, hải sản, bò, cừu hay lợn. Thực đơn kết thúc bằng món bánh tráng miệng ngọt ngào.
Món tôi ấn tượng nhất là thịt bò xay nhuyễn ăn kèm nước mắm chua ngọt của Việt Nam. Món ăn có sự kết hợp ẩm thực Đông – Tây. Phần nước mắm được xử lý để cô đặc lại, khi ăn, tôi chỉ cần quết lớp nước mắm lên thịt xay là được.
Có lẽ, giá cả chính là phần khiến nhiều người suy nghĩ nhất trước khi gọi điện thoại đặt một chỗ ngồi trong nhà hàng. Mỗi lần thưởng thức, bạn phải chi chừng 2 triệu đồng, chưa bao gồm rượu, bia.
Tuy nhiên, lý do khiến tôi muốn trở lại đây là vì hương vị món mới lạ, kiểu trải nghiệm độc đáo trao toàn quyền quyết định cho đầu bếp.
Nguồn: News.zing.vn