Trong đợt dịch vừa rồi, ngành du lịch là một trong những ngành thê thảm, vì tới giờ nguồn khách nước ngoài vẫn chưa vào, thậm chí mọi người còn có phong trào “Người Việt Nam du lịch cho Việt Nam”, nhưng con số này rất thấp, người trong cuộc chia sẻ.
Dịch Covid-19 như một “thiên nga đen” với nền kinh tế toàn cầu, Việt Nam không ngoại lệ. Sự ách tắc chuỗi cung ứng còn diễn ra, và tác hại của dịch bệnh đến nay vẫn là dấu chấm hỏi, chưa kể một đợt bùng phát thứ hai còn được dự báo bởi các chuyên gia y học.
Việt Nam có thể nói là đã thực hiện tốt công tác phòng chống dịch, và nền kinh tế nội địa đang dần hồi phục. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn phải chống chọi mỗi ngày với dòng tiền, chỉ số kinh doanh; đặc biệt những lĩnh vực có yếu tố nước ngoài như xuất nhập khẩu, du lịch…
Tham gia tham luận tại hội thảo Năng lực thích ứng linh hoạt trong thời đại số hóa do trường doanh nhân Dale Carnegie tổ chức, ông Dương Phú Nam – Tổng Giám đốc Sun World – phân trần: “Trong đợt Covid-19 vừa rồi, Sun World là một trong những đơn vị bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Hiện tại, ngành du lịch biến đổi khá nhanh, khách hàng giờ đây đa số tự tổ chức du lịch và sử dụng các thiết bị công nghệ để hỗ trợ, thay vì liên lạc qua các công ty du lịch“.
Do đó, theo ông Nam, nếu các công ty du lịch hay những doanh nghiệp kinh doanh vui chơi giải trí không dự đoán, thay đổi thích ứng theo thị trường thì chắc chắn sẽ chậm chân hơn đối thủ, không đủ chủ động và không thích ứng kịp với sự thay đổi này. Hệ quả là không tiếp cận được khách hàng cũng như gây mất kiểm soát, “Nếu không dẫn dắt được thị trường thì hãy đi cùng thị trường chứ đừng đi sau thị trường“.
Và để có thể “chạy” cùng thị trường, đại diện Sun World chia sẻ một trong những điều tiên quyết để đi cùng thị trường là nắm bắt xu thế. Cụ thể là xu thế về công nghệ. Hiện nay, công nghệ thay đổi vô cùng chóng mặt, nếu chúng ta không theo kịp đồng nghĩa với việc bỏ qua một cơ hội đúng đắn để quảng bá cho sản phẩm và dịch vụ của mình.
Hãy để nhân viên của mình tiếp xúc nhiều với công nghệ, để họ sẵn sàng, không bị choáng, ngợp trong cuộc chiến liên quan đến công nghệ. Chuẩn bị sẵn sàng bao giờ cũng giúp chúng ta có một tâm thế làm chủ hơn khi mọi sự thay đổi đến, ông Nam nhấn mạnh.
Lấy ví dụ cụ thể, “Thay vì ngày trước dành ra 70% ngân sách cho truyền hình và báo chí thì hiện nay, trước thay đổi hành vi của người tiêu dùng, Sun World đã dành 80% cho các kênh social media, còn lại 10% cho truyền hình và 10% cho báo chí. Những sự thay đổi này đã mang lại cuộc cách mạng trong việc tiếp cận thị trường.
Thông thường khi chúng ta launching 1 chiến dịch ra ngoài thị trường, để quảng cáo trên truyền hình, báo chí thông thường mất 2 tuần đến 1 tháng nhưng mà thời gian đó cũng không đủ linh hoạt để đáp ứng xu thế, nhưng sau khi thay đổi Sun World chỉ cần 3 ngày thì đã phủ sóng thị trường khá tốt, ví dụ như những chiến dịch hè, Tết.
Một xu thế hấp dẫn hiện nay nữa là Music Marketing với các KOLs lớn như Chi Pu, Bích Phương, Quang Đăng… đây là một xu thế mà chúng ta phải nhìn liên tục, tạo ra định hướng mang tính áp lực cao với nhân viên của mình để theo kịp xu thế đấy“.
Cũng chịu thiệt hại lớn từ đợt dịch vừa qua, kinh doanh một khách sạn 4 sao tại Mũi Né, bà Phùng Kim Vy – Chủ tịch HĐQT The Cliff Resort – bày tỏ: “Trong đợt dịch vừa rồi, ngành du lịch là một trong những ngành thê thảm, vì tới giờ nguồn khách nước ngoài vẫn chưa vào, thậm chí mọi người còn có phong trào “Người Việt Nam du lịch cho Việt Nam”, nhưng con số này rất thấp“.
Theo vị này, các resort ở Việt Nam tới tháng 6 mới bắt đầu mở cửa, nhiều resort chấp nhận mở cửa cuối tuần và mức độ trả lương đều cắt giảm. Trong 7 năm hoạt động, đây là lần đầu tiên The Cliff đứng trước thử thách như vậy. Ứng phó, The Cliff vẫn cố gắng chạy mạng lưới marketing với slogan “Ngày mai trời lại sáng”, đội ngũ nhân viên tiếp tục tương tác với khách, kết nối với thị trường…
Kết quả thu về, bà Vy ghi nhận từ sau khi nới lỏng giãn cách, The Cliff bắt đầu mở cửa lại từ ngày 29/4 đến nay đã đón một lượng khách khá ổn. Tuy nhiên, doanh nghiệp vẫn luôn review năng suất từng bộ phận, cá nhân; triển khai mạnh mẽ các chiến lược thích ứng linh hoạt, song song luôn kiểm tra lại “sức khỏe” của doanh nghiệp.
Nhìn chung, một số doanh nghiệp trước đây không có mô hình kinh doanh rõ ràng nhưng vì Covid-19 cũng như cuộc cách mạng chuyển đổi số, đã thúc đẩy họ cần phải bước ra khỏi vùng an toàn về năng lực cốt lõi trước đây, xây dựng 1 năng lực mới hứa hẹn tạo ra sự phát triển bền vững cho doanh nghiệp. Đây cũng là một trong những chiến lược được nhiều công ty suy xét.
Nguồn: KENH14.VN