Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định văn hóa là động lực phát triển của đất nước. Ông đã liệt kê những khuyết điểm cần khắc phục để chấn hưng văn hóa Việt Nam.
Sáng 24/11, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trì và phát biểu tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.
Sau khi nghe tham luận của các đại biểu, Tổng bí thư bày tỏ sự vui mừng khi đến dự một hội nghị có ý nghĩa trên nhiều phương diện.
Văn kiện của Đảng khẳng định vai trò của văn hóa
Người đứng đầu Đảng khẳng định Văn kiện Đại hội XIII của Đảng đã đề cập một cách toàn diện và sâu sắc đến lĩnh vực văn hóa, từ chủ đề đại hội đến các quan điểm, mục tiêu, định hướng lớn, nhiệm vụ trọng tâm, đột phá chiến lược.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Việt Linh. |
Văn kiện đại hội đã nhấn mạnh một trong những quan điểm chỉ đạo cốt lõi và xuyên suốt là: “Khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự cường dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của nền văn hóa và con người Việt Nam… kết hợp sức mạnh dân tộc với sức mạnh thời đại; phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, trong đó nguồn lực nội sinh, nhất là nguồn lực con người là quan trọng nhất”.
Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng khẳng định Đảng luôn luôn coi trọng vai trò của văn hóa và quan tâm đến công tác xây dựng văn hóa trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, nhất là trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Nhận thức của Đảng về văn hóa ngày càng toàn diện, đầy đủ và sâu sắc hơn.
Đảng ta xác định văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu, vừa là sức mạnh nội sinh, động lực quan trọng để phát triển đất nước; xác định phát triển văn hóa đồng bộ, hài hòa với tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội là một định hướng căn bản của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam, thể hiện tính ưu việt của chế độ ta. Nói sâu sắc, ngắn gọn như Bác Hồ là: “Văn hóa soi đường cho quốc dân đi”!
Tổng bí thư nhấn mạnh nền văn hóa mà chúng ta xây dựng là nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc với nội dung cốt lõi là độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội.
“Nhìn lại những thành tựu trên lĩnh vực xây dựng và phát triển văn hóa Việt Nam dưới sự lãnh đạo của Đảng, đặc biệt là trong 35 năm đổi mới gần đây, chúng ta có quyền tự hào về những đóng góp to lớn của nền văn hóa vào sự nghiệp cứu quốc và kiến quốc”, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh.
Khuyết điểm văn hóa ảnh hưởng tiêu cực đến phát triển
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng yêu cầu cần nhìn thẳng vào những hạn chế, tồn tại, bất cập, yếu kém trên lĩnh vực văn hóa, tìm ra nguyên nhân và giải pháp để khắc phục.
Đại biểu tham dự hội nghị tham quan triển lãm Văn hóa soi đường cho quốc dân đi. Ảnh: Việt Linh. |
Hạn chế, yếu kém nổi bật được nhắc lại nhiều lần lâu nay là văn hóa chưa được các cấp, các ngành nhận thức một cách sâu sắc, chưa được quan tâm một cách đầy đủ tương xứng với kinh tế và chính trị. Vai trò của văn hóa trong xây dựng con người chưa được xác định đúng tầm, còn có chiều hướng nặng về chức năng giải trí.
Các lĩnh vực văn hóa được phát triển chưa đồng bộ, còn phiến diện, nặng về hình thức; thiếu những tác phẩm văn học, nghệ thuật tầm cỡ, phản ánh được tầm vóc của sự nghiệp Đổi mới. Môi trường văn hóa vẫn bị ô nhiễm bởi các tệ nạn xã hội, tham nhũng, tiêu cực.
Sự chênh lệch về hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, các miền còn lớn. Đời sống văn hóa ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới và hải đảo còn khó khăn. Nhiều di sản văn hóa quý báu của dân tộc có nguy cơ bị xuống cấp, mai một, thậm chí bị tiêu vong.
Công tác lãnh đạo, quản lý văn hóa còn lúng túng, chậm trễ. Đầu tư cho văn hóa chưa đúng mức, còn dàn trải, hiệu quả chưa cao. Chất lượng và số lượng đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác văn hóa chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển văn hóa trong thời kỳ mới.
Về công tác quảng bá và tiếp thu văn hóa, Tổng bí thư nhận định việc quảng bá văn hóa Việt Nam ra nước ngoài chưa mạnh; tiếp nhận tinh hoa văn hóa nhân loại còn hạn chế; chưa có biện pháp tích cực để giữ gìn, bảo vệ và phát huy những giá trị văn hóa tốt đẹp, đặc sắc của dân tộc.
“Nhiều khi bắt chước nước ngoài một cách nhố nhăng, phản cảm, không có chọn lọc, nói nặng ra là vô văn hóa, phản văn hóa”, Tổng bí thư nhấn mạnh.
Theo Tổng bí thư, những yếu kém, bất cập nêu trên chậm được giải quyết mặc dù đã được nhắc đi, nhắc lại trong nhiều văn kiện, nghị quyết của Đảng. Sự yếu kém, khuyết điểm này tác động tiêu cực đến phát triển kinh tế – xã hội, đến xây dựng con người và môi trường văn hóa.
Để dẫn đến tình trạng trên, Tổng bí thư khẳng định nguyên nhân chủ quan vẫn là chính.
Cụ thể, phương thức lãnh đạo và quản lý văn hoá chậm được đổi mới, chưa thích ứng kịp thời với sự vận động và phát triển văn hoá trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.
Công tác tổ chức và công tác cán bộ trên lĩnh vực văn hóa còn nhiều bất cập. Trách nhiệm của các cấp uỷ đảng, các tổ chức trong hệ thống chính trị, của đội ngũ cán bộ, đảng viên đối với việc lãnh đạo, chỉ đạo phát triển văn hóa chưa cao.
“Chúng ta cần phân tích sâu sắc các nguyên nhân này để tìm cách khắc phục, nhằm đẩy mạnh hơn nữa việc chấn hưng và phát triển nền văn hóa Việt Nam trong thời gian tới”, người đứng đầu Đảng yêu cầu.
Đứng trước những thời cơ và thách thức mới, Tổng bí thư nhấn mạnh yêu cầu khách quan của sự nghiệp cách mạng nước ta là phải tiếp tục xây dựng, giữ gìn và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, thực sự là “nền tảng tinh thần”, “động lực phát triển”, và “soi đường cho quốc dân đi”.
“Phát huy giá trị văn hóa và sức mạnh con người Việt Nam, khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, thịnh vượng, tạo ra sức mạnh tổng hợp của toàn dân tộc để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức. Thực hiện thành công mục tiêu đưa nước ta trở thành quốc gia phát triển theo định hướng xã hội chủ nghĩa vào giữa thế kỷ XXI”, người đứng đầu Đảng nêu quyết tâm.
Nguồn: News.zing.vn