Theo các chuyên gia, những chỉ số đánh giá mức thích ứng, kiểm soát dịch cần được điều chỉnh phù hợp với bối cảnh dịch bệnh tại TP.HCM.
Bộ Y tế đang xây dựng hướng dẫn “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Trao đổi với Zing, các chuyên gia cho rằng một số tiêu chí được đưa ra tại dự thảo này chưa phù hợp với tình hình dịch thực tế tại TP.HCM.
“Với đặc thù và bối cảnh dịch bùng phát tại TP.HCM, thành phố cần có quy định riêng. TP.HCM khó đạt tiêu chí thích ứng Covid-19 theo dự thảo của Bộ Y tế, nếu tiêu chí này không thay đổi”, bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), chia sẻ.
Số F0 trong cộng đồng không thể là tiêu chí thích ứng Covid-19″
Về chỉ số ca mắc mới/100.000 dân/tuần theo chỉ số của Bộ Y tế, theo bác sĩ Khanh, số ca mắc mới trong cộng đồng không thể là tiêu chí thích ứng, nhất là với các địa phương có dịch lây lan rộng như TP.HCM.
“Nếu dựa vào chỉ số này, các địa phương sẽ tiếp tục xét nghiệm đại trà. Nhưng một khi dịch xâm nhập vào cộng đồng, việc bóc tách F0 là không cần thiết và tốn kém kinh phí, nhân lực. Thay vào đó, tiêu chí nên sửa đổi thành số ca nhập viện và tử vong thì mới có ý nghĩa”, bác sĩ Khanh nói.
Cùng quan điểm này, trao đổi với Zing, PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Trưởng khoa Y tế Công cộng, Đại học Y Dược TP.HCM, nhận định việc sử dụng chỉ số ca mắc mới tại cộng đồng hay số trường hợp diễn biến nặng, tử vong do Covid-19 đều có điểm hay riêng.
Cụ thể, việc sử dụng chỉ số về trường hợp diễn biến nặng, tử vong đồng nghĩa yếu tố quan trọng nhất để thành phố đánh giá tình hình dịch là kết quả cuối cùng. Lúc này, chính quyền và ngành y tế TP.HCM sẽ chịu trách nhiệm chính về tiêu chí trên bằng mọi phương pháp có thể.
Hàng trăm shipper tập trung hàng trăm mét chờ test nhanh Covid-19 tại quận Gò Vấp trong ngày 20/9. Ảnh: Duy Hiệu. |
“Thành phố có thể giảm số ca mắc Covid-19 hoặc chấp nhận để số người nhiễm nCoV cao nhưng đảm bảo điều trị tốt. Miễn sao chúng ta không để số bệnh nhân Covid-19 tử vong tăng cao. Điểm hay của cách này là giúp mang lại tinh thần chủ động cho thành phố”, ông nói.
Tuy nhiên, theo chuyên gia này, việc Bộ Y tế áp dụng chỉ tiêu về số ca mắc mới tại cộng đồng cũng có những ý nghĩa nhất định.
Một khi dịch xâm nhập vào cộng đồng, việc bóc tách F0 là không cần thiết và tốn kém kinh phí, nhân lực
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Bệnh viện Nhi đồng 1
“Cùng có số trường hợp tử vong nhưng việc chúng ta có 10.000 ca mắc sẽ thể hiện nguy cơ của dịch rất khác so với việc chỉ có 1.000 người nhiễm. Bởi vậy, việc kiểm soát số ca mắc Covid-19 cũng rất quan trọng”, PGS Dũng kết luận.
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc, nguyên Trưởng Bộ môn Nhi, Đại học Y Dược TP.HCM, cũng cho rằng việc giảm số ca mắc Covid-19 tại TP.HCM rất khó đạt được. Nguyên nhân là biến chủng Delta với tốc độ lây lan rất nhanh, khi mở cửa, chắn chắn số ca F0 sẽ tăng lên.
Chuyên gia đề xuất thay đổi mục tiêu số ca mắc mới/100.000 dân/tuần bằng việc “Kiểm soát được số ca mới mắc trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế”.
Tuy nhiên, PGS Phúc nhấn mạnh việc giảm số ca tử vong cũng cần có chỉ số phù hợp theo ngưỡng chịu đựng của hệ thống y tế.
Điều trị F0 tại nhà, không cách ly tập trung F1
Trong công văn khẩn gửi Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, lãnh đạo TP.HCM đề xuất không cách ly tập trung F1, điều trị F0 tại nhà tại cả 4 cấp độ dịch.
PGS Đỗ Văn Dũng bày tỏ sự đồng tình với đề xuất này của thành phố.
Cụ thể, ở cấp độ dịch thấp nhất (dưới 20 ca/100.000 dân/tuần), việc điều trị F0 tập trung vẫn có thể chấp nhận được. Tuy nhiên, ở cấp độ dịch cao hơn (20-50 ca/100.000 dân/tuần trở lên), khối lượng người phải điều trị tập trung sẽ rất lớn.
“Tôi đã tính toán và nhận thấy với cấp độ dịch đó, chúng ta sẽ phải cách ly và điều trị cho khoảng 60.000 người. Chi phí để đảm bảo việc ăn, ở, quản lý, chăm sóc y tế cho lượng người này là rất lớn khi mỗi đợt điều trị trong khoảng 14 ngày sẽ tương đương 3-4 triệu đồng/người”, vị chuyên gia này phân tích.
Nhân viên Trung tâm Cấp cứu 115 đến nhà hỗ trợ cấp cứu cho một F0 bị khó thở. Ảnh: Duy Hiệu. |
Do đó, ông Dũng cho rằng nếu sử dụng số tiền trên cho các biện pháp hành chính hay ứng dụng công nghệ để hỗ trợ người dân cách ly, điều trị, hiệu quả sẽ cao hơn và lại giảm được chi phí.
PGS Dũng cũng đồng ý với đề xuất không cách ly tập trung F1 của TP.HCM. Tuy nhiên, ông gợi ý thành phố có thể cách ly các trường hợp F1 chưa tiêm vaccine Covid-19 hoặc không đảm bảo các biện pháp phòng dịch.
Thành phố có thể giảm số ca mắc Covid-19 hoặc chấp nhận để số người nhiễm nCoV cao nhưng đảm bảo điều trị tốt
PGS.TS Đỗ Văn Dũng, Đại học Y Dược TP.HCM
“Nguyên nhân là những trường hợp này vẫn có thể làm lây lan virus cho người khác. Trong khi đó, những người đã tiêm đủ liều vaccine sẽ có xác suất mắc bệnh rất thấp. Nếu cách ly tập trung toàn bộ F1, bên cạnh các chi phí sinh hoạt cơ bản, chúng ta còn lãng phí thời gian nhóm này có thể lao động, đóng góp cho xã hội”, ông giải thích.
Đây cũng là biện pháp để cá thể hóa các biện pháp can thiệp y tế công cộng của Việt Nam. Cụ thể, người đã tiêm vaccine sẽ được áp dụng những biện pháp khác so với trường hợp không tiêm. Từ đó, chúng ta có thể khuyến khích người dân tiêm chủng vaccine cũng như tuân thủ các quy định phòng dịch.
Một ý nghĩa khác của việc làm này là đảm bảo thu nhập của người dân, doanh nghiệp. Với doanh nghiệp, khi áp dụng cách ly tập trung F1, trong trường hợp một công nhân trở thành F0, toàn bộ phân xưởng, thậm chí nhà máy sẽ có thể sẽ phải đóng cửa và dừng sản xuất.
Số lượng tiêm vaccine phòng Covid-19 tại TP.HCM từ 10/9 đến 22/9 | ||||||||||||||||||||||||||||
Theo Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật TP.HCM | ||||||||||||||||||||||||||||
Nhãn | 1/9 | 2/9 | 3/9 | 4/9 | 5/9 | 6/9 | 7/9 | 8/9 | 9/9 | 10/9 | 11/9 | 12/9 | 13/9 | 14/9 | 15/9 | 16/9 | 17/9 | 18/9 | 19/9 | 20/9 | 21/9 | 22/9 | 23/9 | 24/9 | 25/9 | 26/9 | 27/9 | |
Số lượng vaccine được tiêm | người | 30645 | 35874 | 75424 | 87388 | 103199 | 174082 | 188526 | 180560 | 198273 | 183699 | 214347 | 246232 | 174090 | 177119 | 148671 | 119193 | 78163 | 86403 | 38086 | 102593 | 51300 | 54513 | 86512 | 131005 | 242022 | 183993 | 152032 |
Thêm phụ lục về mức độ tập trung đông người
Về các biện pháp thích ứng ở 4 cấp độ dịch, TP.HCM đề nghị bổ sung yêu cầu số lượng người tham gia hoạt động ngoài trời nhiều hơn hoạt động trong nhà và cả 2 môi trường đều cần nhấn mạnh tiêm đủ liều vaccine và tuân thủ 5K.
Thay đổi mục tiêu số ca mắc mới/100.000 dân/tuần bằng việc “Kiểm soát được số ca mới mắc trong khả năng đáp ứng của hệ thống y tế
PGS.TS.BS Vũ Minh Phúc
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, đề xuất này hợp lý. Theo ông, Bộ Y tế cần có quy định cụ thể hơn, chẳng hạn trong từng khu vực cụ thể, đối tượng nào được tập trung đông, số lượng giới hạn, tiêu chuẩn riêng cho từng người (số mũi tiêm vaccine…).
Chẳng hạn, cho phép tối đa 20 người cùng hoạt động trong một không gian, nếu đa số là người già, người có yếu tố nguy cơ… cũng không ổn.
Bộ Y tế có thể bổ sung phụ lục để đưa ra các tiêu chuẩn này khi tụ tập đông người. “Việc kiểm soát nơi người dân đến và tập trung sẽ có ý nghĩa quan trọng hơn là kiểm soát họ khi đi trên đường”, bác sĩ Khanh nói.
Lực lượng chức năng đang tháo rào chắn tại một con hẻm ở TP.HCM vào ngày 27/9. Ảnh: Y Kiện. |
Theo chuyên gia này, hiện TP.HCM đã đạt được 2 tiêu chí rất quan trọng là tỷ lệ bao phủ vaccine và năng lực giường hồi sức (ICU).
“Năng lực y tế của thành phố cơ bản ổn định, có khả năng điều trị tốt. Với F0 tại cộng đồng, thành phố cũng chuẩn bị tốt các túi thuốc, xây dựng mối liên lạc giữa F0 và y tế địa phương. Nếu thành phố tăng cường thêm dinh dưỡng và tinh thần cho F0, việc chăm sóc gần như hoàn chỉnh”, bác sĩ Khanh nói thêm.
Bác sĩ Khanh cho rằng không riêng TP.HCM, tiêu chí thích ứng theo dự thảo của Bộ Y tế đối với Hà Nội hoặc nơi có dịch tấn công vào cộng đồng cũng khó đáp ứng được. Do đó, ở những địa phương có dịch tấn công cộng đồng hoặc vùng dịch có tỷ lệ tiêm vaccine cao, Bộ Y tế cần phải nghiên cứu có tiêu chí riêng.
Nguồn: News.zing.vn