Viện dẫn những cáo buộc về lao động cưỡng ép ở Trung Quốc, Tổng thống Mỹ Joe Biden kêu gọi các nước G7 thống nhất hơn về cạnh tranh kinh tế với Bắc Kinh.
Tổng thống Biden muốn các lãnh đạo đồng minh G7 cùng công khai chỉ trích các cáo buộc lao động cưỡng ép ở Trung Quốc, và đưa vấn đề vào tuyên bố chung của hội nghị.
Lãnh đạo Canada, Anh và Pháp ủng hộ quan điểm của Tổng thống Biden, nhưng Đức, Italy và Liên minh châu Âu tỏ ra lưỡng lự, theo hai nguồn tin trong chính quyền Biden.
Tuyên bố chung của hội nghị vẫn đang được soạn thảo. Một số quan chức Nhà Trắng cho biết Trung Quốc sẽ được nêu cụ thể là có những chính sách “phi thị trường”, theo AP.
Tổng thống Mỹ Joe Biden, Nữ hoàng Anh Elizabeth II, Thủ tướng Anh Boris Johnson, và Tổng thống Pháp Emanuel Macron cùng có mặt tại Cornwall, Anh. Ảnh: AP. |
Ở nhóm lưỡng lự, Thủ tướng Đức Angela Merkel cho rằng Trung Quốc không chỉ là một đối thủ về kinh tế, mà còn là đối tác cần thiết trong nhiều lĩnh vực. Bà cho rằng việc giải quyết biến đổi khí hậu sẽ không có tiến triển nếu không có sự tham gia của Bắc Kinh, theo DW.
G7 dự kiến chỉ trích cáo buộc việc sử dụng lao động cưỡng ép của Trung Quốc nhưng không đi kèm hình phạt ngay lập tức nào đối với Bắc Kinh. Tuy nhiên, đây là động thái cho thấy sự đồng lòng của các nhà lãnh đạo chống lại vấn nạn này, AP dẫn lời một quan chức Mỹ.
Cũng trong khuôn khổ hội nghị, các lãnh đạo G7 đồng thuận về dự án cơ sở hạ tầng mới nhằm đối trọng với sáng kiến Vành đai, Con đường của Trung Quốc.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 năm nay diễn ra từ ngày 11-13/6 tại Cornwall, Anh. Bên cạnh 7 nước công nghiệp hàng đầu thế giới, hội nghị có sự tham dự của các nhà lãnh đạo Hàn Quốc, Australia, Nam Phi và Ấn Độ.
Nguồn: News.zing.vn