Ngoài những khu di tích mang đậm dấu ấn lịch sử, Thủ đô Hà Nội còn có rất nhiều danh lam thắng cảnh do thiên nhiên ban tặng.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lăng được xây dựng ở quảng trường Ba Đình, Hà Nội. Trong lăng là thi hài của Chủ tịch Hồ Chí Minh, được đặt trong hòm kính ghép bằng đá đen huyền lấp lánh. Qua lớp kính trong suốt, Bác Hồ hiện lên trong bộ quần áo ka ki bạc màu, dưới chân có đặt một đôi dép cao su. Lăng Bác có chiều dài 320m, rộng 100m và 240 ô cỏ xanh tươi suốt bốn mùa.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh mở cửa vào các buổi sáng thứ Ba, thứ Tư, thứ Năm, thứ Bảy và Chủ nhật. Mùa nóng (từ 1/4 đến 31/10), mở cửa từ 7h30 đến 10h30; mùa lạnh (từ 1/11 đến 31/3 năm sau), mở cửa từ 8h đến 11h. Ngày lễ, thứ Bảy và Chủ nhật mở cửa dài thêm 30 phút. Hàng năm Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh đóng cửa để làm nhiệm vụ tu bổ định kỳ vào tháng 10 và tháng 11.
Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hồ Hoàn Kiếm
Hồ Hoàn Kiếm có mặt nước xanh biếc, bình lặng giữa long thủ đô. Hồ này gắn liền với các công trình kiến trúc nổi tiếng khác như: Tháp Rùa, đền Ngọc Sơn, cầu Thê Húc dẫn đến cổng đền Ngọc Sơn, tháp Bút, đài Nghiên, tháp Hòa Phong, đền Bà Kiệu, Thủy Tạ,… Ngoài ra còn có đền thờ vua Lê ở bờ Tây của hồ, áp với đình Nam Hương. Đền có tượng vua Lê Thái Tổ đứng trên trụ cao, tay cầm thanh kiếm như phóng xuống mặt hồ.
Hồ Hoàn Kiếm.
Hồ Tây
Là một hồ nước tự nhiên lớn nhất ở Hà Nội, được ví như “lá phổi xanh của Thủ đô”. Hồ Tây nằm ở vị trí Tây Bắc của trung tâm Hà Nội với diện tích hơn 500ha, có không khí trong lành, mát mẻ, cùng những cảnh quan hết sức nên thơ và yên bình.
Mặt nước Hồ Tây.
Hoàng thành Thăng Long
Hoàng thành Thăng Long là quần thể di tích gắn với lịch sử kinh thành Thăng Long Hà Nội. Công trình kiến trức đồ sộ này được các triều vua xây dựng trong nhiều giai đoạn lịch sử và trở thành di tích quan trọng bậc nhất trong hệ thống các di tích Việt Nam.
Những dấu vết kiến trúc độc đáo cùng hàng triệu hiện vật quý giá trong Hoàng thành Thăng Long phần nào tái hiện lại quá trình lịch sử trải dài từ thời kỳ Bắc thuộc dưới ách đô hộ của nhà Tùy và nhà Đường (thế kỷ VII đến thế kỷ IX), xuyên suốt các triều đại: Lý, Trần, Lê, Mạc và Nguyễn (1010-1945).
(Ảnh: Trung tâm bảo tồn di sản Thăng Long – Hà Nội)
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia
Đây được xem là nơi lưu lại những hiện vật quý hiếm (trống đồng Đông Sơn, gốm Bát Tràng, tượng thần Shiva, cọc gỗ trong trận Bạch Đằng,…), các nền văn hóa, lịch sử dựng nước và giữ nước của nhân dân ta từ thuở sơ khai đến ngày ra đời nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Với nét kiến trúc Đông Dương đặc sắc, nơi này hứa hẹn sẽ là địa điểm tham quan xứng đáng cho du khách thập phương.
Bảo tàng có giờ mở cửa từ 8h đến 12h (buổi sáng), từ 13h30 đến 17h (buổi chiều); mở cửa tất cả các ngày trong tuần, trừ ngày thứ Hai tuần đầu tiên của tháng. Nếu các ngày nghỉ lễ trong năm trùng vào ngày thứ Hai, hệ thống trưng bày vẫn mở cửa phục vụ khách tham quan.
Bảo tàng Lịch sử Quốc gia.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám
Đây được coi là trường đại học đầu tiên của Việt Nam, nơi chứa đựng những nét văn hóa lịch sử lâu đời và nền kiến trúc đậm đà bản sắc của dân tộc. Văn Miếu được bao bọc bởi các tuyến phố chính của quận Đống Đa: Phố Nguyễn Thái Học, phố Tôn Đức Thắng, phố Văn Miếu và phố Quốc Tử Giám. Văn Miếu Quốc Tử Giám gồm ba khu vực chính là Hồ Văn, Vườn Giám và khu nội tự Văn Miếu Quốc Tử Giám.
Văn Miếu – Quốc Tử Giám.
Cầu Long Biên
Cầu Long Biên từ lâu đã gắn với lịch sử của dân tộc ở các thời kỳ chống Pháp và chống Mỹ. Từ cầu Long Biên, quân đội Pháp phải rút khỏi Hà Nội, ra Hải Phòng để lên tàu về nước. Cầu Long Biên cũng là nơi diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt của các chiến sĩ phòng không Hà Nội, đặt pháo trên đỉnh cầu để bắn máy bay Mỹ, bảo vệ cầu Long Biên và khu Đông Hà Nội.
Cây cầu này đã chứng kiến bao thăng trầm của lịch sử suốt 100 năm qua, chịu sự tàn phá nặng nề của bom đạn qua hai cuộc chiến tranh chống Pháp và Mỹ. Cầu Long Biên đã trở thành chứng nhân lịch sử, dấu tích văn hóa lịch sử đặc biệt về sự đấu tranh của người dân thủ đô.
Cầu Long Biên.
Nhà tù Hỏa Lò
Được mệnh danh top 5 địa điểm rùng rợn nhất Đông Nam Á hay “địa ngục trần gian” giữa lòng Hà Nội, đây là nơi các chiến sĩ anh dũng của dân tộc ta bị bắt nhốt và tra tấn mạn rợ bởi những cách thức tàn độc nhất của thực dân Pháp.
Nhà tù Hỏa Lò.
Làng cổ Đường Lâm
Đây là ngôi làng cổ đầu tiên ở Việt Nam được Nhà nước trao bằng Di tích Lịch sử Văn hóa Quốc gia năm 2006. Với những nét đặc trưng về kiến trúc, nghệ thuật của một làng Việt cổ vùng đồng bằng châu thổ sông Hồng, có thể nói làng cổ Đường Lâm chỉ đứng sau phố cổ Hội An và phố cổ Hà Nội về quy mô cũng như giá trị nghệ thuật.
Làng cổ Đường Lâm.
Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa
Từ cổng vườn Quốc gia Ba Vì, du khách chỉ cần đi khoảng 1,5km là đến khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa. Nơi đây đích thị là địa điểm nghỉ dưỡng thơ mộng và rất gần gũi với thiên nhiên. Hồ Tiên Sa có diện tích khoảng 200.000 mét vuông, xung quanh hồ được bao bởi những ngọn đồi thoai thoải xanh tươi.
Khu du lịch sinh thái Hồ Tiên Sa. (Ảnh: Trang thông tin du lịch Ba Vì)
Nguồn: 24H.COM.VN