Việc vị tướng hàng đầu Bipin Rawat qua đời sau vụ rơi trực thăng được nhận định là đến vào thời điểm “không thể tồi tệ hơn” trong bối cảnh căng thẳng biên giới Trung – Ấn gia tăng.
Ngày 8/12, quân đội Ấn Độ trải qua một cú sốc lớn không tưởng. Tướng Bipin Rawat, Tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, đã thiệt mạng trong vụ tai nạn trực thăng trên đường tới thuyết giảng tại một trường cao đẳng quốc phòng ở Tamil Nadu.
Bộ trưởng Quốc phòng Rajnath Singh là người đầu tiên thông báo tin xấu trên Twitter, theo South China Morning Post.
“Chúng tôi rất đau buồn trước sự ra đi đột ngột của Tổng tham mưu trưởng, tướng Bipin Rawat, vợ và 11 nhân viên lực lượng vũ trang khác trong vụ tai nạn trực thăng hôm nay ở Tamil Nadu”, ông viết. “Sự ra đi của ông là một tổn thất không gì bù đắp được đối với lực lượng vũ trang và đất nước chúng ta”.
Vụ tai nạn này như một đòn giáng mạnh vào quân đội Ấn Độ. Vị tướng quá cố được cho là người thân cận với Thủ tướng Narendra Modi.
Cái chết của ông cũng có nguy gây ảnh hưởng tới khả năng phòng vệ của quân đội Ấn Độ trong bối cảnh căng thẳng chưa có dấu hiệu chấm dứt ở khu vực biên giới với Trung Quốc, với bằng chứng là những va chạm giữa 2 bên ở Doklam năm 2017 và Ladakh năm 2020.
Nhà phân tích chiến lược Brahma Chellaney viết rằng cái chết của ông Rawat đến vào lúc “không thể tồi tệ hơn”, vì hành động khiêu khích ở biên giới kéo dài 20 tháng của Trung Quốc đã dẫn đến bầu không khí căng thẳng dọc theo chiến tuyến Himalaya.
Người dân thắp nến tưởng nhớ tướng Bipin Rawat ở Siliguri hôm 8/12. Ảnh: AFP. |
Vá lại lỗ hổng
Trong suốt bốn thập niên, ông Rawat chỉ huy lực lượng binh sĩ dọc theo Đường kiểm soát thực tế (LAC) giáp với Trung Quốc và khu vực Kashmir do Ấn Độ quản lý. Trong những năm 1980, ông chỉ huy quân đội trong các cuộc giao tranh chống lại lực lượng Trung Quốc.
Ông Rawat được Thủ tướng Modi đích thân lựa chọn để trở thành chỉ huy quân đội vào năm 2016. Ba năm sau, ông được chọn làm Tổng tham mưu trưởng đầu tiên. Vị trí này thiết lập với mục đích tích hợp 3 lực lượng của Ấn Độ – Lục quân, Hải quân và Không quân.
Vị tướng cũng có mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với Cố vấn An ninh Quốc gia (NSA) – Ajit Doval – một nhân vật đầy quyền lực khác. Hai bên đã hợp tác thành công trong những hoạt động như không quân và lực lượng đặc biệt tấn công Pakistan.
Với tư cách là Tổng tham mưu trưởng, ông Rawat có nhiệm vụ là giải quyết những lỗ hổng trong việc kết hợp giữa các bộ phận tại Bộ Quốc phòng, nơi quan chức dân sự thường có xu hướng hoạt động khác biệt và tách biệt với quân đội.
Do đó, ông được giao phụ trách một cánh riêng trong bộ có tên là Cục Quân sự (DMA) – nơi hoạt động kết hợp cả các quan chức dân sự và quân sự.
Không mất đi động lực cải cách
Hầu hết chuyên gia quân sự Ấn Độ đồng ý rằng có một kiểu tích hợp khác là điều cần thiết. Lục quân, hải quân và không quân tự nhóm lại thành bộ chỉ huy tác chiến ba nhiệm vụ, thay vì tiếp tục hoạt động đơn nhiệm dựa trên cơ sở địa lý – ví dụ như Bộ Tư lệnh Lục quân phía bắc, Bộ Tư lệnh Không quân phía tây, Bộ Tư lệnh Hải quân phía nam.
Ông Rawat được giao nhiệm vụ loại bỏ sự phân tách hỗn loạn này. Mỗi đơn vị kiểm soát tất cả lực lượng lục quân, hải quân và không quân mà họ cần để thực hiện hoạt động chiến đấu trong thời chiến.
Mỹ là quốc gia tạo ra mô hình lệnh tổng hợp, phân tán về mặt địa lý này sau Thế chiến II. Năm 1947, Washington thành lập 5 bộ tư lệnh tác chiến theo địa lý (như Bộ Tư lệnh Trung tâm, Bộ Tư lệnh châu Phi và Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương).
Quân đội Mỹ cũng thành lập 4 bộ tư lệnh tác chiến dựa trên chức năng, chịu trách nhiệm về các hoạt động đặc biệt khác nhau, như lực lượng chiến lược, vận tải và chiến tranh mạng.
Tướng Bipin Rawat (trái), tổng tham mưu trưởng quân đội Ấn Độ, và Thủ tướng Narendra Modi. Ảnh: Twitter. |
Vào năm 2016, Ấn Độ theo dõi Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc sao chép mô hình này. Từ 7 quân khu và 3 hạm đội hải quân, Trung Quốc thành lập 5 quân khu trung tâm, mỗi quân khu chứa cả lục quân, hải quân và không quân.
Thành công của Trung Quốc trong sáng kiến này đã khiến nhiều nhà cải cách quân sự của Ấn Độ kêu gọi chính phủ thống nhất cả 3 đơn vị lục quân, hải quân và không quân.
Thông báo về việc thành lập Tổng tham mưu trưởng được đưa ra vào đêm Giáng sinh 2019. Từ đó, ông Rawat có vai trò “tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu các bộ chỉ huy quân sự… bằng cách liên kết các hoạt động, trong đó thông qua việc thiết lập các bộ chỉ huy/quân khu chung”.
Ông Rawat đã tử nạn khi đang trên đường tới thuyết giảng cho các sĩ quan về tầm quan trọng và phương pháp luận khi tích hợp chức năng dân sự – quân sự, cũng như tạo ra sức mạnh tổng hợp cả 3 lực lượng thông qua thiết lập chỉ huy chung của quân khu.
Tuy nhiên, sự ra đi đột ngột của ông được cho là cũng không gây nhiều ảnh hưởng tới những biện pháp cải cách này trong quân đội Ấn Độ. Các nghiên cứu ban đầu đã được thực hiện, và ở mức độ nào đó, động lực đã được tạo ra. Sự ra đi của bộ phận vận hành duy nhất, dù có là trọng tâm trong nỗ lực tổng thể, cũng không khiến động lực dừng lại.
Nguồn: News.zing.vn