Với việc Kia Sonet có thể được hưởng chính sách giảm phí trước bạ cho xe CKD, cuộc cạnh tranh giữa mẫu xe của Kia và Toyota Raize càng trở nên nóng hơn.
Khác với thông lệ khi tâm điểm của thị trường ôtô trong quý IV hàng năm là các kỳ triển lãm hoành tráng để những hãng xe tung ra loạt sản phẩm mới, khách hàng Việt Nam trong hơn một tháng qua dồn sự chú ý vào quy định hỗ trợ 50% lệ phí trước bạ cho xe sản xuất, lắp ráp trong nước (CKD) có thể sắp được Chính phủ ban hành.
Chính sách này khi được áp dụng sẽ ảnh hưởng đến cục diện của nhiều phân khúc đang có sự cạnh tranh giữa xe CKD và ôtô nhập khẩu nguyên chiếc (CBU). Đáng chú ý nhất trong số đó là cuộc so kè giữa 2 mẫu SUV cỡ nhỏ chuẩn bị bán ra trong tháng 11, gồm Toyota Raize và Kia Sonet.
Toyota Raize đánh mất lợi thế về giá
Đầu tháng 10, Kia Việt Nam bất ngờ mở đặt hàng cho Sonet và công bố giá bán 499-609 triệu đồng cho 4 phiên bản của dòng xe gầm cao mới.
Nhìn chung, mức giá của Kia Sonet nằm ngoài sự mong đợi của nhiều người dùng và nhận được nhiều ý kiến rằng con số 500-600 triệu đồng cho một chiếc SUV cỡ nhỏ mang thương hiệu Hàn Quốc là khá cao.
Trong khi đó, cách đây gần một tháng Toyota cũng nhanh chóng “nhập cuộc” khi xác nhận sẽ ra mắt Raize tại Việt Nam. Động thái này có thể là để Toyota Raize không bị Kia Sonet lấn át và sớm thu hút sự quan tâm của khách hàng đang có nhu cầu mua xe dịp cuối năm.
Với việc một vài đại lý Toyota nhận đặt cọc cho Raize cùng giá bán dự kiến chưa đến 550 triệu đồng, không ít người cho rằng mẫu xe Nhật Bản sẽ có được ưu thế để cạnh tranh với Sonet, nhất là khi nhiều khách hàng mua xe lần đầu ở tầm giá 600 triệu đồng vẫn ưu tiên thương hiệu Toyota, vốn được tiếng bền bỉ, tiết kiệm và tính thanh khoản cao.
Kia Sonet đã có mặt tại đại lý ở Hà Nội. Ảnh: Bối Hạ. |
Tuy vậy, tình thế bất ngờ thay đổi trước thời điểm Toyota Raize ra mắt chính thức. Thông tin Bộ Tài chính đề xuất mức thu lệ phí trước bạ cho xe CKD bằng 50% mức thu hiện hành trong 6 tháng (dự kiến từ ngày 15/11 đến ngày 15/5/2022) khiến Kia Sonet có thêm lợi thế.
Bởi lẽ, Raize được nhập khẩu từ Indonesia, trong khi Sonet được lắp ráp trong nước và nhiều khả năng sẽ được nhận mức giảm lệ phí trước bạ khoảng 25-36 triệu đồng, tùy theo phiên bản và địa phương đăng ký.
Thử tính toán, nếu Toyota Raize có giá đề xuất 550 triệu thì chi phí lăn bánh tại Hà Nội sẽ vào khoảng 638 triệu đồng.
Trong khi đó, phiên bản Luxury và Premium của Kia Sonet để ra biển số tại thủ đô sẽ có tổng chi phí sau khi nhận ưu đãi 50% phí trước bạ vào khoảng 636-668 triệu đồng, thay vì mức 670-704 triệu đồng nếu không tính hỗ trợ.
Đó là chưa kể đến 2 biến thể Sonet Deluxe số sàn và số tự động sẽ có giá lăn bánh tương ứng vào khoảng 551-594 triệu đồng, thấp hơn đáng kể so với mẫu xe Nhật Bản.
Như vậy, ưu thế về giá lăn bánh của Raize gần như bị “san bằng” với việc Sonet chuẩn bị được hưởng mức giảm lệ phí trước bạ cho xe CKD.
Cạnh tranh bằng trang bị
Khi giá bán không có chênh lệch lớn, 2 dòng SUV hạng A của Toyota và Kia sẽ phải cạnh tranh trực diện bằng “nội lực”, tức mẫu mã, tính hữu dụng, trang bị tính năng cũng như thông số vận hành.
Xét về thông số kích thước, Kia Sonet có phần nhỉnh hơn về chiều dài và chiều rộng tổng thể, còn chiều dài cơ sở của Toyota Raize lại tốt hơn đối thủ đôi chút, trong khi đó khoảng sáng gầm gần như tương đồng.
Như vậy, mẫu xe Hàn Quốc hứa hẹn có được cabin cũng như khoang hành lý rộng rãi hơn đôi chút. Tuy nhiên, mẫu xe của Toyota nhìn chung vẫn có đủ không gian để đáp ứng cho nhu cầu sử dụng của gia đình nhỏ.
Toyota Raize sẽ có giá bán chính thức khi ra mắt vào ngày 4/11. Ảnh: TMV. |
Ở yếu tố trang bị, Raize và phiên bản Sonet cao cấp nhất tỏ ra “ngang tài ngang sức” khi sở hữu nhiều tính năng tương đồng như hệ thống đèn LED, mâm xe hợp kim 17 inch, bảng đồng hồ điện tử, màn hình cảm ứng trung tâm cỡ lớn có kết nối Apple CarPlay/Android Auto, điều hòa tự động…
Ngoài ra, mỗi model lại có một vài trang bị nổi bật riêng. Với Raize là cảnh báo điểm mù, lẫy chuyển số trên vô-lăng, cảnh báo điểm mù và cảnh báo phương tiện cắt ngang khi lùi. Trong khi đó, Sonet Premium có ghế lái chỉnh điện, cảm biến áp suất lốp, sạc điện thoại không dây, cửa sổ trời, khởi động từ xa…
Thông số sức mạnh của Kia Sonet chiếm ưu thế nhờ động cơ 1.5L hút khí tự nhiên, phù hợp cho nhiều nhu cầu di chuyển. Trong khi đó Raize trang bị động cơ tăng áp 1.0L ưu tiên cho khả năng tiết kiệm nhiên liệu, hướng đến nhu cầu sử dụng chủ yếu ở đô thị.
Tạm gác lại thiết kế, yếu tố mà mỗi người dùng sẽ có nhận định riêng, so sánh nhanh về mặt lý thuyết cho thấy mỗi mẫu xe có một thế mạnh riêng.
Vì vậy, cơ hội nhìn chung vẫn đang chia đều cho cả Toyota và Kia, việc lựa chọn Raize hay Sonet sẽ phụ thuộc vào nhu cầu và sở thích của từng khách hàng, cũng như hãng xe nào có được chính sách bán hàng hấp dẫn hơn.
Nguồn: News.zing.vn