‘TP.HCM đã tự tin nhưng tình hình chuyển biến quá nhanh’

0
64

Chuyên gia kinh tế cho rằng việc giãn cách theo cấp độ cao hơn ở TP.HCM là cần thiết ngay từ đầu. Nhưng suốt một tháng, thành phố đã cố gắng thỏa mãn nhiều mục tiêu khác nhau.

TP.HCM ap dung chi thi 16 anh 1

Trong tuần đầu tháng 7, TP.HCM chứng kiến số ca mới mắc Covid-19 tiếp tục gia tăng với tốc độ kỷ lục 400-700 ca/ngày.

Con số bệnh nhân tăng không ngừng đã khiến lãnh đạo thành phố phải quyết định áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16.

Như thông điệp trước đó của Thủ tướng Phạm Minh Chính, ông nhận định việc áp dụng biện pháp phòng, chống dịch quyết liệt có thể làm đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất. Nhưng khi cần thiết và nhất là trong lúc này, tính mạng và sức khỏe của nhân dân phải trên hết, trước hết.

Thế khó của TP.HCM

Khi chính quyền TP.HCM quyết định giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 toàn thành phố, người dân đồng lòng cùng với nỗi băn khoăn: “Vì sao không áp dụng Chỉ thị này sớm hơn, ngay khi ổ dịch ở Gò Vấp bùng phát? Nếu trong tháng 6 áp dụng phong tỏa một cách quyết liệt, dịch bệnh có thể đã không kéo dài đến tháng 7”.

TP.HCM đã có sự tự tin về khả năng của mình trong việc kiểm soát dịch bệnh. Sau đó tình hình chuyển biến khá nhanh.

Thạc sĩ Lê Thành Nhân

Thạc sĩ Lê Thành Nhân, nghiên cứu sinh tiến sĩ, giảng viên khoa Kinh tế của Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng thời gian qua TP.HCM đã áp dụng lệnh phong tỏa một cách ít cực đoan và thận trọng. Điều này có nhiều nguyên nhân.

Nguyên nhân đầu tiên là do TP.HCM giữ nhiệm vụ rất quan trọng của một trung tâm kinh tế. TP.HCM mà ngừng các hoạt động thì giống như người lao động chính trong gia đình phải nghỉ việc, sẽ khó khăn cho cả gia đình.

TP.HCM ap dung chi thi 16 anh 2

Thạc sĩ Lê Thành Nhân. Ảnh: Ueh.edu.vn.

“Thành phố phải hài hòa nhiều mục tiêu khác nhau. Nếu từ đầu tháng 6, TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách cứng rắn nhất và ngay lập tức thì tôi nghĩ sẽ gặp rất nhiều ý kiến phản đối, trong đó có các doanh nghiệp”, ông Nhân chia sẻ.

Nguyên nhân thứ 2, ông Nhân cho rằng lúc đầu TP.HCM có sự tự tin về khả năng kiểm soát dịch bệnh. Sau đó tình hình chuyển biến khá nhanh và khó kiểm soát.

Sau một tháng giãn cách theo Chỉ thị 15 và Chỉ thị 10 nhưng không kiểm soát được dịch bệnh, TP.HCM nhận được sự hỗ trợ từ Trung ương. Đây là cơ sở để chính quyền hành động quyết đoán hơn so với trước đó.

“Khi TP.HCM áp dụng biện pháp giãn cách theo Chỉ thị 16, 15 ngày tới là thời gian quan trọng, người dân rất kỳ vọng vào hành động của chính quyền TP”, ông Nhân nói.

Chuẩn bị tâm thế

Suốt một tháng cố gắng không áp dụng Chỉ thị 16 toàn thành phố để giảm thiệt hại cho nền kinh tế, rốt cuộc lãnh đạo TP.HCM vẫn không tránh được quyết định khó khăn này.

Với một quyết định cứng rắn nhằm ưu tiên bảo vệ sức khỏe cho người dân, giờ là lúc thành phố phải ước lượng xem kinh tế sẽ bị ảnh hưởng thế nào.

“Tôi tin đa số (90%) người dân TP.HCM vẫn ổn khi thực hiện lệnh giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Tuy nhiên, tỷ lệ người dân có điều kiện sống thấp nhất trong xã hội sẽ gặp khó khăn. Vấn đề là nhóm 10% này sẽ tiếp cận được những nguồn lực hỗ trợ như thế nào. Đó là vấn đề mà trước mắt chính quyền nên quan tâm”, thạc sĩ Lê Thành Nhân chia sẻ.

TP.HCM ap dung chi thi 16 anh 3

Người thu nhập thấp xếp hàng chờ phát cơm từ thiện trong đợt dịch Covid-19 tại TP.HCM. Ảnh: Ngọc Tân.

Ông Nhân đánh giá cao thông điệp của Chính phủ với mong muốn mọi người thông cảm, đồng lòng chống dịch nếu phải phong tỏa diện rộng. “Các doanh nghiệp ở TP.HCM sẽ đồng lòng, ủng hộ Chính phủ, và họ phải tính toán việc cắt giảm quy mô sản xuất, cố vượt qua khó khăn 1-2 tuần”, chuyên gia kinh tế vi mô nhận định.

Ảnh hưởng Covid-19 tới TP.HCM sẽ từ từ lan rộng đến cả những tỉnh không có dịch.

TS Châu Thanh Vũ

Trao đổi với Zing, tiến sĩ kinh tế Châu Thanh Vũ, Đại học Harvard (Mỹ), nhận định người dân TP.HCM vừa là nhà cung ứng sản phẩm, vừa là người tiêu thụ của nền kinh tế các tỉnh khác. Do đó, ảnh hưởng Covid-19 tới TP.HCM sẽ từ từ lan rộng đến cả những tỉnh không có dịch.

Ngoài ra, TP.HCM là nguồn đóng góp cho ngân sách rất lớn. Việc thành phố bị ảnh hưởng về lâu dài làm giảm ngân sách quốc gia, ảnh hưởng đến các tỉnh thành vốn dựa vào sự phân bổ ngân sách Trung ương.

TS Châu Thanh Vũ cho rằng biện pháp giãn cách xã hội rõ ràng sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế. Theo đó, người dân chủ động ở nhà sẽ làm giảm nhu cầu tiêu thụ của thị trường, đặc biệt là ở các nhóm ngành dịch vụ.

TP.HCM ap dung chi thi 16 anh 4

Tiến sĩ kinh tế Châu Thanh Vũ. Ảnh: NVCC.

Khi thu nhập của người lao động và chủ doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ bị ảnh hưởng, họ sẽ cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng tiêu dùng và đầu tư của các nhóm ngành khác.

Điều này khiến cú sốc kinh tế do Covid-19 lan rộng ra các ngành khác trong nền kinh tế. Thực tế, trong nền kinh tế, chi tiêu của nhóm người này là nguồn thu nhập của nhóm người khác.

Về mặt tài chính, nếu nhiều doanh nghiệp phá sản, hệ thống ngân hàng sẽ bị ảnh hưởng nặng vì nợ xấu, ảnh hưởng đến nguồn cung tín dụng trong thời gian mà doanh nghiệp cần vay nợ nhất.

Nếu không đủ tiền trả lương cho nhân viên, tiền thuê mặt bằng, tiền lãi suất, các doanh nghiệp sẽ buộc phải đóng cửa và phá sản. Việc xây dựng lại các mối quan hệ kinh tế (ví dụ như tìm lại ngân hàng sẵn sàng cho vay vốn khởi nghiệp, hay người lao động tìm lại công việc phù hợp) có thể mất thời gian dài.

Giải pháp giảm thiểu tác động

Chuyên gia kinh tế Châu Thanh Vũ nhận định chính quyền TP.HCM và Chính phủ có thể áp dụng thêm một số chính sách để giảm tác động của dịch bệnh đến người dân, doanh nghiệp.

Thứ nhất, cần tăng bảo hiểm thất nghiệp, đặc biệt là đảm bảo thu nhập xuyên suốt thời gian nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi Covid-19, chứ không phải hỗ trợ một lần như hiện nay theo Nghị quyết 68/NQ-CP.

Thứ 2, Chính phủ cần hỗ trợ, giúp các doanh nghiệp vừa và nhỏ tránh phá sản bằng nguồn vốn phi lợi nhuận. Số tiền hỗ trợ nên được dành cho các mục đích trả lương người lao động, trả tiền thuê mặt bằng và trả lãi nợ ngân hàng.

“Hiện nay, chỉ mới có chính sách cho vay với lãi suất thấp (hoặc 0%) để doanh nghiệp trả cho người lao động bị dừng việc. Chính phủ nên mở rộng các khoản cho vay ưu đãi này”, ông Vũ nêu ý kiến.

TP.HCM ap dung chi thi 16 anh 5

Nhiều cửa hàng dịch vụ tại TP.HCM phải đóng cửa vì ảnh hưởng dịch bệnh. Ảnh: Chí Hùng.

Tuy nhiên, việc Chính phủ cho vay chỉ giúp các doanh nghiệp giải quyết khó khăn về thanh khoản (có tiền để chi tiêu hiện tại). Nếu dự kiến tác động Covid-19 kéo dài, doanh nghiệp có khả năng vẫn muốn đóng cửa và sa thải người lao động.

Cần tăng bảo hiểm thất nghiệp chứ không phải hỗ trợ một lần như hiện nay.

TS Châu Thanh Vũ

Do đó, TS Châu Thanh Vũ cho rằng Chính phủ nên cân nhắc hỗ trợ không hoàn lại, đặc biệt là những nhóm ngành bị ảnh hưởng trực tiếp bởi Covid-19, thay vì cho vay.

Bên cạnh chính sách hỗ trợ tài chính, việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công để tạo thêm công việc trong lĩnh vực xây dựng cũng đang được Chính phủ coi trọng. Trong một cuộc khủng hoảng kinh tế mà đầu tư tư nhân giảm mạnh thì Nhà nước cần dùng đầu tư công để bù đắp vào tổng cầu của thị trường.

Tuy nhiên, TS Châu Thanh Vũ cho rằng việc thúc đẩy giải ngân đầu tư công có thể không phải là chính sách phù hợp nhất lúc này. Ông nhận định việc giải ngân một dự án hạ tầng sẽ không tốt bằng trực tiếp dùng số tiền đó để hỗ trợ doanh nghiệp tại TP.HCM.

“Điều này cũng nói lên việc Chính phủ nên cân nhắc giảm tỷ lệ đóng góp ngân sách Trung ương của TP.HCM trong thời gian dịch bệnh”, chuyên gia của Đại học Harvard chia sẻ.

Nguồn: News.zing.vn

Du lịch trong nước

Có thể bạn chưa xem

Địa điểm du lịch hấp dẫn